Nhà văn Nhật Chiêu: Cứ chọn đọc tác phẩm lớn, đừng quan trọng xuất xứ

15/05/2019 06:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 17h ngày 16/5/2019 tại Đường sách TP.HCM, nhà văn-nhà nghiên cứu Nhật Chiêu sẽ trò chuyện về văn học Hungary - một nền văn học có thể còn nhiều xa lạ với độc giả Việt Nam, dù nước này không thiếu các tác giả tầm cỡ thế giới. Buổi trò chuyện cũng sẽ giới thiệu tác phẩm Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời của Kertesz Imre, giải Nobel văn học năm 2002.

Nhà văn Nhật Chiêu: Tổ tiên ta - cột mốc về dịch thuật

Nhà văn Nhật Chiêu: Tổ tiên ta - cột mốc về dịch thuật

Bộ ba "Tổ tiên ta" của Italo Calvino (1923-1985) do Vũ Ngọc Thăng dịch chẳng thể trở thành sách “hot” hay bán chạy, nhưng sẽ để lại dấu ấn lớn trong giới văn chương, giới nghiên cứu.

“Cũng như khi nhìn về văn học phương Đông, nhiều người phương Tây chỉ nghĩ đến Ấn Độ, Trung Quốc… mà ít chú ý đến khu vực Ả Rập, Ba Tư hay các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Trong khi những nơi này có khá nhiều tác giả, tác phẩm tầm cỡ, thú vị. Nhìn về văn học châu Âu cũng vậy: Ireland, Ba Lan, Đan Mạch, Áo, Hungary, Na Uy… cũng ít được chú ý, dù tác giả, tác phẩm tầm cỡ, thú vị cũng không ít” - nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

* Câu chuyện ở đây không dừng lại ở 10 quốc gia trong Cộng đồng châu Âu tại Việt Nam, mà là văn học toàn châu Âu, ông thấy đặc trưng của những nền văn học ít về dân số - tạm gọi là nước nhỏ - thế nào?

- Khi viết, nhìn chung họ ý thức rất rõ về vị trí xứ sở và ngôn ngữ của mình, nên ít ảo tưởng, ít tự cho mình là đại diện của văn học này, của sứ mệnh nọ, của vai trò kia. Ví dụ khi bằng tiếng Anh và tiếng Tiệp hoặc tiếng Hung thì tâm thế người viết sẽ khác nhau rất nhiều. Và giống như luật bù trừ, những sáng tạo văn học nổi bật của thế kỷ 20 lại thuộc về ngòi bút của những xứ được xem là “nho nhỏ” này. James Joyce của Ireland, Robert Musil của Áo, Karel Capek của Tiệp Khắc, Hamvas Bela của Hungary… là những tượng đài mà các nền văn học được cho là to lớn cũng không thể có được.

Mặt khác, nhà văn của những xứ nhỏ thường ít bị áp lực khi nhìn lại truyền thống văn học của mình, ít có nhiệm vụ phải “kế thừa và phát huy”, nên họ khá thong dong, tự do trong sáng tạo. Hoặc nói khác đi, họ khá bao dung trong sáng tạo, chấp nhận mọi thứ và cũng chối bỏ mọi thứ. Họ cũng ít bận tâm tới việc xây dựng lý thuyết, trường phái, chủ nghĩa… nên sáng tạo khá thoải mái, ít chịu ràng buộc, ít sợ sai.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nhật Chiêu

* Nếu chọn 100 tác phẩm vĩ đại nhất của châu Âu mọi thời đại, ông nghĩ các “nước nhỏ” này sẽ đóng góp chừng bao nhiêu phần trăm?

- Tôi không biết con số cụ thể, vì nó còn phụ thuộc vào các tiêu chí chọn lựa này kia, nhưng chắc chắn là một con số không hề nhỏ. Có thể khẳng định rằng đóng góp của những nền văn học nhỏ ở châu Âu là không hề nhỏ. Nếu theo tiêu chí mà tôi hình dung, riêng Ireland và Ba Lan thôi cũng hơn chục người rồi; hoặc ví dụ như Søren Kierkegaard của Đan Mạch, tác phẩm của ông đã đặt nền tảng cho các khuynh hướng về hiện đại, hiện sinh, hậu hiện đại, chủ nghĩa cá nhân… của thế kỷ 20, có nhiều ảnh hưởng sâu đậm lên ý thức hệ đương đại.

* Tại Việt Nam việc tiếp cận và tiếp nhận các nền văn học này cũng khá manh mún, được chăng hay chớ. Ông có thể lý giải vì sao không?

- Điều này cũng khá dễ hiểu thôi, vì các ngôn ngữ ít người sử dụng thì thường có ít dịch giả và nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm. Trong việc giảng dạy cũng vậy, các nước lớn thường có khoa riêng, bộ môn riêng, thậm chí các trung tâm nghiên cứu riêng ở trường đại học, các nước nhỏ với số tiết ít ỏi được phân bổ, người giảng dạy cũng chỉ biết lướt qua.

Nên theo ý kiến riêng, tôi nghĩ thời nay không nên quá chú trọng đến các nền văn học riêng biệt, mà nên dạy và học những tinh hoa văn học nói chung. Ở vai trò người tiếp nhận, điều này càng dễ dàng và thú vị hơn, cứ chọn đọc những tác phẩm lớn như là tác phẩm lớn, còn nó đến từ đâu thì đừng quá quan trọng. Ví dụ như Franz Kafka, nếu xét về địa lý thì ngày nay thuộc CH Séc, trước đây là Tiệp Khắc, còn thời ông sinh ra lại là một phần của Đế quốc Áo - Hung. Còn về mặt tâm thế, ông thuộc về Do Thái, nói và viết bằng tiếng Đức.

Chú thích ảnh
Kiệt tác “Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời” của Kertész Imre do Nguyễn Hồng Nhung dịch. Với gần 10 triệu dân và 15 giải Nobel trên các lĩnh vực, Hungary là nước có số người đoạt giải Nobel theo bình quân đầu người cao nhất thế giới

* Ở đầu câu chuyện ông có nêu Việt Nam trong tương quan với phương Đông là nền văn học nhỏ, nhưng có các tác phẩm thú vị. Như là một ví dụ gián tiếp để hình dung về các nền văn học nhỏ ở châu Âu, ông có thể ví dụ một tác phẩm của Việt Nam?

- Hoàn toàn có thể lấy Truyện Kiều của Nguyễn Du làm ví dụ, đến nay đã có hơn 70 bản dịch trên toàn thế giới, dù sự phổ biến của tiếng Việt còn hạn chế, số dịch giả có thể làm việc với tiếng Việt còn rất ít. Nếu giả dụ Truyện Kiều đến từ một nền ngôn ngữ phổ biến hơn một chút, số bản dịch có thể đã trên 100. Chỉ nhìn ở khía cạnh này thôi đủ thấy tầm cỡ quốc tế, sự thú vị của Truyện Kiều - một truyện thơ lớn đến từ một nước nhỏ.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Ngày hội sách châu Âu 2019

Diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM từ ngày 2 đến 25/5, với sự tham gia của 10 quốc gia trong Cộng đồng châu Âu tại Việt Nam. Trong hình dung của nhiều độc giả, văn học châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Italy… còn những quốc gia ít về dân số như Hungary, CH Séc, Bỉ, Thụy Sỹ, Đan Mạch… thì chẳng mấy lưu tâm. Chính vì vậy mà tìm hiểu về những nền văn học nhỏ này sẽ thêm phần ly kỳ, thú vị.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm