Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long: Mang 'hồn cốt Hà Nội' bước vào... tuổi 60

22/10/2020 08:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long được thành lập từ năm 1960. Trải qua 60 năm xây dựng, vượt qua nhiều khó khăn, Nhà hát đã phát triển vững mạnh toàn diện, từ Đoàn Ca múa Hà Nội đi lên thành Nhà hát hạng I.

Thiếu nhi Thủ đô viết tiếp truyền thống, xứng đáng là chủ nhân Thăng Long - Hà Nội

Thiếu nhi Thủ đô viết tiếp truyền thống, xứng đáng là chủ nhân Thăng Long - Hà Nội

rong hai ngày 9 – 10/10, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ thành phố Hà Nội lần thứ XIV năm 2020 với chủ đề “Ngàn bông hoa đẹp – dâng Bác kính yêu” được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong những năm qua Nhà hát đã dàn dựng được gần 3.000 chương trình nghệ thuật, biểu diễn phục vụ nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều chương trình nghệ thuật đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Giữ gìn bản sắc dân tộc

Trong những chương trình đã dàn dựng, nhiều chương trình có chất lượng tốt về nội dung và hình thức nghệ thuật, đáp ứng về nội dung chính trị đồng thời vẫn bảo đảm được chất lượng nghệ thuật, có chuyên môn cao, có thể kể đến: Việt Nam trên đường chúng ta đi; Trở về; Hà nội, ngày… tháng… năm…; Hà Nội xưa và nay; Tình em; Hà Nội - Huế - Sài Gòn; Tôi yêu Hà Nội…

NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, cho biết, thời gian qua, Nhà hát thực hiện tốt 2 nhiệm vụ song song là gìn giữ bản sắc văn hóa của ông cha ta để lại và phát triển, xây dựng những chương trình mới mang hơi thở thời đại.

Anh nói: "Trong những chương trình nghệ thuật dân gian, dân tộc, Nhà hát cũng cập nhật những yếu tố mới, lạ để khán giả quốc tế nhận ra đây là âm nhạc Việt Nam. Bản sắc dân tộc rất quan trọng, nhưng việc định hình mình là ai trước bạn bè quốc tế cũng là tiêu chí Nhà hát hướng tới.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trongvở diễn Broadway "Hà Nội, ngày... tháng... năm…"

Một nhiệm vụ quan trọng khác là Nhà hát luôn chú trọng việc bảo tồn, phát triển thế nào để cho giới trẻ cảm nhận được, họ thấy mình ở đó, không xa lạ hay lạc lõng với vốn văn hóa ông cha ta để lại. Cốt lõi vẫn là văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng hình thức thể hiện có sự mới mẻ và hội nhập quốc tế. Đó là vai trò trách nhiệm của một đơn vị nghệ thuật đứng đầu Hà Nội".

Từ năm 2013 đến nay, Nhà hát vẫn thường xuyên tập luyện, tìm tòi, học tập để xây dựng các tiết mục mới, dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình lớn phục vụ chính trị, phục vụ đối ngoại và phục vụ nhân dân Thủ đô, đồng thời tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ VH,TT&DL tổ chức.

Ngoài các nhiệm vụ phục vụ chính trị được giao, Nhà hát cũng tích cực biểu diễn các chương trình có doanh thu để đảm bảo nguồn thu sự nghiệp, mặc dù còn nhiều khó khăn như trang thiết bị còn thiếu, chưa có phương tiện vận chuyển, chưa có rạp… Nhà hát đã cố gắng khai thác hợp đồng biểu diễn phục vụ các đơn vị và tổ chức các buổi biểu diễn bán vé để tăng cường nguồn thu sự nghiệp. Hàng năm Nhà hát đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch thu biểu diễn, kinh phí thu sự nghiệp hàng năm tăng trung bình khoảng 15-20% (năm sau so với năm trước).

Chú thích ảnh
Tiết mục biểu diễn trong chương trình "Trở về" của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long

Tự tin và những trăn trở

Trong khoảng thời gian nghỉ diễn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã miệt mài tập luyện và sắp hoàn thiện mộtvở nhạc kịch Broadway, dự kiến biểu diễn từ cuối tháng 10.

“Mong muốn của chúng tôi là thực hiện chương trình nhạc kịch đặc biệt, là tiếng hát, tiếng lòng của các nghệ sĩ Thủ đô. Không hướng tới vở diễn quá cầu kỳ hay để đi thi mà chúng tôi mong muốn có thể diễn thật nhiều, thậm chí có thể biểu diễn ở phố đi bộ dịp cuối tuần để tiếp cận nhiều hơn với công chúng.

Chúng tôi kỳ vọng rằng khán giả xem xong ai cũng thích thú vì thấy gần gũi, nhẹ nhàng và thấy mình ở đó. Xây dựng những vở nhạc kịch Broadway rất Hà Nội, thuần Việt, đó cũng là một định hướng quan trọng của Nhà hát thời gian tới” - NSƯT Tấn Minh bày tỏ.

Theo Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, đơn vị luôn ưu tiên những chương trình thuộc về hồn cốt, đặc trưng Hà Nội, nhưng cũng không quên mở rộng đề tài cho phong phú, hấp dẫn, đương đại hơn. Tập thể nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long luôn nỗ lực trong việc thổi sức sống mới vào trình diễn âm nhạc truyền thống để các khán giả trẻ cũng nồng nhiệt đón nhận.

Chú thích ảnh
Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập vào ngày 22/10

Với cương vị người đứng đầu,NSƯT Tấn Minh tự tin và tự hào khi hiện giờ Nhà hát có những nghệ sĩ trẻ tài năng, đắm say với nghề như: Nhạc sĩ Dương Cầm, ca sĩ Khánh Linh, Đông Hùng, Bảo Trâm… Họ đều là những nghệ sĩ có tên tuổi, có vị trí riêng trong xã hội và có khả năng kiếm tiền nhưng họ gắn bó với Nhà hát bởi niềm đam mê, mong muốn được cống hiến, góp sức thực hiện những chương trình nghệ thuật đặc biệt mà không tiền nào mua được.

Hiểu những mong muốn đó, song đơn vị cũng có những khó khăn nhất định, nhất là hiện giờ, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chưa có rạp để các nghệ sĩ có thể biểu diễn chương trình thường xuyên.

NSƯT Tấn Minh cũng chia sẻ: “Khát khao lớn nhất của các nghệ sĩ là được làm nghề, có sân khấu biểu diễn thì anh chị em có thể yên tâm tận hiến. Chúng tôi là chiến sĩ văn hóa phải có trách nhiệm với đời sống tinh thần của người dân Thủ đô. Chúng tôi luôn sẵn sàng cống hiến và mong mỏi nhận được sự hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn của Nhà nước.

Là người đứng đầu, đứng mũi chịu sào, tôi hiểu những mong muốn của anh em nghệ sĩ và sẽ cố gắng, phấn đấu, cống hiến hết sức mình. Các nghệ sĩ trong sáng lắm, tuổi trẻ đang hừng hực sức sáng tạo, đang ở đỉnh cao, tôi sẽ cố gắng cùng các anh chị em giữ được sự nhiệt tình đó".

Tiểu Phong

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm