200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du: Chuyện của tấm văn bia sau gần một thế kỷ

15/09/2020 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, sau khi kết thúc cuộc họp Ban Chấp hành Hội Kiều học Việt Nam, 3 anh em Chi hội Kiều học Hà Nội gồm Đinh Công Vỹ, Phương Văn và tôi đã đến thăm văn bia khắc năm 1929 tưởng nhớ Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều. Tấm văn bia do Bùi Kỷ soạn đặt trước khuôn viên Hội Khai trí Tiến Đức ở Hà Nội cách đây gần một thế kỷ.

Viết nhân lễ giỗ 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du: 'Của tin gọi một chút này làm ghi'

Viết nhân lễ giỗ 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du: 'Của tin gọi một chút này làm ghi'

3.254 câu của "Truyện Kiều", có câu nào mà không gắn vào tâm và trí, vào con tim và bộ nhớ của mỗi công dân Việt suốt hơn 200 năm qua. Thế nhưng, ở thời điểm hôm nay, xem ra câu được chọn, với ý tưởng thích hợp nhất, để nói lên tâm nguyện chung của chúng ta, sẽ là: “Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Trải qua biến đổi của thời gian, văn bia vẫn đứng đó, chỉ có điều đứng một mình, cô quạnh, khuất lấp, vây bủa tứ bề bởi các hàng quán bên Hồ Gươm sầm uất…

Từ chuyện của hội Khai trí Tiến Đức

Bia đá tri ân Nguyễn Du có tuổi đời gần một thế kỷ, xói mòn bởi thời gian, nhiều chỗ bị rạn xóa mờ nét chữ, nhưng TS Hán Nôm Đinh Công Vỹ vẫn dò từng dòng đọc: “Tiếng nào đã làm được văn không phải là tiếng tầm thường, người nào đã hay về văn cũng không phải là người tầm thường, đất nào đã có người hay văn lại không phải là đất tầm thường...”.

Đặc biệt phần kết có bài minh đặc sắc: Đất đục trời trong hòa tan làm mực/ Nước biếc non xanh tả nên đầy bực/ Đã sẵn tài tình, quản gì phong sắc/Hồn văn đi về cảo thơm sực nức/ Bút tựa mặt hồ trăng sao vằng vặc/Cảnh ấy bia này nghìn thu dằng dặc.

Chú thích ảnh
Văn bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh xưa (ảnh tư liệu)

Dưới cùng bia ghi dòng chữ: Rằm tháng 2 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Bảo Đại thứ 4. Hội Khai trí Tiến Đức cẩn chí. Canh Tuất khoa Phó bảng Ưu Thiên Bùi Kỷ bái thảo.

Thấy anh em chúng tôi vào đứng lặng cung kính, xúc động trước văn bia, tay lần rờ từng dòng chữ nâng niu, đọc, chép… mấy cháu phục vụ nhà hàng ngạc nhiên, tròn mắt nhìn 3 cụ cao niên. Tôi nói với 1 cháu nhân viên nhà hàng là hãy cất vào trong mấy thứ không được phép đặt quanh tấm bia này. Nhìn nét mặt, thái độ của tôi, cháu vội vàng thu xếp mấy thứ đó ngay. Khi cháu trở ra, tôi nói với cháu ý nghĩa, sự linh thiêng của văn bia. Nghe tôi nói xong, cháu cúi đầu chừng cũng xúc động lắm. Cháu vụt chạy vào nhà hàng, trở ra thêm 2 người bạn. Khi chúng tôi trở về, các cháu đang quét dọn và lau tấm bia…

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Chi hội Kiều học Hà Nội đến thăm Văn bia tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du

Sự ra đời của tấm bia này gắn với hoạt động của Hội Khai trí Tiến Đức. Ngày 27/4/1919, Hội ra mắt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thu hút nhiều thành phần tham gia, trong đó có những chí sĩ yêu nước, như: Trần Lê Nhân, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Bùi Kỷ, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan... Lễ kỷ niệm, tri ân tác giả Truyện Kiều lần đầu tiên được Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức trang trọng vào ngày 8/12/1924 (mùng 10/8 năm Giáp Tý) nhân ngày giỗ lần thứ 104 của Nguyễn Du, thu hút đông đảo người dân tham dự.

Tại lễ kỷ niệm, Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong,đã đọc bài diễn thuyết. Bài được đăng lại tại Nam Phong số 86: “Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này…Cuộc kỷ niệm hôm nay là chủ ý tỏ lòng quốc dân sùng bái cảnh mộ cụ Tiên Điền ta; lại có các quý hội viên Tây và các quý quan đến dự cuộc là để chứng kiến cho tấm lòng thành thực đó. Nhưng còn có một cái ý nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc sĩ. Thác là thể phách, còn là tinh anh…”.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Chi hội Kiều học Hà Nội đến thăm Văn bia tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du

Sau 5 năm (1929) kể từ lễ kỷ niệm đó, Ban Văn đã đề nghị Hội tạc bia đá để ghi công Nguyễn Du. Học giả Bùi Kỷ (1888 -1960) soạn thảo nội dung văn bia Kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh vào năm 1929 và bia được hoàn thành vào năm 1930. Bia được đặt trang trọng trong khuôn viên trụ sở Hội.

Trán bia mang dòng chữ "Bài bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh". Bia cao 2,2m, rộng 1,2m được tạo tác với 3 tầng mái. Các góc mái được vuốt tròn ở đầu đao. Mái trên cùng là 2 đầu được kết bởi vân xoắn chữ triện khiến bia vừa bề thế lại vừa thanh thoát. Riềm bia khắc chìm các đề tài hoa cúc, hoa dây. Đế bia chia làm 3 phần to, nhỏ khác nhau, trên các phần đó đều có chạm hình mặt hổ phù, cánh sen cách điệu, các hạt tròn nổi trong khung chữ nhật. Thân bia 2 mặt khắc bài ký chữ Nôm và chữ Quốc ngữ nói về thân thế, sự nghiệp của tác giả Truyện Kiều.

... Tới chuyện ở Hồ Gươm bây giờ

Chi hội Kiều học Hà Nội - Hội Kiều học Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhất (2019-2022) đã xây dựng nhiều nội dung hoạt động quan trọng, trong đó có ý kiến đề xuất đến cơ quan chức năng liên quan đến bảo vệ di sản văn bia có tuổi đời gần một thế kỷ. Hiện văn bia bị vây bọc xung quanh trong khuôn viên hết sức khiêm tốn.

Chú thích ảnh
Văn bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh hiện nay

Tôi đã cho sinh viên đi thực tế tại nơi đặt văn bia tri ân Nguyễn Du để lắng nghe tâm tư của lớp trẻ. “Điều làm em và các bạn cảm thấy buồn chính là văn bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh - Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - ở vị trí không còn phù hợp. Buồn nhất là bia chưa được nhiều người biết đến, ngay cả những người thường xuyên đi qua và tiếp xúc với văn bia cũng không biết giá trị của nó” - một sinh viên chia sẻ - “Di tích lịch sử tôn vinh đại thi hào của dân tộc đặt ở nơi rất khuất tầm nhìn bởi các nhà hàng ngay cạnh Hồ Gươm nước biếc non xanh, nhưng cuộc sống hiện đại bây giờ đã làm cho di tích này bị lu mờ và không được bảo quản cẩn thận so với giá trị của nó”.

Chú thích ảnh
Một giờ học thực hành của sinh viên Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội

Sinh thời, Đại thi hào Nguyễn Du đã từng trăn trở: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng). Nhưng đúng là Thác là thể phách, còn là tinh anh, hậu thế luôn tri ân với đóng góp của Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà, cho tiếng nói dân tộc bằng những hành động thiết thực, đâu cần chờ 300 năm sau?! Chắc chắn, sẽ đến lúc tấm bia này được tôn vinh đúng với giá trị của nó.

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm