Phim 'Võ Tắc Thiên truyền kỳ': Thiếu hấp dẫn vì Võ Tắc Thiên quá 'hiền'

26/01/2015 05:47 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi gây tranh cãi vì cắt cảnh diễn viên lộ quá nhiều phần trên bầu ngực, phim truyền hình "bom tấn" Võ Tắc Thiên truyền kỳ lại bị cho là mô tả quá hiền về Võ Tắc Thiên, nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.  

Phim này gây chú ý vì có nhiều cảnh phô trương các bộ trang phục lộng lẫy và gợi cảm, được cho là thuộc về thời nhà Đường. Tuy nhiên, nó nổi tiếng hơn vì màn cắt cúp phần trên bầu ngực của các nữ diễn viên.

Màn cắt gọt châm ngòi cho nhiều chỉ trích

Hành động cắt gọt khá "thô", khiến các cung tần, mỹ nữ trong phim chỉ còn lộ ra phần đầu và vai, bị đánh giá là làm hỏng giá trị thẩm mỹ trong phim. Khán giả giờ khó có thể chiêm ngưỡng đầy đủ các bộ váy hoa lộng lẫy trong hậu cung.

Nhiều khán giả đã thể hiện sự bất bình, nói rằng họ hoàn toàn mất hứng xem phim. Theo họ, Võ Tắc Thiên truyền kỳ chẳng còn điểm gì gây thu hút, như các phim mang đề tài hậu cung trước đó, điển hình là Hậu cung Chân Hoàn truyện.

Hồi năm 2011, khán giả từng bị cuốn vào Hậu cung Chân Hoàn truyện. Bộ phim nói về các cuộc tranh giành quyền lực và tình yêu của những mỹ nhân trong chốn hậu cung, dưới thời Hoàng đế Ung Chính của nhà Thanh, đã hút hồn khán giả.


Phim truyền hình Võ Tắc Thiên truyền kỳ đã dính khá nhiều lời chê bai, bất chấp việc được đầu tư kinh phí lớn

Từ tranh cãi trên, khán giả tiếp tục hướng mũi dùi chỉ trích vào nhiều khía cạnh khác của bộ phim, bao gồm hình ảnh của nhân vật chính: Võ Tắc Thiên. Các nhà làm phim từng nói rằng họ muốn mô tả Võ Tắc Thiên như một con người can trường, mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần đáng yêu. Tuy nhiên có vẻ như đạt được mục tiêu tham vọng này không phải là điều dễ dàng.

Theo lịch sử, vào năm 635, khi mới 14 tuổi, Võ Tắc Thiên (khi ấy có tên Võ Chiếu), được đưa vào hậu cung làm phi tần của vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân). Tuy nhiên ngay cả khi Vua Thái Tông đang còn sống, Võ Chiếu đã có tình cảm lén lút với Thái tử Lý Trị.

Khi Đường Thái Tông băng hà, Lý Trị lên ngôi và lấy hiệu là Đường Cao Tông. Võ Chiếu được ông đưa về làm phi tần và sau đó thì lên làm hoàng hậu. Năm 660, khi Đường Cao Tông bị trúng gió đột quỵ, Võ hậu đã buông rèm nhiếp chính.

Võ Tắc Thiên đoạt được quyền lực nhờ tốt tính?

Nhưng theo như những gì Võ Tắc Thiên truyền kỳ mô tả, Võ Tắc Thiên lại chỉ là một cô gái xinh xắn và đáng yêu và nhờ sự toàn vẹn trong tính cách mà vượt qua tai ương.

Phim dựng ra cảnh Võ Chiếu gặp Lý Thế Dân vào một đêm cô đang khám phá cung điện của hoàng hậu quá cố. Cô múa cùng chiếc mặt nạ của hoàng hậu và Lý Thế Dân đã ấn tượng với cảnh đó nên cùng tham gia điệu múa với cô.

Trong những cuộc gặp gỡ sau đó giữa hai người, Võ Chiếu đã chứng tỏ mình là người giỏi chơi cờ, cưỡi ngựa và viết thư họa rất đẹp. Cô cũng giỏi đối đáp với Lý Thế Dân. Những khả năng đó đã khiến Võ Chiếu nổi trội hơn hẳn các thê thiếp khác, được vua sủng ái, nhưng cũng gây nên sự đố kỵ ngấm ngầm.

Các phi tần ghen tị với Võ Chiếu đã tìm nhiều cách để ám hại cô. Nhưng rốt cục, Võ Chiếu vẫn sống sót qua nhiều tai ương, bởi... cô là người phụ nữ hoàn thiện hơn và rất chung thủy với vua.

Nhiều người cho rằng phim có cách mô tả quá "hiền" về Võ Tắc Thiên. Dường như đây chỉ là câu chuyện về một người phụ nữ rất tốt bụng trong cung cấm và có được quyền lực là nhờ đức hạnh.

Phim thiếu thuyết phục và không gây được sức lôi cuốn khi “nhào nặn” một nữ hoàng đế tương lai chỉ là một nhân vật lãng mạn, một người vợ chu toàn song không có khả năng chiến đấu. Tựu chung, Võ Tắc Thiên truyền kỳ bị coi là có nội dung khá tẻ nhạt, dù nhân vật chính là một con người đa diện, gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm