NSNA Hoàng Quốc Tuấn triển lãm tranh: 'Cảm xúc' của người yêu cái đẹp

02/10/2014 08:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh Sài Gòn, nhưng ít người biết Hoàng Quốc Tuấn lại rất mê vẽ. Vừa qua, ông có cuộc triển lãm mang tên Cảm xúc với 57 tác phẩm sơn dầu tượng trưng cho 57 tuổi của mình tại Nhà triển lãm 92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM.

Những ai biết Hoàng Quốc Tuấn đều khẳng định, “hoa tay” của ông đã bộc lộ từ thời chưa có máy ảnh kỹ thuật số và các phần mềm máy vi tính. Khi đó, Hoàng Quốc Tuấn đã vẽ các phông nền thật đẹp và sang trọng để phục vụ công việc chụp hình của mình. Chính vì thế, studio hình của ông thuộc loại đông khách nhất, nhì Sài Gòn một thời.

* Là NSNA nhưng anh rất mê vẽ, theo anh có sự gần gũi nào giữa nhiếp ảnh và hội hoạ?

- Nhiếp ảnh được thể hiện bằng nghệ thuật của ánh sáng. Hội họa lại được thể hiện bằng màu sắc và chất liệu. Nhưng cả hai đều rất gần nhau về bố cục, mảng khối, sắc độ, đường nét, nhịp điệu, tính tương phản... Môn vẽ tôi tự học và rèn luyện là chính. Nhiếp ảnh tôi đã từng theo học thầy Phạm Văn Mùi, cô Thu Hồng... từ những năm 1980.

Ngày trước, tôi vẽ background (phông nền) để chụp ảnh chân dung trong studio, nhưng chỉ là vấn đề phụ. Tôi khai thác ảnh chân dung chủ yếu thể hiện tính cảm xúc cao độ. Tính cảm xúc lại được trau chuốt  bằng từng đường sáng dù là mỏng nhất...


NSNA Hoàng Quốc Tuấn. Ảnh: Giản Thanh Sơn

* Vẽ tranh với anh có phải là một cách để “đổi gió” sau khi tạm buông máy chụp hình?

- Triển lãm cá nhân lần này, tôi đã chọn lọc từ các tác phẩm vẽ từ năm 2003 đến nay. Thực ra tôi đã vẽ tranh sơn dầu từ 15 tuổi, học vẽ từ một người anh họ là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn trước 1975. Năm 21 tuổi tôi vào nghề nhiếp ảnh.

Một thời, tôi đã vẽ tranh và gửi bán tại đường Đồng Khởi (trung tâm Q.1), chủ yếu kiếm tiền thêm để ăn học. Lúc đi dạy học tình nguyện tại vùng cao (tỉnh Bình Phước ngày nay) năm 1980, tôi cũng vừa chụp ảnh cho trường, vừa vẽ tranh, nhưng chủ yếu là giao lưu, kết bạn. Năm 2003 tôi tham gia triển lãm tranh cùng nhóm 5 người tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Từ năm 2010 - 2013, tôi triển lãm nhóm nhiếp ảnh và hội họa cùng các họa sĩ, nhiếp ảnh Dominiart làm từ thiện cho chương trình Đêm Đông không nhà giúp đỡ những người nghèo bất hạnh tại TP.HCM. Vì thế nhiếp ảnh và hội họa như một sự đan xen nhịp nhàng khó tách rời.


NSNA Hoàng Quốc Tuấn. Ảnh: Giản Thanh Sơn

* Đa phần các nghệ sĩ nhiếp ảnh thường có một nghề để sống, ví như nghề phóng viên ảnh. Anh từng mở studio, giờ có vẻ như làm studio không còn ở đỉnh cao nữa. Vậy xin hỏi NSNA Hoàng Quốc Tuấn đang làm gì để yên tâm chuyện cơm áo nhằm theo đuổi nghệ thuật?

- 34 năm theo nghề nhiếp ảnh, cho đến nay tôi vẫn tiếp tục theo đuổi như một vận mệnh không thể thay đổi. Chỉ có khác là chuyển đổi việc chụp chân dung, thì nay chuyển sang gọt giũa từng giọt ánh sáng nhằm đáp ứng những khách hàng quốc tế khó tính về đồ gỗ, và nội thất. Hiện nay, tôi đang là nhiếp ảnh gia chính cho Công ty Albion Association (Mỹ) và Theo Door Alexander (Anh Quốc).

NSNA Hoàng Quốc Tuấn sinh năm 1958, ông được giới nghệ sĩ nhiếp ảnh tại TP.HCM yêu quý khi luôn gắn các triển lãm của mình với hoạt động từ thiện. Trong tất cả các triển lãm, Hoàng Quốc Tuấn đều dành ra 50% số tiền bán tác phẩm cho các mảnh đời bất hạnh. Hoàng Quốc Tuấn nói: “Mỗi hành động, mỗi cử chỉ chia sẻ và đóng góp của chúng ta dù là hạt muối bỏ biển thì cũng đã ít nhiều góp thêm vị mặn cho đời”. Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế xét phong tước hiệu Master FIAP tại Luxembourge năm 2009 cho ông với bộ ảnh Sự trăn trở của môi trường.

Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm