Những vụ trộm rúng động thế giới nghệ thuật

02/09/2013 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong ngày đầu xét xử vụ trộm 7 kiệt tác hội họa tại Bảo tàng Kunsthal ở thành phố Rotterdam (Hà Lan) tuần vừa qua, Radu Dogaru, tên đầu sỏ 29 tuổi, người Rumani, đã “mặc cả” nếu chuyển vụ xử từ Rumani sang Hà Lan, hắn sẽ trao trả lại 5 bức tranh. Tuy nhiên, các nhà điều tra lo ngại rằng, một số bức tranh đã bị đốt tại nhà riêng tên này nhằm phi tang vật chứng. Và nếu điều đó xảy ra thì thực sự là một cú sốc cho những người yêu nghệ thuật.



Mona Lisa: Kiệt tác của danh họa Phục hưng Leonardo Da Vinci bị đánh cắp từ bảo tàng Lourve vì tên trộm cho rằng nàng Mona Lisa phải có mặt ở một bảo tàng ở Ý !

3 phút bay 7 kiệt tác

Đây là một trong những vụ đánh cắp nghệ thuật táo bạo nhất trong lịch sử, xảy ra vào một ngày tháng 10/2012. Trong vòng chưa đầy 3 phút, 7 kiệt tác đã bị dỡ khỏi tường trong Bảo tàng Kunsthal. Bọn trộm như tàng hình, đến và biến mất qua lối thoát hiểm. Các kiệt tác của Pablo Picasso, Matisse, Claude Monet, Gauguin và Freud giống như có cánh bay đi và vụ này trở thành vụ “thó” tranh hoàn hảo nhất trong 2 thập kỷ qua.

Tại thời điểm xảy ra vụ trộm, các chuyên gia nghệ thuật tuyên bố chúng trị giá 160 triệu USD (sau đó người ta định giá lại, con số này vào khoảng 28,5 triệu USD). Bất ngờ là, khi vụ trộm xảy ra rồi người ta mới phát hiện ra rằng không có bức tranh nào trong số này được trang bị chuông báo động.

Các nhà điều tra lo ngại rằng mẹ của Radu đã đốt một số bức để phi tang khi cảnh sát bắt giữ con trai bà ta. Nếu bị khép tội “trộm cắp để lại những hậu quả nghiêm trọng”, nhiều khả năng, tên đầu sỏ vụ trộm nói trên sẽ phải ngồi tù 20 năm. Ở Romania, hắn từng bị điều tra vì tội giết người và buôn bán người (đó là lý do vì sao hắn không muốn bị xử tại Romania vì sợ “cộng” thêm tội).

Các tác phẩm nghệ thuật danh tiếng được định giá từ vài triệu đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu USD luôn là những trái nho chín mọng treo trước mắt bầy cáo thèm muốn. Thật ra thì Radu Dogaru cũng chả biết thưởng thức những chùm nho treo trên tường như thế. Nhưng có không ít những nhà sưu tầm muốn sở hữu các tác phẩm có giá trị, bất kể chúng được đánh cắp từ các bảo tàng, tư gia và thậm chí cả từ những nơi linh thiêng. Nguồn tiêu thụ đồ ăn cắp này dường như là vô tận.

Theo thống kê của FBI, mỗi năm thế giới thiệt hại khoảng 6 tỷ USD do các vụ đánh cắp, cướp phá, buôn bán trái phép tài sản văn hóa và nghệ thuật.



The Last Judgment: Tác phẩm của danh họa người Đức Hans Memling vẽ vào năm 1467 và 1471 được xem là tác phẩm bị đánh cắp đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật thế giới.

Ngàn lẻ kiểu trộm tranh

Trong nhiều vụ trộm tác phẩm nghệ thuật “khủng”, chuyện xảy ra nhiều khi rất lạ đời.

Năm 2001, một người hầu bàn có tên Stephane Breitwieser (người Pháp) đã thực hiện thành công 200 phi vụ ăn cắp tranh từ nhiều Bảo tàng châu Âu với tổng trị giá lên tới 1,4 tỷ USD. Năm 2001, hắn bị bắt quả tang khi đang cố gắng đánh cắp 1 chiếc tù và ở Thụy Sĩ. Thế nhưng, ngay khi biết tin con trai bị bắt, mẹ tên này đã băm nhỏ các bức tranh và quẳng hết các đồ vật đánh cắp xuống một con kênh!

Một ngày kia, bức tranh Nativity của danh họa Italia Caravaggio bị đánh cắp từ một nhà thờ ở San Lorenzo, đảo Sicily, chính xác đó là ngày 18/10/1969. Bức tranh được định giá khoảng 20 triệu USD này bị trộm cắt khỏi khung. Người ta đồn rằng một trùm mafia đã quyết định đánh cắp bức tranh để mẹ hắn ngắm tại nhà do bà quá ốm yếu, không thể đến được nhà thờ (!). Thực hư chuyện này không rõ nhưng cho tới nay bức tranh vẫn biệt vô âm tín, các nhà chức trách gần như bó tay.

Vụ trộm tranh đầu tiên được lịch sử ghi nhận thuộc về tác phẩm The Last Judgment của danh họa người Đức Hans Memling vẽ vào năm 1467 và 1471. Tác phẩm gồm 3 bức tranh này bị đánh cắp vào năm 1473. Tuy nhiên, kẻ đánh cắp là một người sùng đạo. Hắn đã trao bức tranh này cho một nhà thờ. Hiện nay, nó được trưng bày trong Bảo tàng Quốc gia ở Gdansk ở Ba Lan.

Cũng không thiếu những cá nhân cuồng tín, ngoài phạm vi tôn giáo, luôn cho rằng tác phẩm hội họa ấy phải được để đúng chỗ. Mona Lisa là một ví dụ. Kiệt tác của danh họa Phục hưng Leonardo Da Vinci bị đánh cắp từ Bảo tàng Lourve (Pháp) vào ngày 21/9/1911. Rất nhiều nhân viên làm việc trong bảo tàng và nhiều người ngoài bị tình nghi đánh cắp tranh, trong đó có cả… danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso. Tuy nhiên, cuối cùng kẻ trộm lại là một nhân viên trong bảo tàng, tên là Vincenzo Perugia. Perugia quyết định đánh cắp tranh bởi đơn giản cho rằng, kiệt tác này phải được treo trong một bảo tàng ở Italia! Perugia đã nấp trong một phòng nhiều giờ và chờ cơ hội tẩu thoát cùng “nàng” Mona Lisa. Các nhà chức trách đã tìm kiếm trong suốt 2 năm, nhưng không có bất cứ một thông tin gì về bức tranh. Cho đến khi họ nhận được thư của một người mua tranh, khẳng định rằng có người muốn bán cho ông ta kiệt tác Mona Lisa. Sau khi đồng ý gặp gỡ để xác định tính xác thực của bức tranh, Perugia đã bị bắt và Mona Lisa được đưa trở về bảo tàng Lourve.



Nativity: Tác phẩm của danh họa Italia Caravaggio bị nghi ngờ là do trùm mafia lấy cắp cho mẹ hắn…ngắm tại nhà !

Cũng có trường hợp ăn cắp tranh chỉ để có tiền giúp người thân, Adam Worth là ví dụ điển hình. Adam Worth chính là người đàn ông đã truyền cảm hứng cho nhà văn Arthur Conan Doyle tạo nên nhân vật vô lại Moriarty trong truyện thám tử Sherlock Holmes. Song hắn “khét tiếng” là kẻ chủ mưu của nhiều vụ đột nhập nhà băng và đã đánh cắp bức chân dung Nữ công tước Devonshire từ một phòng trưng bày ở London hồi năm 1876. Bức tranh này của Gainsborough lúc đó có giá trị 10.000 guinea (tương đương 1 triệu USD ngày nay). Worth đánh cắp tác phẩm này để lấy tiền nộp bảo lãnh cho anh trai ra tù, song anh trai hắn lại được trả tự do mà không cần nộp tiền bảo lãnh. Cuối cùng, Worth đã bán bức tranh để lấy tiền chuộc. Hắn không bị bắt và qua đời 1 năm sau đó. Bức chân dung này hiện được treo trong nhà từ đường của nữ công tước.

Có thể kể thêm trường hợp của bức The Scream (Tiếng thét) của danh họa Na Uy Edvard Munch bị đánh cắp từ Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Oslo đúng vào ngày khai mạc Thế vận hội mùa Đông ở Lillehammer năm 1994. Bức tranh bị đánh cắp là 1 trong 4 phiên bản của tác phẩm The Scream, được Munch vẽ từ năm 1893 đến năm 1910. Bọn trộm đã vào bảo tàng từ đường cửa sổ, cắt dây treo tranh và chuồn ra cũng bằng cửa sổ đó. Bọn trộm thực hiện phi vụ này bởi muốn lấy tiền chuộc tranh từ Chính phủ Na Uy. Mặc dù lên kế hoạch thực hiện rất kỹ càng, song chúng đã mắc phải sai lầm ngớ ngẩn khi để lại một mẩu khung tranh tại một bến đỗ xe buýt. Nhờ vậy, giới chức trách đã tìm ra chúng. Vài tháng sau đó, họ tìm được bức tranh. 4 người đàn ông liên quan đến vụ trộm đã bị kết án hồi tháng 1/1996.

Nhưng The Scream cũng không phải chỉ bị đánh cắp một lần. Năm 2004, hai kẻ đeo mặt nạ và có vũ khí đã đột nhập vào Bảo tàng Munch, cũng ở Na Uy. Sau khi đe dọa các nhân viên ở đây, chúng lấy đi 2 bức tranh nổi tiếng của ông là The ScreamThe Madonna. Thời điểm đó, 2 bức tranh này trị giá 133 triệu USD. Tháng 5/2006,các nhà chức trách đã bắt và tống giam 3 người đàn ông bị nghi là tham gia vào vụ trộm này. Ba tháng sau đó, 2 bức tranh đã được tìm thấy.

Có rất nhiều cách để “thó” được một tác phẩm hội họa được canh chừng cẩn mật. Nổi tiếng nhất là vụ trộm tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston (Mỹ) năm 1990. Lúc ấy 2 tên trộm cải trang thành cảnh sát bước vào bảo tàng. Sau khi đánh gục 2 nhân viên an ninh và lấy toàn bộ băng giám sát an ninh, chúng tẩu thoát cùng 13 tác phẩm của nhiều nghệ sĩ, trong đó có một số bức của Rembrandt, Vermeer, Manet, Degas và nhiều tác phẩm khác với tổng trị giá khoảng 300 triệu USD. Và đến giờ, các nhà chức trách vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Hết đóng vai cảnh sát thì thường sẽ đóng vai khách tham quan. Năm 2003, bức kiệt tác Madonna of the Yarwinder của Leonardo da Vinci không cánh mà bay. Về sau cảnh sát phát hiện bọn trộm là 2 người đàn ông giả danh khách tham quan tư dinh của Công tước Buccleuch ở Scotland. Thời điểm đó, kiệt tác này trị giá 65 triệu USD. Bức tranh may mắn sau đó đã được thu hồi.

Nhưng kỳ lạ nhất vẫn là vụ tác phẩm Chân dung Công tước xứ Wellington của Francisco de Goya được treo trong Phòng trưng bày Quốc gia ở London bỗng dưng biến mất vào năm 1961. Cuối cùng, cảnh sát phát hiện thủ phạm là một tài xế xe buýt. Tay tài xế Kempton Bunton đã trèo qua cửa sổ nhà vệ sinh để đánh cắp bức tranh sau khi nghe nói rằng nó được bán với giá gần 400.000 USD. Hắn đòi khoản tiền chuộc tương đương. Tuy nhiên, sau 3 năm không tìm được người mua, hắn tình nguyện trả lại bức tranh và chỉ bị phạt 3 tháng tù giam bởi luật sư của hắn đã biện hộ thành công, rằng hắn chỉ muốn lấy cái khung tranh, chứ không muốn lấy tranh. Bức vẽ này sau đó đã xuất hiện trong tập phim Bond Dr.No.



The Scream: Tác phẩm nổi tiếng của Munch bị đánh cắp rất nhiều lần

Công nghệ tinh vi, “tài nghệ xuất chúng”

Tác phẩm của các họa sĩ luôn luôn nằm trong giấc mơ của những đạo chích chuyên nghiệp. Công nghệ bảo vệ càng tinh vi thì tài nghệ lấy cắp của đạo chích lại càng xuất chúng. Bức Conversation With A Gardener của Pierre-Auguste Renoir vẽ vào năm 1875 là một ví dụ. Năm 2000, bức tranh này là tâm điểm trong triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển. Lúc đó, bọn trộm đã dùng một chiếc ô tô chở bom và cho nổ khắp thành phố Stockholm để thu hút cảnh sát. Khi vòng kiểm soát bị lơ là, 3 tên trộm có súng máy đột nhập vào bảo tàng, đánh cắp bức tranh này cùng một số tác phẩm của Renoir và Rembrandt. Thời điểm đó, tổng trị giá các bức tranh là 30 triệu USD. 8 người đàn ông tham gia vào vụ trộm này sau đó đã bị bắt.

Ngay như bức Sunflowers (Hoa hướng dương) của danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh dù đã được bảo vệ cẩn thận vẫn bị trộm như thường. Năm 1991, 2 tên trộm đã đột nhập vào Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Hà Lan) và đánh cắp 1 bức tranh hoa hướng dương của Van Gogh cùng 20 tác phẩm khác. Công tác điều tra đi vào ngõ cụt nhưng may là sau đó, tất cả các bức tranh đã bất ngờ được tìm thấy ngay tại lối vào ô tô của bảo tàng. Hay như năm 2000, 3 tên trộm đeo mặt nạ và cầm súng lục đã đột nhập vào Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển. Chúng lấy đi bức chân dung tự họa của Rembrandt và 2 tác phẩm của Renoir là Jeune ParisienneLa Conversation. Phải cần đến sự hỗ trợ của FBI, Chính phủ Thụy Điển mới tóm được 8 tên tội phạm. Mỗi tên bị phạt 6 năm rưỡi tù giam vì liên quan đến vụ đánh cắp tranh này.

Các tác phẩm của Coubert, Tintoretto và Piot có thể không quen thuộc và nổi tiếng ở thế giới bên ngoài song lại là mục tiêu của một trong những vụ trộm tranh “ngoạn mục” nhất trong lịch sử. Năm 2002, khi biết được thông tin về một cuộc triển lãm nghệ thuật ở Paraguay, bọn đạo chích đã lên kế hoạch trước nhiều tháng. Chúng thuê một ngôi nhà gần bảo tàng và đào đường hầm vào. Khi hoàn thành, đường hầm này dài 24m và bọn trộm chỉ cần thong thả đi vào bảo tàng rồi mang các bức tranh đi. Nhưng sau đó chúng đã bị bắt và các bức tranh đã được thu hồi.

Bức Poverty của Pablo Picasso vẽ vào năm 1903, trong Thời kỳ Xanh của ông cũng từng là nhân vật chính trong vụ trộm tại phòng trưng bày Whitworth ở Manchester (Anh) hồi năm 2003, gây xôn xao trên thế giới. Bởi ngoài Picassso, thì các tác phẩm của Gauguin và Van Gogh có mặt trong phòng trưng bày này cũng bị rước đi. Bọn trộm đã tiến hành vụ này “êm” tới mức hành động của chúng không hề lọt vào camera giám sát và hệ thống còi báo động cũng im bặt. Tuy nhiên, chỉ ngay ngày hôm sau, người ta đã tìm thấy chúng trong một nhà vệ sinh công cộng gần phòng trưng bày. Sau khi được phục chế, chúng đã trở lại với công chúng.

PHÚC QUYÊN (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm