Nhà văn Bùi Anh Tấn: Mẹ sống hạnh phúc, con mới trọn đạo

31/08/2014 07:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lấy chất liệu từ các vấn đề xã hội để viết tiểu thuyết, nhà văn Bùi Anh Tấn đang ấp ủ viết về chuyện các bà mẹ “tái giá” hay “thủ tiết thờ chồng” trong cuộc sống hiện nay. Anh chia sẻ quan điểm về việc này với TT&VH Cuối tuần.

* Vừa qua, câu chuyện Bà mẹ Việt Nam anh hùng “tái giá” được dư luận quan tâm, là nhà văn chuyên viết về các vấn đề xã hội, anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Tôi có theo dõi vấn đề này qua thông tin báo chí. Trước hết, theo tôi, nếu đặt vấn đề “một người mẹ có chồng, con là liệt sĩ nhưng tái giá thì không được công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là điều hết sức vô duyên, không nhân văn. Xem ra chúng ta, những con cháu mẹ, đã tiếp tục khoét sâu vào nỗi đau vô bờ bến của mẹ, tàn nhẫn với mẹ. Dân tộc ta vốn giàu tình cảm, sống có hiếu nghĩa trước sau thì tại sao chúng ta lại đối xử với những người mẹ như vậy? Mẹ tái giá thì mẹ có còn là vợ liệt sĩ không? Mẹ của liệt sĩ không? Dường như có sự ích kỷ nào đó trong những trường hợp này. Chúng ta buộc mẹ phải mãi cô đơn lạnh lẽo chịu nỗi đau mất chồng con sao? Để được danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng tức mẹ phải sống cô đơn cả đời sao? Tôi thật sự rất buồn vì điều này. Và tôi rất thích lời phát biểu của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội “Tái giá bao nhiêu lần cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.  


Nhà văn Bùi Anh Tấn

* Thủ tiết thờ chồng từng được xã hội phong kiến đề cao. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, việc thủ tiết thờ chồng tưởng đã thuộc về quá khứ nhưng nay “bỗng dưng” được nhắc lai. Anh có nghĩ điều này phản ánh một tâm lý nào đó, một biểu hiện nào đó thay đổi trong xã hội chúng ta không?

- Tôi có tìm hiểu Nghị định 56, khoản đ có ghi giải thích về danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng: “Người chồng là liệt sĩ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công mà bà mẹ là vợ của người đó”, không đề cập tới vấn đề tái giá hay không tái giá của người vợ liệt sĩ. Đáng tiếc đến nay nghị định này vẫn chưa được Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Quốc phòng ban hành thông tư hướng dẫn nên các cơ quan thi hành bên dưới lúng túng, mỗi nơi hiểu một khác. Như vậy có thể thấy, cuộc sống luôn vận động biến chuyển nhưng văn bản luật của chúng ta “chưa lường hết được” những diễn biến cuộc sống và đã đi sau như trong trường hợp này. Tuy nhiên ở đây cũng phải nói đến các cơ quan thi hành bên dưới đã cứng nhắc, thiếu tâm và tầm trong giải quyết những trường hợp cụ thể.

Tôi nghĩ, những bà mẹ đã đau đớn rơi hết nước mắt khi chồng hy sinh, mẹ có quyền tái giá tìm chút hạnh phúc còn sót lại cho tuổi già khi trái nắng trở trời, hà cớ gì chúng ta vin vào điều đó để cấm đoán, không chấp nhận. Bà mẹ nào cũng già nua như “chuối chín cây” còn sống bao năm nữa để hưởng sự vinh quang Bà mẹ Việt Nam anh hùng này để chúng ta lại quá khắt khe với mẹ? Tôi được biết Thủ tướng cũng đã quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết rốt ráo những trường hợp này.


Những tượng đài hoành tráng có đủ bù đắp sự hy sinh và cô đơn của mẹ?

* Với anh, nếu là một người con của mẹ, anh có ủng hộ khi mẹ đi bước nữa?

- Tôi ủng hộ. Mẹ nuôi nấng gian lao bao năm cho con cái khôn lớn, nói đến công lao trời bể của mẹ trong mùa Vu lan tháng 7 này ý nghĩa càng nhiều hơn. Một sự không may mắn nào đó, chồng mẹ không thể cùng mẹ đi trọn một vòng quay đời người, đó là điều bất hạnh cho mẹ. Nếu sau này mẹ tìm được một chút hơi ấm tình thương của người đàn ông khác san sẻ, tôi nghĩ phải mừng cho mẹ.

Tôi cũng biết nhiều trường hợp con cái chống đối quyết liệt cho rằng mẹ già rồi, ở vậy với con cháu cho trọn vẹn. Hay mẹ già rồi cần gì chồng nữa, người ta cười chê mang tiếng cho con cháu… Thật ra tất cả chỉ là sự ích kỷ đáng chê trách của những người làm con ấy. Ích kỷ vì chỉ nghĩ đến hạnh phúc bản thân, danh tiếng hão nào đó để cột người mẹ già lại. Nước mắt chảy xuôi chứ làm gì chảy ngược, nhiều người mẹ đành hy sinh nốt hạnh phúc vì con cái, rất đáng thương. Đạo làm con không chỉ cho mẹ ăn no, mặc đẹp mà còn là quan tâm đến cuộc sống hạnh phúc của mẹ, tinh thần của mẹ nữa, đấy mới trọn đạo làm con trọn vẹn.  

* Câu chuyện “tiết hạnh khả phong” một thời và hiện nay sẽ được nhà văn Bùi Anh Tấn quan tâm và đưa vào văn chương giống như nhiều đề tài xã hội khác mà anh đã từng viết?

- Tôi hy vọng trong tương lai nếu có thể, tôi sẽ viết về trường hợp này trong một tác phẩm nào đó.

“Cô đã lấy chồng khác nên không thể là vợ liệt sĩ được !”

Cha tôi hy sinh trong chiến tranh và được công nhận liệt sĩ với Bằng Tổ quốc ghi công đàng hoàng. Mẹ tôi không thể sống một mình nên bà tái giá. Tôi ủng hộ mẹ đi bước nữa để có người chăm sóc mẹ khi đau ốm và tâm tình trong đêm dài cô đơn của phận người. Thế nhưng, sau ngày đất nước thống nhất, một thời việc vợ liệt sĩ tái giá được nhìn nhận khá ấu trĩ. Chính quyền địa phương nơi gia đình tôi sinh sống, nói với mẹ tôi rằng: Cô đã lấy chồng khác nên không thể công nhận cô là vợ liệt sĩ được.

Bây giờ, chuyện vợ liệt sĩ như mẹ tôi tái giá hay phải thủ tiết thờ chồng cần được nhìn nhận nhân văn hơn. Không ai muốn chồng mình chết đi để mình lấy chồng khác cả. Và không có đứa con hiếu thảo nào lại muốn mẹ mình cô đơn cả phần đời còn lại. Dân gian có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông” và ngược lại. Thử hỏi có người con nào thường trực chăm sóc mẹ mình khi mẹ đã già hay là ai cũng chăm lo tổ ấm riêng của mình? Chăm sóc mẹ tận tình, hàng ngày bầu bạn với mẹ, cuối cùng không ai hơn chồng của mẹ.

Nhà thơ Vũ Trọng Quang

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm