Nguyễn Hà - nhân vật nhiều "ẩn số" của showbiz Việt

12/08/2011 07:12 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Tham gia vào giới showbiz sớm nhất, đi đầu trong những ý tưởng và dự án táo bạo, nhúng tay vào mọi địa hạt của giới tổ chức biểu diễn… Nhưng rồi vì nhiều lý do, anh hầu như vắng mặt trong các bảng “phong thần” cả chính thống lẫn ngoài luồng. Đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Hà, người liên quan tới nhiều sự kiện và nhân vật đáng nhớ của làng showbiz Việt.

Vẫn chuyện Nhé anh

Trở lại với “nghi án” Nhé anh được nhắc tới trong kỳ trước, bài hát không chỉ gắn với tên tuổi Nguyễn Hà với tư cách một nhạc sĩ sáng tác mà còn là một trong những nấc thang quan trọng cho con đường “vươn tới ngôi sao” của ca sĩ Mỹ Tâm. Giữa họ có một mối duyên đầu khá đặc biệt, mà sau này, khi đường (âm nhạc) ai nấy đi, Nguyễn Hà vẫn rất nhớ:

Một buổi tối cuối tháng 9/1998, tôi ghé quán Nhạc sĩ trên đường Nguyễn Văn Chiêm theo thói quen, để tìm một giọng ca ưng ý cho công việc biên tập băng đĩa. Tối đó khách không đông lắm, sau một vài tiết mục, người dẫn chương trình giới thiệu một giọng ca trẻ đến từ Đà Nẵng. Một cô bé xuất hiện, không có vẻ gì là ca sĩ: tóc dài buông lửng, mặc chiếc váy đầm liền màu xanh có bông chấm chấm... Nhưng khi cô cất giọng hát thì mọi chuyện đều khác. Khán giả vỗ tay ngay câu hát đầu tiên bài Nhớ mùa Thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn). Về kỹ thuật, giọng Tâm vẫn còn nhiều non nớt, tuy nhiên, tình cảm trong giọng hát ấy là điều cứ mãi đeo đuổi tôi trên đường về nhà...

Những năm 1997-1998 thị trường băng đĩa chứng kiến nhiều đĩa nhạc cực kỳ ăn khách
và nhiều trong số đó luôn có cái tên Nguyễn Hà ở phần hòa âm, phối khí

Vài ngày sau, tôi có buổi gặp gỡ đầu tiên với Mỹ Tâm tại quán cafe Napoli trên đường Phạm Ngọc Thạch. Mỹ Tâm không đi một mình mà dung dăng dung dẻ đến cùng với bố. Lúc đó, Vafaco cũng đang có ý định tìm kiếm ca sĩ mới để độc quyền thâu âm cho hãng...

Những ca sĩ làm việc trước đó với tôi như Mỹ Linh, Thu Phương, Hồng Nhung... đều đã có nhiều năm kinh nghiệm đi hát. Còn riêng với Mỹ Tâm thì gần như chưa đi hát bao giờ nên cảm giác làm việc rất mới mẻ. Tôi quyết định sáng tác cho riêng Tâm ca khúc Nhé anh. Đây là một câu chuyện tình mới, phù hợp với lứa tuổi của Tâm. Thời điểm đó, thị trường đang chuộng những ca khúc như Chị tôi, Hà Nội vắng những cơn mưa nên nét nhạc bài Nhé anh là khá mới mẻ. Tôi biết Mỹ Tâm chưa thích bài đó lắm. Nhưng đúng 1 tháng sau, khi chuẩn bị ghi âm, Tâm mới nói: "Anh Hà ơi, bài này hay quá". Tôi hỏi: "Tại sao hay?". Tâm lý giải: "Tại Tâm đem bài này về KTX tập, ai nghe cũng khen hay hết...". Và từ đó, Tâm tự tin hơn với ca khúc này (báo Đất Mũi).

Nhé anh được ghi âm với giọng hát Mỹ Tâm và được Vafaco phát hành vào cuối năm 1998. Năm 2002 nó được tuyển chọn tham gia VTV - Bài hát tôi yêu năm đầu tiên và đoạt liền 3 giải “tuyệt đối” cho Bài hát, Ca sĩ thể hiện và Đạo diễn video clip. Lúc này Mỹ Tâm đã không còn thuộc “độc quyền” của Vafaco và Nguyễn Hà nữa, cô đang bắt đầu bước lên đỉnh của danh hiệu “nữ hoàng nhạc pop”. Hôm đó là tối 26/9/2002, đêm trao giải diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM.

Không lâu sau đó, trong chương trình phát sóng của Đài BBC, Nhé anh bị đặt dấu hỏi nghi ngờ. Dẫn chứng đưa là một ca khúc không rõ tựa đề, do ca sĩ có tên Nicole trình bày bằng lời Thái. Hai đoạn giai điệu được xem là giống nhau như anh em sinh đôi được phát ngay trong chương trình nói trên, để người nghe tiện so sánh. Dễ nhận thấy sự trùng hợp kỳ lạ về giai điệu, chúng chỉ khác nhau ở tiết tấu và hòa âm. Lúc đó, cùng phóng viên TT&VH ngồi nghe lại băng ghi âm chương trình này, chính nhạc sĩ Nguyễn Hà, cũng công nhận: Đúng là giống thật! Song Nguyễn Hà cho biết, khi sáng tác Nhé anh, anh viết cùng Lý Huỳnh Long, lúc bấy giờ còn là keyboard trong ban nhạc Hải Âu của Hà. Và anh có chịu ảnh hưởng của một ca khúc khi viết, nhưng đó là một bản nhạc nhóm nhạc Mỹ, 4 Non Blondies, What’s Up.

Nghi án Nhé anh ồn ào một dạo, riêng đoạn cuối của nó thì lại không nhiều người biết đến. Sau khi phát đi nghi vấn, chương trình của đài phát thanh nước ngoài nói trên làm thêm một chương trình nữa, trong đó có phỏng vấn một nhà sản xuất Thái Lan. Thông tin từ nhà sản xuất này cho biết ca khúc được cho là giống bài Nhé anh khá nổi tiếng ở Thái Lan, được phát hành sau thời điểm của Nhé anh ở Việt Nam. Nghi vấn trước được rút lại nhưng không thấy ai đòi đưa ca sĩ Thái “ra tòa”.

Tả xung hữu đột


Ca khúc "Nhé anh" phát hành trong album cùng chủ đề vào cuối năm 1998. Đây cũng là một trong những album phát hành thành công của Vafaco và trở thành bệ phóng góp phần đưa Mỹ Tâm bay cao

Khi xảy ra “sự cố” trên đây, Nguyễn Hà tâm sự: “Tôi không phải người ham con đường sáng tác đến mức phải copy để làm nổi mình. Ngoài Nhé anh sáng tác 1997 và Buổi sáng trên bãi biển viết năm 1998, lúc đó đang cần làm gương cho anh em trong ban nhạc tìm cách tự viết bài, về sau tôi không viết bài hát nào nữa mà chú tâm vào công việc khác…”. Nguyễn Hà là như vậy. Chơi organ trong ban nhạc, lập ban nhạc, phối khí, dàn dựng và tổ chức chương trình ca nhạc trên sân khấu, trong studio truyền hình, quản lý ca sĩ, đào tạo ca sĩ, thiết kế âm thanh ánh sáng…, bất cứ lãnh địa nào Hà cũng từng có mặt và luôn ở vị trí tiên phong, thủ lĩnh.

Năm 4 tuổi, Hà đã được bố, ông Nguyễn Hiển (nguyên Giám đốc công ty TCBD TP.HCM), mua cho cây đàn piano với giá 3.400 USD, một “sự kiện” của Đoàn ca múa Bông sen, nơi ông Hiển đang làm việc lúc bấy giờ, năm 1979 (thời điểm ấy 3.400 USD tương đương với 7 cây vàng, bằng tiền mua một căn biệt thự trên đường Nguyễn Đình Chiểu, bố mẹ Nguyễn Hà đã rất phân vân và cuối cùng quyết định mua cho con cây piano). Năm 6 tuổi Hà đã vào học Nhạc viện TP.HCM, khoa piano. 12 tuổi Hà được một ban nhạc mời tới chơi organ ở quán bar (tất nhiên chuyện này hơi bị vi phạm luật lao động!). Năm 14 tuổi Nguyễn Hà đã lập một ban nhạc ở Nhà văn hóa Thiếu nhi quận 1 đi chơi nhạc ở các trường trong thành phố. Năm 1990, Nhà hát Hòa Bình khai trương, chính thức mời Nguyễn Hà lập ban nhạc chơi cho các chương trình hàng tuần của nhà hát. Năm đó Hà mới 15 tuổi, và ban nhạc Hải Âu với thủ lĩnh Nguyễn Hà ra đời chính vào thời điểm ấy, với toàn các “nhân vật” của sân khấu nhạc trẻ sau này như Vĩnh Tâm (guitarist), Lý Huỳnh Long (trống, sau thay bằng A Zìn)...

Chương trình Tuổi 20 tại Nhà hát Hòa Bình được dàn dựng trong dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng thành phố, Hồng Nhung làm nên dấu ấn Cho em một ngày với phần đệm của guitarist Vĩnh Tâm, mở đầu cho thời kỳ “bùng nổ” của bài hát Việt trên sân khấu. Bản phối âm ca khúc này tới giờ vẫn được xem là bản phối hay nhất, ấn tượng nhất, mang lại một sắc màu đặc biệt cho bài hát, chính là tác phẩm của Nguyễn Hà.

Và cũng chính Nguyễn Hà là người đứng sau quan trọng của chương trình Duyên dáng Việt Nam 5, diễn ra vào tháng 4/1997 tại Nhà hát Bến Thành, ở cương vị biên tập âm nhạc, cùng ban nhạc Hải Âu mà anh làm thủ lĩnh. Ở chương trình này, Mỹ Linh bước lên “đỉnh” bằng ca khúc Trên đỉnh phù vân với phần dàn dựng âm nhạc của Nguyễn Hà. Cần phải biết rằng, trước đó không lâu, Mỹ Linh đã trình diễn ca khúc này trên sân khấu Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, nhưng với bản phối và cách dàn dựng khác, không gây được hiệu quả như tháng 4/1997 tại TP.HCM. Lẽ dĩ nhiên, với công chúng, họ bàng hoàng trước vẻ đẹp ma mị trong giọng hát và phong cách trình diễn ấn tượng của cô ca sĩ Hà Nội chứ ít người biết được người đã “dựng” nên không khí âm nhạc ấn tượng ấy.

Ở tuổi 22, Hà đã làm sửng sốt nhiều đàn anh về khả năng phối khí và dàn dựng âm nhạc. Không dừng lại ở đó, bỏ Nhà hát Hòa Bình, về hãng đĩa Vafaco làm biên tập âm nhạc, ngay trong năm 1997 đáng nhớ, Nguyễn Hà cùng ban nhạc Hải Âu đã “dựng” lên Top Hits, sau đó trở thành một thương hiệu ăn tiền của Vafaco. Trước khi Làn sóng xanh trở thành “top show” từ năm 1998 thì vị trí này thuộc về Top Hits với những đêm diễn kín người ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (đây là chương trình ca nhạc “nội” đầu tiên biến nhà thi đấu thành không gian trình diễn nhạc trẻ). Nguyễn Hà cũng là người đã “phát hiện” ra Thu Phương khi cô còn là ca sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ, đưa Thu Phương trở thành “hiện tượng” cùng ca khúc Về đây nghe em của Trần Quang Lộc (lời thơ A Khuê), “phát hiện” ra Khánh Du với bản Unbreak My Heart, Trái tim xao động (My Heart Will Go On). Top Hits cũng là bệ phóng đầu tiên của Lam Trường, Quang Linh trên sân khấu TP.HCM. Album Lemon Tree do Nguyễn Hà biên tập ở Vafaco thời kỳ này là một kỷ lục trên thị trường băng đĩa lúc đó với con số phát hành lên tới 50.000 bản!

Chuyện độc quyền ca sĩ cũng lại là “phát kiến” của Nguyễn Hà khi còn ở hãng Vafaco. Năm 1998, dự án này chính thức khởi động với 3 hợp đồng độc quyền đầu tiên trong làng ca sĩ Việt Nam. Ngoài Mỹ Tâm được phát hiện tình cờ từ quán Nhạc sĩ như đã nói ở trên, còn có Nguyên Vũ (vốn trước đó là Phi Vũ, con bài đầu tiên của ông bầu Hoàng Tuấn, hay Tuấn Thaso, trước khi xuất hiện Đan Trường) và Anh Đức (lúc đó đang là sinh viên luật). Ngoài dự án độc quyền ca sĩ được nhiều người biết đến này, xuất phát từ ý tưởng của Nguyễn Hà, Vafaco cũng là hãng đĩa mua độc quyền bài hát đầu tiên, với nhạc sĩ Trần Tiến (2 bài Chị tôi, Trái tim nhiều ngăn).

Năm 2007, giới sản xuất băng đĩa Việt Nam ghi dấu sự kiện ca sĩ Mỹ Linh phát hành 3 album tại một trong ba hệ thống phát hành băng đĩa lớn nhất tại Nhật, bền bỉ cho giấc mơ đưa đĩa nhạc Việt ra khỏi biên giới. Tuy nhiên cần phải nói rằng, ý tưởng “đi về phía Đông” (cụ thể là nước Nhật), thay vì “tiến về phương Tây” (châu Âu, Mỹ, như một số dự án trước đây, trong đó có cả Mỹ Linh với dự định Coming to America) đã được chính Nguyễn Hà “đi trước” từ những năm 1999-2000, thí điểm với nhóm Tam ca Áo trắng. Kết hợp với một nhạc sĩ Nhật (Sogo), Nguyễn Hà đã thực hiện 2 album Chào (1 & 2) hát tiếng Nhật cho Tam ca Áo trắng. Cũng chính Nguyễn Hà đã đưa ba chị em Tuyết Ngân, Minh Tú và Minh Thư đi biểu diễn nhiều lần ở Nhật trong thời gian này. Và đây cũng là dự án âm nhạc sau cùng của Tam ca Áo trắng trước khi dần dần… tan rã. Năm 2002 Minh Tú lập gia đình, Tam ca Áo trắng cũng rút dần vào “hậu trường”.

Nhưng trước đó, năm 1999, khi sân khấu ca nhạc và thị trường băng đĩa vẫn đang ở thời đỉnh cao, thì “kẻ đầu trò” Nguyễn Hà đã rẽ sang một con đường khác: về Đài truyền hình TP.HCM và bắt đầu “mở khóa” một lãnh địa hoàn toàn mới, đó là các sân chơi ca nhạc trên truyền hình, như Giai điệu tình yêu, Nốt nhạc vui, Hát với ngôi sao, Vpop, Alo @ ngôi sao… Sau này, Nguyễn Hà còn lập công ty (Nguyễn Production) đào tạo và quản lý ca sĩ, người có công đào luyện nên ngôi sao đầu tiên cho dòng nhạc tuổi teen - “cô gái Trung Hoa” Lương Bích Hữu. Và bây giờ thì anh lại đang say mê với công ty mới, Nguyễn Event House, chuyên set-up âm thanh ánh sáng cho các show sự kiện trong nhà!

Ban nhạc Hải Âu và nòng cốt hai anh em Nguyễn Hà - Quang Huy
một thời cũng ghi nhiều dấu ấn trong làng showbiz Việt

Gieo nhiều, gặt chả bao nhiêu

So với những gì Nguyễn Hà ghi dấu trong làng nhạc từ thập niên 1990, thì “vụ Nhé anh” thật sự chỉ là “chuyện vớ vẩn”. Tuy nhiên, có thể là đáng tiếc, khi Hà là người “đầu têu” hầu hết những chuyện “chưa từng có” trong giới showbiz Việt nhưng thường bỏ lửng giữa chừng. Có thể thấy Nguyễn Hà “gieo” khá nhiều, nhưng ít chăm sóc và gần như không thu hoạch được gì!

Trong số những lãnh địa Hà đã trải qua, người trong giới đánh giá cao hơn cả, và cũng tiếc hơn cả khi anh rời bỏ, là khả năng phối khí và nhà sản xuất âm nhạc. Phối khí, như đã nói, Hà đặt dấu ấn lên nhiều bài hát và nhiều ca sĩ ngôi sao thời kỳ đang lên của nhạc Việt. Phát hiện ra Mỹ Tâm và đặc biệt nhìn thấy ưu thế của một giọng hát có sức lan tỏa và cộng hưởng tới đám đông khi mới chỉ là “cô bé Lọ Lem”, lẽ ra họ có thể trở thành một cặp nhà sản xuất - ngôi sao sáng giá như Quốc Trung - Thanh Lam, Anh Quân - Mỹ Linh, Đức Trí - Hồ Ngọc Hà, Hữu Minh - Cẩm Ly… Nhưng có lẽ điểm khác duy nhất giữa họ (Hà và Tâm) so với những cặp đôi vàng (hoặc từng là cặp đôi vàng) trong showbiz Việt, là ngoài công việc, họ không có “tình ý” gì với nhau. “Tình ý mới nên chuyện” trong quan hệ nhà sản xuất - ngôi sao của thế giới showbiz nói chung, ở Việt Nam nói riêng, là một thực tế, chúng tôi sẽ trở lại chủ đề này trong một loạt bài khác.

Khi quyết định chấm hết quan hệ với Vafaco (cụ thể là với Nguyễn Hà) sau 1 năm độc quyền, Mỹ Tâm không giấu được sự sốt ruột dễ hiểu. Trong khoảng 1 năm làm việc với Nguyễn Hà và Vafaco, Mỹ Tâm thu âm chừng 50 ca khúc, tuy nhiên hầu hết chỉ để… ngâm cứu. Có thể Nguyễn Hà muốn chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho giọng hát non trẻ này một hành trang đầy đặn cho con đường dài phía trước. Nhưng cũng có thể, những dự án âm nhạc khác, những sự quan tâm đặc biệt khác, và cả “người đặc biệt” khác của Nguyễn Hà lúc đó (ca sĩ Minh Tú, thành viên Tam ca Áo trắng) khiến anh không tập trung cho Tâm. Thử sức, tìm kiếm ở quá nhiều các lĩnh vực mới là thế mạnh của Nguyễn Hà, đồng thời cũng là điểm yếu của anh, khiến anh chỉ “gieo” mà ít khi “gặt hái”. Trong các quan hệ nhà sản xuất (ông bầu) - ca sĩ luôn khá phức tạp, thì giữa Nguyễn Hà và Mỹ Tâm chỉ là tình cảm quý mến trong sáng. Một tiết lộ nho nhỏ là, tuy vóc dáng hơi “phục phịch” nhưng Nguyễn Hà có sức hấp dẫn lớn với không ít người đẹp trong giới nhạc. Ngoài mối tình lâu năm ai cũng biết với Minh Tú, Hà còn có tình cảm đặc biệt với một vài gương mặt lừng danh khác trong làng ca nhạc Việt ở trong nước và cả ở hải ngoại, trước khi lấy vợ cũng là một ca sĩ.

Kỳ 4: Hé mở từ một hồ sơ

P.T.T.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm