Nghệ sĩ Kiều Hưng: Con tằm rút ruột nhả tơ...

18/09/2014 14:31 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 20 năm xa xứ lưu lạc nơi đất khách, qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, sau cơn bạo bệnh, lão nghệ sĩ Kiều Hưng trở về quê nhà và không nhiều người biết đến.

Tuổi cao, sức yếu, giọng hát của ông không còn khỏe, vang dày như trước, nhưng phần biểu diễn của ông trong chương trình Giai điệu tự hào, trong đó có màn song ca với ca sĩ Anh Thơ phát sóng trên VTV1 cuối tháng 8 vừa qua đã gây xúc động mạnh tới công chúng với tỉ lệ bình chọn cao nhất (85,41%) của khán giả tại trường quay.

Tối 20/9, lão nghệ sĩ sẽ tiếp tục song ca cùng ca sĩ Trọng Tấn trong chương trình In The Spotlight phiên bản mới: Trọng Tấn Concert  tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Không thể đứng vững vẫn hát

Không thể đứng vững để hát hết một lời ca khúc trong chương trình Giai điệu tự hào, Kiều Hưng từng được Biên đạo múa Tấn Lộc sắp xếp ngồi trên “mỏm đá” khi hát ca khúc Tình em biển cả và ngồi ghế song ca cùng với ca sĩ Anh Thơ ca khúc Người đi xây hồ Kẻ Gỗ - để dễ bề trình diễn. Khi hát, Kiều Hưng cười thật rạng rỡ, nhiều khi hơi lơi nhịp nhưng chẳng ai bận lòng bởi những gì ông mang tới không chỉ là giọng hát mà hơn đó là những mảng màu ký ức của một thời “tiếng hát át tiềng bom”... Lắng nghe Kiều Hưng hát mới thấy thấm thía câu thơ: “Thương thay cái số con tằm. Cả đời rút ruột chỉ nhằm nhả tơ”.

Hơn 20 năm xa quê hương, xa ánh đèn sân khấu, với rất nhiều người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x cái tên Kiều Hưng (sinh năm 1937, từng được Nhà nước Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú) khá xa lạ, nhưng chắc chắn bất cứ người yêu nhạc thập niên 60, 70, 80 không thể quên giọng tenor điêu luyện của ông trong các tuyệt phẩm âm nhạc cách mạng một thời: Bài ca trên núi (trong bộ phim Vợ chồng A Phủ), Rặng trâm bầu, Tình ca… Dẫu ngày đó, chỉ rất ít người được xem ông biểu diễn, được nhìn thấy gương mặt nghệ sĩ, mà chỉ nghe qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam

Cơn tai biến mạch máu não khiến nghệ sĩ Kiều Hưng đi lại khó khăn, trí nhớ phần nào giảm sút nhưng niềm đam mê ca hát trong ông vẫn còn nguyên vẹn. Kiều Hưng tâm sự: “Ở tuổi này, tôi cứ nghĩ chẳng bao giờ mình còn được lên sân khấu nữa, không ngờ...”. 


Kiều Hưng song ca ca khúc Người đi xây hồ Kẻ Gỗ với ca sĩ Anh Thơ

Tiếc vì chẳng còn nhiều sức khỏe để hát thật hay...

Hai 20 năm xa xứ, ông trở về bình lặng. Sau một thời gian ở Hà Nội, vợ chồng ông chuyển đến Nha Trang và đi lại giữa Berlin và Nha Trang. Dù sau cơn bạo bệnh, đi lại phải có người dìu nhưng Kiều Hưng chưa bao giờ từ chối hát. Ở Đức ông vẫn đi hát cho những đêm thơ, đón năm mới... Khi Trần Mạnh Tuấn, Mỹ Linh sang Đức hát, vẫn mời ông lên song ca. Ông hát mọi lúc mọi nơi, từ sáng tới tối, khi nhặt rau giúp vợ cũng hát... dù về Việt Nam chẳng dám liên lạc với ai, bởi sợ phiền mọi người...

Khi được mời hát trong Giai điệu tự hào, ông say sưa tập bài Tình em biển cả, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ. Vợ ông đi siêu thị dặn rằng: “Ông ở nhà khi nào đói thì bắc nồi cháo lên ăn”. Vậy mà khi về, bà thấy cả nhà ngập trong khói, nồi cháo cháy đen, còn ông vẫn ngồi trong phòng khách tập... hát. Nhiều khi, bà bực ông lắm, nhưng sống lâu đã... quen rồi!

Lão nghệ sĩ chia sẻ: “Nhìn thế này, không ai nghĩ chúng tôi là hai mảnh đời ghép lại. Năm lập gia đình, tôi đã 48 còn bà cũng 31 tuổi”. Ông bà có 2 con, một trai, một gái. Con trai Kiều Hải tốt nghiệp sư phạm âm nhạc Onsavich, Đức, vừa dạy học, vừa mở trường dạy nhạc jazz. Con gái Mỹ Hương học Quản trị kinh doanh ở Mỹ và đã gia đình riêng. Ngày bé, Kiều Hưng hay chở con gái học piano, và cũng muốn con theo nghệ thuật, nhưng con bé từ chối: “Thôi bố đi hát, anh đánh đàn. Còn con sẽ bán vé thu tiền”.

Với Kiều Hưng, “gia đình không yên ổn, thì 78 tuổi, tôi không hát được như thế này đâu”. Tự nhận mình chân thật, điềm đạm, mộc mạc, không biết nói khéo với bạn bè, nên đôi khi ông mới bị hiểu lầm đến mất lòng... để rồi “tiếc nuối lớn nhất của cuộc đời tôi là lúc muốn hát mà không được hát. Tới lúc được phép hát rồi thì chẳng còn nhiều sức khỏe để hát thật hay...”.

 Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm