Luật sư Vương Công Đức và 'Trảng Bàng phương chí': Viết vì sự 'hoài cố'

26/10/2014 13:57 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tự bỏ thời gian, tiền bạc để nghiên cứu viết sách Trảng Bàng phương chí, luật sư Vương Công Đức đã làm một việc mà ít người “dám chơi”, vì thông thường những loại sách như thế này đều được chính quyền địa phương đầu tư thực hiện.

Tràng Bàng phương chí dày gần 1.000 trang, viết về lịch sử, văn hóa vùng đất và con người phía Nam tỉnh Tây Ninh trong hàng trăm năm.


Luật sư Vương Công Đức

* Anh hiện là luật sư, từng du học nước ngoài, vì sao anh viết một cuốn sách dày gần ngàn trang về huyện Trảng Bàng?

- Vì đã có thời gian du học và sống ở nước ngoài (Liên Xô cũ), cho nên tôi cảm nhận quê hương là điều thiêng liêng và bất khả thay thế. Động lực lớn nhất là ước nguyện đền đáp ơn thiêng của tiền nhân và vùng đất đã sinh ra mình. Đi nước ngoài, tôi biết rất nhiều người Việt luôn nhớ về quê hương, khi chết muốn nắm tro tàn của mình trở về quê nhà. Trong khả năng của mình, tôi viết về nơi tôi sinh cũng thể hiện sự “hoài cố” như vậy.

* Dù chỉ mang cái tên khá hẹp Trảng Bàng phương chí, song cuốn sách bàng bạc gợi lên quá trình phát triển của đất nước và dân tộc. Anh đã tìm kiếm nguồn tài liệu để viết sách ra sao, vì để làm được việc này đòi hỏi công sức của cả một tập thể?

- Ngoài 108 tài liệu đã nêu trong phần “tài liệu tham khảo”, nguồn dữ liệu để tôi viết là toàn bộ vốn sống, sự hiểu biết về quê hương, đất nước đúc kết mấy chục năm qua. Mặt khác là sự chia sẻ thông tin, tư liệu từ rất nhiều người ủng hộ tôi trong ý nghĩ và công việc này. Mặt dù sách do cá nhân mình viết, nhưng thiếu sự động viên, chia sẻ và hỗ trợ tư liệu của những người đồng chí hướng thì chắc là mình cũng khó mà hoàn thành.


Bìa cuốn Trảng Bàng phương chí

* Vị trí của huyện Trảng Bàng có vai trò quan trọng như thế nào trong việc hình thành vùng đất phương Nam và điều anh tâm đắc nhất khi viết cuốn sách này nằm ở đâu?

- Trảng Bàng và cả phủ Tây Ninh ngày xưa là phên giậu của thủ phủ Gia Định trông sang nước láng giềng Cao Miên, là nơi diễn ra nhiều xung đột, tranh chấp giữa Việt Nam, Cao Miên và Xiêm La. Điều này chính sử nhà Nguyễn đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong Đại Nam thực lục. Đây là vùng đất quan trọng với các vương triều, thể chế chính trị khác nhau. Điều tâm đắc nhất là tôi tái hiện lại được phần nào lịch sử sống động của vùng địa linh nhân kiệt của đất miền Nam nhưng đã không được quan tâm, đánh giá đúng mức của những người viết sử từ trước đến nay.

Quê hương như “cuống rún chưa lìa”

Đọc Trảng Bàng phương chí tôi sực nhớ nhà văn Bình Nguyên Lộc có tập truyện Cuống rún chưa lìa. Ô hay, nhân vật của nhà văn đất phương Nam đã tái hiện bằng xương bằng thịt qua tác giả Trảng Bàng phương chí đây sao? Tác giả Trảng Bàng phương chí xứng đáng được xếp chung, đứng cạnh mẫu người của Cuống rún chưa lìa. Lòng nôn nao yêu lấy quê nhà biết bao chừng khi đọc tác phẩm này của Vương Công Đức.

 (nhà thơ Lê Minh Quốc).


TRẠC TUYỀN (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm