Lời nguyền 'America’s Next Top Model'

03/03/2015 14:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Lời nguyền Siêu mẫu Mỹ” là cụm từ chỉ những tai nạn, tai tiếng của thí sinh bước ra từ chương trình giải trí “ăn khách” này, sau khi cô Mirjana Puhar bị giết cùng hai người bạn trong một vụ việc liên quan đến ma túy.

“Bạn vẫn đang trong cuộc đua để trở thành siêu mẫu hàng đầu tiếp theo của nước Mỹ” – những lời đó từ siêu mẫu đàn chị, người sáng lập Tyra Banks từng thổi bùng lên nguồn cảm hứng ở bao nhiêu cô gái, chàng trai trẻ - các thí sinh của cuộc thi America’s Next Top Model. Nó tạo ra một niềm tin to lớn.

Họ được đưa vào một ngôi nhà chung, học cách đề phòng những người bạn “đâm sau lưng”, vượt qua những thử thách gian nan khi làm mẫu ảnh hoặc trình diễn, và vượt lên trên những kẻ chiến bại đau khổ để tiến gần hơn đến một “vẻ đẹp chuyên nghiệp”, cách người ta gọi các người mẫu chuyên nghiệp. Tương lai của bạn có vẻ đầy tươi sáng.

Nhưng không phải hoàn toàn tươi sáng.

“Cô gái hư” bị giết chết

Hôm 24/2, một sáng thứ Ba, Mirjana Puhar, thí sinh trẻ nhất cuộc thi America’s Next Top Model năm 2014, bị giết chết ở tuổi 19. Xác cô được tìm thấy trong ngôi nhà ở Charlotte, bang North Carolina. Năm ngoái, cô gái tuổi teen này tham gia cuộc thi và xuất hiện đến tập thứ 10 trong tổng số 21. Khi cảnh sát đến hiện trường, họ thấy xác Puhar và hai người đàn ông trẻ, một 21 và một 23 tuổi.

Thủ phạm là Emmanuel Jesus Rangel, cũng 19 tuổi, đã bị bắt sau đó với tội danh giết 3 người.

Theo tờ Charlotte Observer, khi 5 tuổi, Puhar và gia đình chuyển từ vùng đất chiến tranh Serbia đến sống tại New York (Mỹ) chỉ với 50 USD trong túi. Họ ổn định cuộc sống từ 10 năm trước. Sau khi bỏ học ở tuổi 16, Puhar theo đuổi nghề người mẫu.


Siêu mẫu Tyra Banks (trái) và thí sinh vừa bị giết chết Mirjana Puhar

“Tôi là một đứa trẻ hư” – cô từng nói – “Tôi ra ngoài chơi bời, tiệc tùng, làm bất cứ việc gì. Tôi không có những điều tốt đẹp ở xung quanh mình”. Bằng nghề người mẫu, cô như tự xoay chuyển mọi thứ và được tuyển vào cuộc thi ăn khách trên sóng CW, America’s Next Top Model (Tìm kiếm siêu mẫu Mỹ).

Đối thủ là hàng loạt cô gái khác, đều có gương mặt đẹp, dáng người cao ráo và đầy khát vọng nổi tiếng. Mục tiêu cạnh tranh là một bản hợp đồng làm mẫu, được quảng bá trên một tạp chí thời trang và chiến dịch làm mẫu trị giá 100.000 USD cho hãng thời trang đại chúng Guess. Và tất nhiên, là cả danh hiệu America’s Next Top Model mà đàn chị nổi tiếng Tyra Banks sẽ tận tay trao trong đêm chung kết. Như đã nói ở trên, Puhar không vào sâu được đến thế trong cuộc thi.

Nếu các thông tin trước đây là sự thật, cô chỉ là cái tên mới nhất gặp tai họa sau khi trở về từ cuộc thi.

Đâu mới là “thực tế thật”?

Tháng 6/2013, Renee Alway, một thí sinh 27 tuổi về thứ ba trong mùa thứ 8 trong America’s Next Top Model, bị bắt ở thành phố sa mạc Palm Springs, bang California. Cô bị cáo buộc 12 tội, trong đó có ăn cắp. Always bị bắt quả tang đang trốn trong một xưởng sửa chữa xe với khẩu súng trong tay, và đầu hàng trước lực lượng SWAT sau 6 giờ cố thủ. Lúc đó, cô đang được bảo lãnh tại ngoại vì một cáo buộc khác liên quan đến ma túy.

Năm 2012, Jael Strauss, thí sinh mùa thứ 8 của America’s Next Top Model 2007, xuất hiện trong chương trình truyền hình Dr. Phil để kể về việc sử dụng ma túy đá sau khi rời cuộc thi. Người xem bị sốc vì vẻ ngoài của Strauss tiều tụy và thay đổi kinh hoàng so với thời cô lên truyền hình 6 năm trước đó.

Tiết lộ này dẫn đến việc CariDee English, người thắng cuộc America’s Next Top Model mùa thứ 7, công bố một bài viết nói lên khó khăn khi là “một người mẫu hàng đầu” của Tyra Banks. Người ta nói, đó là khi “thực tế được dàn dựng” kết thúc và “thực tế thật” bắt đầu.

“Tyra sẽ không làm bất cứ điều gì cho Jael” – English viết. “Cô ta đặt ra một cái bục trong mơ cho các cô gái theo đuổi giấc mơ của họ, nhưng đằng sau đó không có thứ gì được gọi là “bức thư của Tyra” hết. Tôi phải tự tìm đường đi cho mình, mặc dù tôi đã chiến thắng một cuộc thi người mẫu. Tôi hoàn toàn chưa biết gì về ngành kinh doanh và công nghiệp thời trang. Tôi nổi tiếng, nhưng không ai muốn chụp ảnh tôi”.

“Trong lòng, tôi nghĩ chuyện này thật đáng sợ. Mọi cô gái từng tham gia America’s Next Top Model đều có thể xác nhận điều tôi nói: Không ai coi trọng chúng tôi như những người mẫu chuyên nghiệp cả. Ngành công nghiệp thời trang không biết làm sao để tiếp thị chúng tôi. Công ty người mẫu, người quản lý… cũng vậy”.

“Chúng tôi thành những kẻ nổi tiếng nhất thời, nhưng chỉ là người mẫu mới trên giấy tờ. Dù được gọi là “hàng đầu”, nhưng vị trí của chúng tôi trong giới thời trang là ở “đáy”. Ngành công nghiệp này không quan tâm đến tên chúng tôi, nhưng quan tâm đến mấy chữ America’s Next Top Model”.

Như một tất yếu, danh hiệu Siêu mẫu hàng đầu nước Mỹ hiện tại không còn đáng tin nữa. Các cựu thí sinh của chương trình đánh mất mình trong thế giới hiện thực là những minh chứng.

Tìm kiếm thị phi, có thị phi

Khi đi tìm lý do, người ta nhận thấy ngay từ bản chất, chương trình này đã đánh mất chính mình. Là một chương trình thực tế, America’s Next Top Model cố tìm những thí sinh có nhân cách và lối sống rắc rối để gây ra càng nhiều thị phi càng tốt. Điều đó đồng nghĩa với tỷ suất người xem cao.

Puhar tự mô tả mình là “đứa trẻ hư đốn”, nhưng cô không phải là duy nhất trong cuộc thi. Một thí sinh khác là Analeigh Tipton từng chủ động tham gia đường dây buôn bán tình dục, bị bán làm nô lệ tình dục cho một hoàng tử Ả rập nhưng trốn thoát trước khi hợp đồng được hoàn thành. “Chắc hẳn họ đã đánh giá Jael kỹ càng trước khi chọn cô ấy tham gia” – English viết – “và họ thấy cô ấy có tính cách phù hợp”.

Còn việc không đảm bảo sự nghiệp tốt đẹp cho các thí sinh, America’s Next Top Model cũng đi vào vết xe đổ của nhiều cuộc thi truyền hình thực tế khác. Các chương trình này có sự hào nhoáng danh tiếng và ăn khách về thương mại, nhưng chưa đủ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của một ngôi sao.

Cũng có vài ngoại lệ. Tipton, cô gái suýt thành nô lệ tình dục, đã trở thành diễn viên và đóng trong phim tình cảm hài Crazy, Stupid, Love. Hay Yaya DaCosta, một thí sinh khác của cuộc thi, gần đây được chọn đóng Whitney Houston trong phim tiểu sử của kênh truyền hình Lifetime. Vấn đề là sự nghiệp của hai cô gái này lại không liên quan đến kinh nghiệm của họ trong Top Model.

Thay vì là bệ phóng, chương trình dần trở thành một “vết nhơ” trong sự nghiệp của các thí sinh. Hoặc họ gặp khó khăn trong sự nghiệp, hoặc phải từ bỏ, vài người còn sa vào những con đường đen tối khác.

Hạ Huyền (theo Daily Beast)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm