GS-TS Nguyễn Văn Huy: Bảo tàng không phải là nơi 'giao khoán'

02/09/2013 07:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từng ra quyết định “ngược đời” từ chối khách tham quan quá đông, giảm giá cho đoàn ít khách (!), GS-TS Nguyễn Văn Huy được báo giới mênh danh là người khởi xướng “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực bảo tàng ở Việt Nam. 2 trong số 3 bảo tàng ở Việt Nam vừa được một trang web du lịch hàng đầu thế giới vinh danh trong Top 25 Bảo tàng ấn tượng nhất châu Á trong năm 2013 (Bảo tàng Dân tộc học VN, Bảo tàng Phụ Nữ VN và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh) đều có “bàn tay” của ông.

GS-TS Nguyễn Văn Huy

* Thưa ông, bây giờ thì nhiều người nói tới Bảo tàng Dân tộc học VN như một niềm tự hào, một mô hình mẫu của bảo tàng ở VN. Nhưng hình như việc xây dựng bảo tàng những ngày đầu gặp khá nhiều khó khăn, kéo dài tới 15 năm?

- Chính xác là mất 16 năm. Những người tiền nhiệm của tôi tại Viện Dân tộc học VN đã có ý tưởng về một bảo tàng dân tộc học và bước đầu làm thủ tục xin đất xây dựng bảo tàng từ năm 1979-1980. Còn sự chuẩn bị kéo dài như vậy là dễ hiểu, nếu xét tới điều kiện đặc thù của chúng ta. Tôi nhớ lần gặp Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội vào quãng năm 1985, khi tôi còn là Phó viện trưởng Viện Dân tộc học. Ông băn khoăn: “Cậu xem thế nào, hay ta bỏ dự án này đi, đừng đề xuất nữa. Cả nước ăn bo bo, xin xây bảo tàng lúc này thì không ổn”. Tôi trả lời: Khó khăn, nhưng chắc chắn mọi thứ sẽ thay đổi dần. Lúc đó, nếu không có sự chuẩn bị sẵn từ trước, việc xây dựng những công trình văn hóa như bảo tàng còn vất vả hơn nhiều… May mắn là dự án được phê duyệt. Nếu không, chúng tôi sẽ lại lỡ thêm vài nhịp nữa. Phê duyệt về chủ trương thôi, còn việc xin đất, xin kinh phí cho bảo tàng thì phải đợi lâu nữa, đó là một câu chuyện rất dài. Và, mọi thứ sẽ không thể được như bây giờ, nếu chúng tôi không may mắn gặp một “bà đỡ” đặc biệt khi đó: Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hồi ấy mặt bằng chưa có vì không thể thỏa thuận đền bù. Thủ tướng tới thăm chúng tôi rồi chỉ đạo: Nhà nước cấp 300 triệu đồng để giải quyết chuyện này. Có mặt bằng, khởi công xây dựng, chúng tôi lại lo lắng với câu hỏi về hiện vật trưng bày. Vậy là Thủ tướng lại xuất hiện lần nữa. 3 tỷ đồng được duyệt chi, bảo tàng có cơ hội tiến hành sưu tầm những hiện vật đầu tiên. Rồi, bảo tàng được ấn định khánh thành gắn với thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của khối Pháp ngữ tại Hà Nội cuối năm 1997. Đường dẫn vào bảo tàng chưa có, vẫn toàn nền ruộng. Thủ tướng tới kiểm tra tiến độ tại công trường cùng các lãnh đạo Hà Nội. Cụ lắc đầu bảo: ”Hôm khánh thành, nếu chưa có đường, tôi sẽ cùng Tổng thống Pháp và các quan khách lội bộ vào đây”. Một câu ấy là đủ để con đường nhựa với 2 làn đường dẫn vào bảo tàng được hoàn thành chỉ trong 2 tháng, đúng thời điểm khai trương bảo tàng.

* Bảo tàng Dân tộc học không thể so sánh với những kho cổ vật của Bảo tàng Lịch sử VN hay những tranh, tượng quý của Bảo tàng Mỹ thuật VN. Vị trí cũng thua xa. Theo ông thì điều gì khiến Bảo tàng Dân tộc học hấp dẫn được công chúng và được quốc tế đánh giá cao như vậy?

- Tôi nghĩ, mỗi bảo tàng đều có một thế mạnh riêng và cần có những cách triển khai riêng, và điều này thì phụ thuộc vào quan điểm làm bảo tàng. Chẳng hạn, ở khía cạnh cơ bản thì bảo tàng là khoa học lịch sử, nhưng việc tổ chức trưng bày, thiết kế trưng bày sao cho hợp lý, hấp dẫn thì lại mang tính nghệ thuật. Vậy thì cần tính toán để đạt đỉnh cao ở sự kết hợp khoa học - nghệ thuật ấy. Nhìn rộng hơn, bảo tàng không thể chỉ là nơi trưng bày hiện vật đơn thuần. Nó phải gồm một chuỗi các hoạt động tổng thể, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, để có tính cộng đồng và xã hội cao nhằm thu hút du khách. Có là hiện vật gì đi nữa, thì ẩn chứa bên trong vẫn là những câu chuyện con người.

Một ví dụ thế này: chúng tôi luân phiên mời các đoàn rối nước tới biểu diễn tại đây, đó là những đoàn rối nước dân gian, của những người dân tại Bình Phú, Đào Thục, Nguyên Xá... Một số bảo tàng sau này cũng mời các nhóm rối nước tới biểu diễn, nhưng lại mời các đoàn chuyên nghiệp. Tôi không tán thành quan điểm này bởi chuyên nghiệp chỉ phù hợp với sân chơi chuyên nghiệp, còn coi đó là một hoạt động để gắn kết cộng đồng trong không gian bảo tàng thì lại khác. Cách biểu diễn tự nhiên, không sân khấu hóa của nghệ nhân khiến người xem hiểu hơn về tính chất đặc thù của cácmôn nghệ thuật truyền thống dân gian. Cùng với các cuộc biểu diễn, chúng tôi còn tổ chức các cuộc trưng bày kèm theo như về lịch sử và đời sống củaphường rối nước, về kỹ thuật rèn…, tổ chức để người xem và người diễn cùng giao lưu tự nhiên với nhau.



GS.TS Nguyễn Văn Huy (1945), Phó viện trưởng Viện Dân tộc học VN từ năm 1983, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học từ năm 1995. Sau khi nghỉ hưu, tiếp tục đảm nhận vị trí Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về di sản các nhà khoa học VN, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá. Tác giả của trên dưới 10 cuốn sách và nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu về Dân tộc học và Bảo tàng học

* Một trong những thách thức của các bảo tàng ở nước ta là làm saothu hút công chúng. Tuy nhiên, nghe nói khi còn làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, ông từng ra quyết định từ chối đoàn khách tham quan đông người?

- Đúng là có chuyện đó, chính xác là quyết định Bảo tàng Dân tộc học từ chối tiếp nhận những chuyến tham quan của học sinh với 300 em trở lên. Dưới 300 em, bảo tàng sẽ hạ giá vé. Cách làm bị nhiều người cho là “ngược đời” này được tôi trình bày trong một cuộc họp với các hiệu trưởng tại Hà Nội. Tôi nói: Các anh nếu thật sự coi bảo tàng là một thiết chế giáo dục và đưa học sinh tới để học - chứ không phải để “khoán” theo phong trào - thì hãy tổ chức những nhóm nhỏ thôi. 50 học sinh chẳng hạn, luân phiên trong năm. Có vị hiệu trưởng cười: 50 năm nữa sợ cũng không làm được thế. Vậy là tôi đưa ra thêm một quyết định: những tốp học sinh nào dưới 50 người tới thăm bảo tàng sẽ được giảm giá vé hoàn toàn. Thật sự, bảo tàng cũng cần khách tham quan, cần học sinh tới bảo tàng để học nhưng cách đưa học sinh tới như thế thì phản sư phạm quá.

Ai cũng nghĩ: học sinh là đối tượng cần thiết được đưa tới bảo tàngnhất. Thế nhưng, mỗi lần học sinh của các trường tới thăm, thì đó là một nỗi kinh hoàng với du khách. Các trường không có ý thức về việc đưa học sinh tới bảo tàng để học một cách thật sự, mà vẫn thường coi đó là một hoạt động dã ngoại theo yêu cầu của ngành. Bởi thế, việc tổ chức được giao khoán cho các công ty du lịch. Họ đưa tới cả ngàn học sinh, ồn ào và nhốn nháo, gần như phá vỡ toàn bộ không gian đặc thù của bảo tàng. Sau quyết định kể trên, dần dần, cũng có một số lớp học tại Hà Nội đưa học sinh tới bảo tàng theo số lượng nhỏ. Họ chỉ mất tiền thuê xe…

* Cách làm việc của ông có chịu ảnh hưởng nhiều từ cha - học giả Nguyễn Văn Huyên không?

- Khi học khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ nơi sơ tán, tôi có viết thư hỏi cha xin lời khuyên nên theo học ngành nào: Sử hiện đại, Sử thế giới, khảo cổ học, Dân tộc học…? Cha tôi trả lời: Nghề nào cũng hay cả. Nhưng để thật sự có ích cho xã hội, con cần có sự say mê. Và sự say mê chỉ nảy sinh đến khi con chịu khó đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu mọi thứ một cách bài bản, đầy đủ và kiên trì. Ngẫm ra, trong cả sự nghiệp của mình, lời khuyên ấy tác động tới tôi rất nhiều. Chuyên ngành của tôi là Dân tộc học, nên công tác bảo tàng là một cái gì đó thật xa lạ. Từ việc được giao nhiệm vụ phụ trách bảo tàng, cho tới việc có những kiến thức, kinh nghiệm để cập nhật các xu hướng trưng bày, tổ chức triển lãm trên thế giới, thúc đẩy các hoạt động đa dạng ở bảo tàng là một quá trình tự học, tự tìm hiểu khá dài. Ở đó, sự say mê là cơ may lớn nhất

Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm