Dùng tivi, khách sạn phải trả tiền tác quyền âm nhạc - Đúng hay sai?

25/05/2017 10:18 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta thử lần lượt xem những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ để xem xét vấn đề này.

Những cơ sở từ Luật Sở hữu trí tuệ

Về việc trả thù lao, nhuận bút cho tác giả (hoặc chủ sở hữu quyền tác giả), tại Khoản 3, Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.

Chúng ta lưu ý 2 điểm là “khoản 1 Điều này” (tức khoản 1, Điều 20) và “khoản 3, Điều 19”:

Về “Khoản 1 Điều này” (tức khoản 1 Điều 20) là:

1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Chúng ta thấy các mục a), b), c), d), đ), e) nếu có khai thác sử dụng thì thuộc về đài truyền hình chứ không phải chủ KS. Vì vậy chủ KS không phải là người “phải xin phép và trả tiền nhuận bút” (mà nếu chủ KS phải xin phép sử dụng để trả tiền nhuận bút thì không biết phải xin phép ai, bởi họ không phải là người chủ động khai thác tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình).

Còn khoản 3, Điều 20 thì như sau: “3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm”. Điều này thì chủ KS cũng không thực hiện nên họ không có nghĩa vụ “xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao”.

Chú thích ảnh
Xem chương trình Thế giới động vật, cũng sẽ trả tiền bản quyền âm nhạc (Ảnh mang tính minh họa)

Cũng với Luật Sở hữu trí tuệ, “Điều 26. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao”.

Tại khoản 1 của Điều 26 này có đoạn: "Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ".

Như vậy, ở khoản 1 Điều 26 này đã quy định rất rõ việc trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả là “Tổ chức phát sóng” (cụ thể hơn là đài truyền hình) chứ không phải người thụ hưởng chương trình phát sóng, dù người thụ hưởng chương trình phát sóng đó sử dụng cho cá nhân hay việc kinh doanh.

Trên thực tế, đài truyền hình là “tổ chức phát sóng” nhưng không thực hiện nghĩa vụ tác quyền, mà trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam “đá trái bóng” tác quyền qua cho chủ KS là không hợp lý.

Từ những cơ sở trên, chúng ta có thể thấy Luật Sở hữu trí tuệ có những quy định rõ ràng, những gì mà luật không quy định thì mọi người có quyền không thực hiện.

Sẽ thu phí bản quyền âm nhạc tại quán karaoke 2.000 đồng/bài

Sẽ thu phí bản quyền âm nhạc tại quán karaoke 2.000 đồng/bài

Sẽ tiến hành thu phí bản quyền liên quan đến bản ghi gồm quyền sản xuất bản ghi và quyền ca sỹ. Mức phí được ấn định là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke với thời gian sử dụng là 1 năm kể từ ngày được cấp phép.

Chủ KS, đài truyền hình: ai là người khai thác sử dụng…?

Một điều mà ai cũng biết, đó là đơn vị, cá nhân nào sử dụng tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình vào mục đích kinh doanh thì đơn vị, cá nhân đó phải có nghĩa vụ trả tiền bản quyền.

Điều quan trọng để xác định “hành vi sử dụng” này là “quyền lựa chọn”. Chủ KS lựa chọn đĩa nhạc để mua và phát cho khách nghe, nên chủ KS là người khai thác sử dụng bản đĩa ghi âm, họ phải có nghĩa vụ đóng tiền bản quyền (quyền liên quan). Tương tự như vậy, đài tryền hình lựa chọn MV để phát (ví dụ chọn MV của Hồ Ngọc Hà mà không chọn MV của Lam Trường), hoặc lựa chọn bản nhạc để tạo nên một chương trình (ví dụ Truyền hình Vĩnh Long lựa chọn những bản nhạc bolero để thực hiện gameshow Solo cùng bolero) đài truyền hình là người có quyền lựa chọn, vì vậy xác định họ là người sử dụng tác phẩm, sử dụng bản ghi âm ghi hình. Họ phải có nghĩa vụ trả tiền bản quyền.

Chú thích ảnh
Công văn đề nghị thu tiền bản quyền của VCPMC đối với một khách sạn tại Đà Nẵng

Đối với chủ KS khi sử dụng ti vi và trên đó có phát sóng những MV của Hồ Ngọc Hà, gameshow Solo cùng bolero như đã nói trên, nhưng chủ KS không phải là người có quyền lựa chọn những MV, những bản nhạc bolero đó để phục vụ cho việc kinh doanh nên họ không phải là người “khai thác sử dụng”, vì vậy mà họ không có nghĩa vụ trả tiền bản quyền.

Chủ KS (và người xem nói chung) là người có quyền lựa chọn chương trình truyền hình, kênh truyền hình để xem, như vậy họ là người “sử dụng”. Vì vậy, trên nguyên tắc, đài truyền hình có quyền yêu cầu người sử dụng chương trình phát sóng của đài vào mục đích kinh doanh, họ phải trả tiền cho chương trình phát sóng của đài.

Tuy nhiên một trong những lý do mà đài truyền hình không thu tiền vì họ muốn có nhiều người vào xem chương trình của họ. Khi chương trình có “rating” cao thì sẽ có nhiều đơn vị mua quảng cáo, mà lợi nhuận từ quảng cáo thì lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận thu được từ người sử dụng chương trình.

Đến đây thì mọi người có thể tự đưa ra nhận xét, các chủ KS phải trả tiền bản quyền tác giả cho các ti vi trong khách sạn của mình là đúng hay sai?

Thanh Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm