Dựng lại kịch Lưu Quang Vũ: Không thể chỉ trông vào một cái tên

03/09/2014 07:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày càng nhiều, những kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ được dàn dựng lại trong sự háo hức của công chúng cũng như bạn nghề. Đó có phải là giải pháp hợp lý để hâm nóng bầu không khí ảm đạm của sân khấu phía Bắc?

Từ 28/8 đến nay, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, 5 vở kịch của Lưu Quang Vũ được biểu diễn nhân ngày giỗ thứ 26 của cố tác giả này (28/8/1988). Trước đó, cũng vào cuối tháng 8/2013, một Liên hoan lớn với hơn chục vở diễn sử dụng kịch bản của Lưu Quang Vũ được tổ chức với cảnh người xem nườm nượp tới rạp, hệt như thời hoàng kim của kịch Lưu Quang Vũ trong thập niên 1980...

Vì sao “Bệnh sĩ” ăn khách?

4/5 vở diễn tại chương trình vừa qua đều được lấy lại từ LH năm ngoái (Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng, Nàng Sita, Hồn Trương Ba da hàng thịt). Vở diễn mới duy nhất là Bệnh sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam (NHKVN), vừa ra mắt khán giả vào tháng 4 vừa qua.  Đáng nói, dù xuất hiện muộn, Bệnh sĩ lại là cái tên được trông đợi nhất tại chương trình kỉ niệm, sau khi gây ra cảnh “cháy vé” tại NHKVN ngay từ khi công diễn. Đều đặn 2 tối mỗi cuối tuần, vé xem Bệnh sĩ luôn được bán hết veo, chưa kể hàng chục đêm biểu diễn tại những tỉnh thành gần Hà Nội.


Cảnh trong vở “Bệnh sĩ”

“Cũng khó kể hết lý do khiến vở diễn thành công như vậy. Có cả sự may mắn, có cả nỗ lực của anh làm nghề” - đạo diễn NSUT Tuấn Hải cho biết. “Nhưng, quan trọng nhất vẫn là vấn đề kịch bản. Thương hiệu Lưu Quang Vũ, cộng cùng cái tên Bệnh sĩ cho một vở hài kịch, là đủ để khán giả muốn bước chân tới rạp rồi”.

Như tên gọi của nó, Bệnh sĩ là căn bệnh về… thói sĩ diện ở một hợp tác xã có tên Hùng Tâm. Căn bệnh thành tích và sự háo danh mù quáng đã đẩy những người dân quê chân chất tại đó vào một cuộc chạy đua đặc biệt, để rồi họ trượt hẳn vào sự kệch cỡm dối trá khi mải đi tìm sự hào nhoáng bên ngoài cho mình. Câu chuyện chỉ đơn giản có vậy nhưng vẫn đủ để thuyết phục lãnh đạo NHKVN chọn dựng lại kịch bản này cho năm 2004, khi thông điệp của vở xem ra không hề cũ với cuộc sống bây giờ.

“Trong sự khan hiếm kịch bản hay như hiện nay, rất dễ hiểu khi những kịch bản cũ của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên giá trị và được các Nhà hát chọn dựng. Bởi, rất nhiều trong số đó là những kịch bản được viết với sự sắc sảo xuyên thời gian, vượt qua lớp váng thời sự để mang lại thông điệp lớn cho người xem” - đạo diễn NSƯT Chí Trung (Nhà hát Tuổi Trẻ) chia sẻ - “Chẳng hạn, Lời thề thứ 9 tưởng là chuyện của mấy anh bộ đội, nhưng lại là thông điệp về sự khập khễnh giữa luật pháp và sự công bằng trong xã hội. Mùa hạ cuối cùng nói về tiêu cực trong giáo dục, nhưng ẩn sâu trong nó lại là sự ngơ ngác của thế hệ trẻ khi nhìn vào cách lựa chọn của những người đi trước...”

Và những kịch bản đã “hoàn thành sứ mệnh"

“Nhu cầu được xem lại các vở diễn dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ là có thực. Thậm chí, việc duy trì những đêm diễn tưởng niệm Lưu Quang Vũ vào dịp cuối tháng Tám hàng năm cũng khả thi” - một nhà nghiên cứu sân khấu nhận xét. “Thế nhưng, về lâu dài, khi những hiệu ứng về cái tên Lưu Quang Vũ dần lắng lại, việc những kịch bản nào của ông đủ sức  đứng vững để kéo khán giá đến rạp mới là điều cần bàn” – ông nói thêm

Sự thực, không phải vở diễn nào của Lưu Quang Vũ khi phục dựng cũng bán được vé như trường hợp Lời thề thứ 9 hay Bệnh sĩ. Vài năm trước đó, Nhà hát kịch Hà Nội cũng đã từng dàn dựng Tôi và chúng ta, còn Nhà hát kịch Tuổi trẻ dựng Cô gái đội mũ nồi xám. Xa hơn,đoàn kịch Hà Tây cũ dàn dựng 2000 ngày oan trái, đoàn ca kịch Huế dựng Điều thiêng liêng nhất. Những vở diễn này đều không mấy nổi trội- một phần cũng vì câu chuyện kịch phần nào không còn phù hợp với nhu cầu của khán giả hiện tại.

“Trong hơn 50 kịch bản của anh Vũ, có những kịch bản đã hoàn thành sứ mệnh của nó rồi và chúng ta nên chấp nhận điều đó. Chẳng hạn, những vấn đề về kinh tế bao cấp trong Tôi và chúng ta xem ra không còn phù hợp với cuộc sống hôm nay”- NSUT Anh Tú (Nhà hát kịch VN) cho biết. “Những kịch bản còn lại đủ hấp dẫn với người xem hôm nay, nhưng chắc chắn phải đòi hỏi một cách dàn dựng khác. Bởi sau 1/ 4 thế kỷ, cả khán giả cũng như nghệ thuật sân khấu cũng đã có sự thay đổi so với thời ấy rồi”.

Như chia sẻ của những người trong cuộc, bản thân vở diễn Bệnh sĩ của NHKVN cũng đã được đạo diễn Tuấn Hải cắt gọt một số lớp trong kịch bản cũ, đồng thời đưa thêm ra một vài lớp diễn mới. “Sau LH kịch Lưu Quang Vũ vào năm ngoái, chúng tôi nhận thấy một hiệu ứng khá mạnh đã được tạo ra với khán giả. Đặt trong nhu cầu có thật ấy, thông điệp của Bệnh sĩ lại hoàn toàn không hề cũ khi nói về những cố tật xảy ra ở một xã hội mới chuyển mình”- Tuấn Hải nói.

Sự èo uột của sân khấu hiện tại khiến người ta đặt quá nhiều gánh nặng vào những kịch bản của Lưu Quang Vũ mà quên đi rằng, sân khấu cần thêm rất nhiều yếu tố, ngoài một kịch bản hay...

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm