Đầu tư cho văn hóa nghệ thuật: Lãnh đạo Đà Nẵng 'hứa' không tiếc tiền

26/11/2014 07:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2013, Đà Nẵng đứng thứ 61/63 tỉnh, thành về mức đầu tư cho sự nghiệp văn hóa. Con số ấy không xứng tầm với thành phố lớn thứ ba đất nước, vì vậy lãnh đạo Đà Nẵng đã vào cuộc…

Làm thế nào để đời sống văn hóa bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố (TP) bên sông Hàn vẫn là một câu hỏi mà lãnh đạo cùng giới văn nghệ sĩ của Đà Nẵng đang đau đáu lâu nay.

Từng có một quá khứ hào hùng

Một trong những điều làm các lãnh đạo Đà Nẵng băn khoăn là mặc dù mảnh đất Quảng Đà đã từng sản sinh nhiều nhân sĩ, văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, tác phẩm văn học nghệ thuật… nức tiếng cả nước nhưng trong hơn thập kỷ qua, “anh hào” Đà Nẵng hoạt động trên lĩnh vực văn hóa đã không còn nhiều tên tuổi lớn so với nhiều địa phương cả nước. Bản thân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trần Thọ cũng thừa nhận Đà Nẵng vẫn chưa có công trình văn hóa nào xứng tầm.

Ngày 24/11 vừa qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng có cuộc làm việc với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (VHNT). Tại đây, ý kiến của văn nghệ sĩ tập trung vào ba vấn đề chính: lãnh đạo TP cần quan tâm hơn; nâng mức đầu tư cho hoạt động VHNT; đào tạo nguồn nhân lực phát triển VHNT.


“Cuộc gặp lịch sử” giữa lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng

Nhà thơ Trần Tuấn lý giải đầy tâm huyết: "Việc sáng tạo không song hành với tiền bạc. Đời sống sung túc chưa hẳn đã cho ra đời tác phẩm hay mà đôi khi tác phẩm hay lại ra đời từ hoàn cảnh khó khăn. Tác phẩm hay dựa vào nội lực, khát khao dâng hiến, tâm huyết của mỗi người viết. Mà điều đó thì các tác giả của ta chưa có. Việc sáng tạo của nghệ sĩ còn phụ thuộc vào hai yếu tố khách quan là sự cổ vũ và cơ chế. Khi họ sáng tạo ra một tác phẩm, nếu không nhận được sự quan tâm đúng mức, sự cổ vũ của độc giả thì sẽ không có tinh thần để viết tác phẩm tiếp theo. Về cơ chế quản lý, cách làm của các hội VHNT hiện nay đã quá cũ rồi. Đừng nghĩ cứ tổ chức những trại sáng tác là có tác phẩm hay. Cần phải thay đổi cơ chế, gần gũi hơn với đời sống. Không cần phải dùng ngân sách của Nhà nước nhiều lắm đâu".

Chị Nguyễn Thị Anh Đào - hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng chia sẻ: “Khó khăn thể hiện rõ nhất của đội ngũ nhà văn Đà Nẵng là sự quảng bá các tác phẩm mới rất hạn chế. Chưa có những sân chơi quảng bá tác phẩm mới hoành tráng hay bài bản, mà tác phẩm ra đời chủ yếu là tặng nhau để sẻ chia và các buổi ra mắt tác phẩm mới thưa thớt dần. Phần vì tâm lý “ngại”, phần vì TP Đà Nẵng chưa mặn mà với VHNT. Để có được một tác phẩm ra đời mà bạn đọc “đọc được” thì nhà thơ, nhà văn phải đầu tư, chắt lọc thực sự và cần có sự hỗ trợ kinh phí từ phía Hội Nhà văn và Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng”.

Làm văn hóa: tiền là chưa đủ

Năm 2013, Đà Nẵng đứng thứ 61/63 tỉnh thành về mức đầu tư cho sự nghiệp văn hóa. Trước thực trạng đó, đầu năm 2014, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Trần Thọ - đã có cuộc làm việc với các ban, ngành để đề ra các giải pháp và kế hoạch mang tính chiến lược phát triển VHNT. Dù vậy, suốt năm 2014 vừa qua, lĩnh vực VHNT của Đà Nẵng vẫn chưa đủ sức bật, chưa tạo điểm nhấn so với nền VHNT chung của cả nước, do thiếu sự hỗ trợ thiết thực cũng như sự giám sát thực hiện cần thiết.

 Chẳng thế, mà người ta gọi buổi làm việc vừa qua là “cuộc gặp lịch sử” vì đây là lần đầu tiên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ và các ngành liên quan mới có cuộc trao đổi với Liên hiệp các hội VHNT. Ông Văn Hữu Chiến nói: “Đà Nẵng không tiếc tiền đầu tư cho VHNT. Nhưng khi đã nâng mức đầu tư lên thì hoạt động phải phong phú hơn, nhiều tác phẩm hay hơn, quy mô phải hoành tráng hơn, chứ tiền thì tăng mà tình hình vẫn như cũ là không được”.

Cũng như nhiều văn nghệ sĩ, NSƯT Trần Ngọc Tuấn phấn khởi: “Đây là động lực để văn nghệ sĩ chúng tôi cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp VHNT. Hy vọng thời gian tới, VHNT Đà Nẵng sẽ có nhiều tác phẩm hay, có bước ngoặt lớn để xứng tầm với TP”.

Đà Nẵng cũng sẽ cho giải tỏa hẳn một bưu điện để mở con đường rộng 7m vào thẳng Liên hiệp các Hội VHNT. Rõ ràng, lời hứa sẽ đầu tư, quan tâm hơn về vật chất và tinh thần cho lĩnh vực văn hóa của những lãnh đạo TP là tín hiệu đáng mừng.

Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm