Chủ nhân Cervantes - Juan Goytisolo: Nhà văn còn sống vĩ đại nhất Tây Ban Nha

26/11/2014 07:45 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 24/11, nhà văn Tây Ban Nha Juan Goytisolo đã đoạt giải Cervantes, giải thưởng văn học cao quý nhất trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha.

Giải thưởng này sẽ được trao vào ngày 23/4 hàng năm, đúng ngày mất của nhà văn Miguel de Cervantes, tác giả cuốn truyện bất hủ Don Quixote.

Goytisolo được xem là nhà văn còn sống vĩ đại nhất Tây Ban Nha. Ông sinh năm 1931, trong một gia đình quý tộc bảo thủ ở  Barcelona.

Goytisolo đã xuất bản hơn 40 cuốn sách ở nhiều thể loại. Đây đều là những tác phẩm mới về phong cách và rất khó phân loại. Ông nổi tiếng nhất với các tác phẩm báo chí, hồi ký và các cuốn tiểu thuyết tạo nên bộ ba Alvaro Mendiola, gồm Marks Of Identity, Count Julian Juan The Landless. Bộ truyện này được xuất bản vào các năm 1966-1975.

Gần 2 thập kỷ qua, Goytisolo đã định cư ở Morocco. Nhân việc đoạt giải Cervantes, ông đã có cuộc chuyện trò với báo giới.

* Nghe nói cách đây 2 năm ông đã có ý định từ bỏ viết tiểu thuyết. Điều này có đúng không?

- Đúng. Tôi nhận thấy là mình đã nói tất cả những điều muốn nói. Sau này tôi có viết 1-2 cuốn tiểu thuyết nữa nhưng không vội xuất bản. Tôi đã phát hành 9 tập thơ ở Tây Ban Nha và đã sáng tác thêm một số tập nữa. Hiện tại tôi đang có 3 bản thảo dở dang, nhưng cũng không vội vã hoàn tất chúng. Một trong số đó là Zonas Atavicas, động tới vấn đề nhận thức về đồng tính luyến ái trong thế giới Hồi giáo.


Nhà văn Tây Ban Nha Juan Goytisolo

* Trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên, khi viết về chủ nghĩa hiện thực, quá trình viết của ông có bị gián đoạn không?

- Có đấy, trong những trang cuối của cuốn Marks Of Identity (cuốn đầu trong bộ ba Alvado Mendiola) tôi bắt đầu viết theo phong cách của cuốn Count Julian. Mới đây, tôi đã biên tập lại cuốn Juan The Landless, cắt đi gần 100 trang. Quá trình đọc lại rất thú vị.

Tôi cho rằng tác phẩm văn học cần phải được đọc lại, chính vì lẽ đó mà tôi luôn theo dõi số lượng người đọc lại hơn là lượng độc giả đang đọc một tác phẩm nào đó. Hè nào tôi cũng đọc lại sách của 2-3 tác giả như Diderot, Flaubert, Tolstoy...

Tâm trạng của bạn khi đọc lại một tác phẩm ở tuổi 80 khác hẳn với lúc bạn 30 tuổi. Tôi từng thích chủ nghĩa vô chính phủ (Nga) và những đam mê trong tác phẩm của Dostoevsky hơn là của Tolstoy. Tuy nhiên giờ đây tôi nhận thấy Tolstoy là nghệ sĩ lớn hơn.

* Ông sẽ chọn tác phẩm nào để đọc lại trong thời gian tới?

- Tôi thường đi quanh thư viện của mình và chọn một tác phẩm nào đó. Năm 30 tuổi, khi lần đầu đọc cuốn Life Of Guzman D’Alfarache của Mateo Aleman, tôi chẳng hiểu gì cả, coi đây chỉ là một tiểu luận về Công giáo.

Song giờ tôi nhận thấy, tác phẩm này bàn đến thuyết bất khả tri và thể hiện chủ nghĩa hư vô ở mức khác thường. Thời gian tới, có lẽ tôi sẽ đọc lại tiểu thuyết Ulysses của James Joyce.

* Ông có đọc sách của các nhà văn đương đại không?

- Tôi thường nhận được các bưu kiện có chứa tiểu thuyết đầu tay hoặc thứ hai của các tác giả trẻ, nhưng hiếm khi có thời gian để đọc. Tôi từng đọc liền một mạch 10 tiếng, nhưng giờ sau 4 tiếng đọc thì mỏi mắt. Tôi không thích lãng phí khoảng thời gian còn lại của mình, song hiện tôi có quan tâm tới một số cây bút trẻ.

* Các tác phẩm của ông... liên tục tái tạo lại khung cảnh của Tây Ban Nha và Barcelona trong những năm 1930-1940. Có phải đây là một dạng ám ảnh của ông với thời kỳ đó?

- Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha đã phủ bóng đen tăm tối và cái chết của mẹ tôi (trong cuộc chiến) là một cú sốc lớn. Sau này, tôi căm ghét chính quyền độc tài của Tướng James Franco.

Từ năm 18 tuổi, tôi nhận thấy Tây Ban Nha không phải là đất nước của mình. Tôi đã bị mất niềm tin, ám ảnh với ý nghĩ trốn thoát và chỉ đọc những cuốn sách cấm mà tôi tìm thấy trên giá sách của mẹ hoặc trong các căn phòng kín đáo ở nhiều cửa hàng sách.

Trước đây tôi có viết rằng không có trải nghiệm nào thú vị hơn là đọc một cuốn sách cấm…

* Ông có tin rằng văn học được tạo nên từ bên lề luôn hay hơn các tác phẩm được viết theo trào lưu chung?

- Tôi thấy rằng việc quan sát từ bên lề luôn thú vị hơn từ trung tâm. Tôi học được điều này từ những người cải đạo Công giáo ở Tây Ban Nha, từ những người Do Thái có quan điểm phê phán xã hội vì họ bị cách ly ra khỏi nhịp điệu xã hội.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm