Bảo tàng tư nhân Louis Vuitton: Một kỳ quan bằng kính và thép

23/10/2014 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại của Quỹ Louis Vuitton, một công trình kiến trúc bằng kính tuyệt đẹp, đã vừa được Tổng thống Pháp Francois Hollande chính thức khai trương hôm 20/10.

1. Đối với nhiều thế hệ người Pháp, công viên giải trí Jardin d’Acclimatation ở Paris đã luôn là điểm đến có sức hút lớn với họ, một nơi vừa hoài cổ, vừa có nét mới mẻ. Điểm vui chơi này được Napoleon III và hoàng hậu Eugenie khánh thành vào năm 1860. Giờ đây, công viên lại có thêm Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Louis Vuitton, một công trình hết sức táo bạo và giàu tính tưởng tượng.

Bảo tàng là ý tưởng của ông Bernard Arnault, người giàu nhất nước Pháp đồng thời là Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập của tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH Moet Hennessy–Louis Vuitton. Ý tưởng về sau đã được kiến trúc sư Frank Gehry biến thành hiện thực.


Kiến trúc sư Frank Gehry, người đã giúp tạo ra bảo tàng Louis Vuitton tuyệt đẹp

Hoạt động xây dựng bảo tàng mất đúng 13 năm chuẩn bị và thực hiện. Công trình có sự tham gia của 100 kỹ sư do Gehry tuyển dụng và 3.000 lao động. Báo chí Pháp cho biết dự tính chi phí ban đầu của công trình là 100 triệu euro (127,5 triệu USD), nhưng cuối cùng vốn thực chi đã bị đội lên rất nhiều.

2. Dự án xây bảo tàng bắt đầu được hình thành vào năm 2001, khi ông Arnault gặp kiến trúc sư Gehry và đề nghị xây dựng một công trình giúp phô trương bộ sưu tập nghệ thuật của LVMH. Ông Arnault còn yêu cầu công trình phải có tầm vóc, phản ánh được sự quan tâm của LVMH tới nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

3 năm sau, các bản thiết kế sơ bộ bảo tàng đã xuất hiện. Thêm một năm nữa trôi qua và Gehry đã cho Arnault xem bản vẽ chi tiết cùng mô hình công trình. “Tôi biết Gehry là người phù hợp nhất để tạo nên một tòa nhà thể hiện được sự tận tâm với nghệ thuật của chúng tôi” – ông Arnault nói.


Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại của Quỹ Louis Vuitton

Bảo tàng có vẻ bề ngoài giống như một con tàu đang lênh đênh trên sóng nước. "Con tàu" này được "thả neo" với những thanh rầm thép và gỗ đã khiến người ta nhớ tới các tác phẩm nghệ thuật của Belle Epoque. Nét chấm phá chủ đạo của công trình là 12 cánh buồm kính gợn sóng, bao phủ một diện tích rộng 13.500 m2, quây xung quanh tòa nhà chính. Các tấm kính sử dụng trên các "cánh buồm" được tôi trong những chiếc lò đặt biệt ở Italy, sẽ phản chiếu ánh sáng rất khác so với bình thường.

Đứng trong bảo tàng, người ta vẫn có thể quan sát được khung cảnh trong công viên Jardin d'Acclimatation, tháp Eiffel và trung tâm thương mại La Defense.

3. Được biết bên cạnh những thách thức về kỹ thuật, dự án đã phải đối diện với nhiều lời phản đối, cho rằng công trình có quá ít không gian xanh. “Chỉ một vài người mới có đủ khả năng xây dựng những công trình táo bạo, nhưng họ luôn bị hiểu lầm. Chỉ khi dự án của họ được hoàn tất, người ta mới vội vã thốt lên những câu tỏ vẻ thán phục, như "Chúa ơi, thật lộng lẫy!”" – Gehry nói với tạp chí Paris Match.

Dự án đầy hoài bão của Arnault đã tạo được tiếng vang khắp thế giới. Tuy nhiên công trình này lại bị xem là sự “khiêu khích” với đối thủ của ông là Francois Pinault, người sáng lập PPR, doanh nghiệp bán hàng xa xỉ giờ đã sát nhập với tập đoàn Kering. Trước đó ông Pinault rất mong muốn xây một công trình đẹp đẽ, có giá trị cho Paris.

Cũng là một nhà sưu tầm nghệ thuật đương đại vô cùng năng động, Pinault từng có kế hoạch xây dựng một bảo tàng của riêng ông tại khu đất cũ của công ty sản xuất ô tô Renault ở vùng Boulogne Billancourt gần đó. Song dự án này đã không trở thành hiện thực do nhiều lần trì hoãn và bởi bộ máy hành chính quan liêu của Pháp. Cuối cùng, Pinault phải tìm tới Venice để thực hiện ước mơ và Bảo tàng Grassi hiện đang lưu giữ bộ sưu tập của ông.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm