Vi Thùy Linh: "Tháng tư link" là "đêm tình" của tôi

03/04/2011 14:24 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Hơn 5 năm sau đêm thơ Hành trình tình yêu tại Trung tâm Văn hóa Pháp (21/1/2005) ra mắt tập thơ Đồng Tử, 19h tối nay 3/4, tại Nhà văn hóa Học sinh Sinh viên Hà Nội (37 Trần Bình Trọng, đảo hồ Thiền Quang), nhà thơ Vi Thùy Linh sẽ tổ chức chương trình Tháng Tư Link. Một dấu mốc cho chặng đường 15 năm thơ nhân sinh nhật chị.

Trước lúc mở màn, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Vi Thùy Linh:

SINH NHẬT CHO CHÍNH MÌNH

* Lý do gì để Linh quyết định “tái diễn” chương trình thơ Phim đôi - Tình tự chậm? Nó có gì độc đáo so với hai lần trước ở 36 Điện Biên Phủ và ở sân thơ Hiện đại Rằm tháng Giêng?


Nhà thơ Vi Thùy Linh và ĐD Đào Trọng Khánh tại nhà ông ở Hải Phòng, 26/3/2011.
Ảnh: Lê Quân

- Với tôi, thơ là một tình yêu lớn. Tôi không tiếc gì cho tình yêu. Không phải là tái diễn Phim đôi - Tình tự chậm mà là đêm nghệ thuật tổng hợp... Ngày 4/4 là sinh nhật tôi và tôi làm đêm thơ vào 3/4 (Chủ nhật) để mọi người có nhiều thời gian đến dự (vào cửa tự do).

Chủ nhân sinh nhật thường được nhận quà. Món quà của tôi là sự nhận lời hào hứng (không thù lao) của nhiều tên tuổi, họ ủng hộ ý tưởng: muốn có một đêm đáng nhớ, kỷ niệm liên tài. Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh, HS Nguyễn Thị Hiền, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, HS Lê Thiết Cương, nghệ sĩ kịch câm Đào Kế Đoàn, nhà thiết kế La Hằng, MC Thảo Vân, NSƯT Sao Mai, Minh Châu... cùng hội tụ. Và tôi nhận món quà của họ - cùng thưởng thức với các khán giả của mình. Nói cách khác, tôi muốn có một dấu ấn sau gần 6 năm để kỷ niệm với tuổi trẻ, trước khi chính thức bước sang trung niên.

* Vì sao lần này chị lại mời Đào Kế Đoàn mà không phải Đào Anh Khánh, người luôn thu hút sự chú ý cao mỗi khi trình diễn?

- Mỗi lần ra mắt, tôi đều muốn có sự thay đổi. Tôi không cần “dùng” tới Đào Anh Khánh mới có sức hút. Có thể ai đó nghĩ Vi Thùy Linh phải “mượn danh” các nghệ sĩ khác. Không, tôi chủ động mời họ để cùng nhau cống hiến một đêm diễn hấp dẫn của những người sống chết với nghề. Không phải ai muốn cũng có thể “quần anh hội” được đâu.

* Đêm nay, chị sẽ thể hiện một số bài thơ cũ, chỉ khác khâu tổ chức và nghệ sĩ biểu diễn cùng. Vậy, chị có sợ sẽ sa vào cái gọi là “rượu cũ, bình mới”. Liệu người ta đến “xem diễn”hơn là vì thơ?

- Cảm nhận của việc tự đọc và nghe chính tác giả trình bày khác nhau. Những tác phẩm cả trăm năm vẫn được nghe, đọc, không bao giờ cũ khi nó hay. Nghe lại những bài thơ gây dấu ấn là nhu cầu của nhiều người. Sân khấu được HS Lê Thiết Cương thiết kế độc đáo và đẹp, quy mô và công phu trong đầu tư, sẽ gây nhiều xúc cảm quyến rũ.

Tôi nhớ câu của HS tối giản này: “Đi tận cùng mình sẽ gặp mọi người”. Cật lực vì thơ, thành thực khi cất tiếng, tôi tin vẻ đẹp và niềm xúc động sẽ cộng hưởng thành dư âm với 500 khán giả đêm nay.

* Danh sách những người thực hiện Tháng Tư Link, cho thấy Linh rất có tài trong việc “lôi kéo người nổi tiếng” của nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia. Vì quan hệ cá nhân với Linh hay vì họ “cảm” được sức sống để hòa cùng Vi Thùy Linh trong cuộc “tung hứng” đặc biệt này?

- Người nghệ sĩ có tài, luôn có cái tôi rất lớn, đầy kiêu hãnh... Có thể sự nỗ lực của tôi cho thơ đã khiến lời mời của tôi không ai có thể chối từ. Bởi lẽ, tôi đã sống với họ nhiệt thành và chân tình, luôn biết ghi nhận và tôn vinh người khác. Có lẽ do quy luật cuộc sống “có đi có lại mới toại lòng nhau”, mình sống tốt thì mọi người cũng sẽ đáp lại mình. Sự có mặt NSND Đào Trọng Khánh (bệnh huyết áp cao, đang nghỉ hưu ở Hải Phòng) là điểm nhấn hiếm biệt, vì không dễ để mời được ông. Đào Trọng Khánh là bạn thân của Lưu Quang Vũ, ông là người nói chuyện cực hay, là nhà làm phim tài liệu hàng đầu tại VN, nhưng ít ai biết thơ ông đã hay và mới từ 40 năm trước. Lần này với đề nghị của tôi, khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức thơ tình của ông. Nếu không có cái “cớ” này, thì rất hiếm khi tôi và khán giả được gặp cùng lúc nhiều người như thế.

ĐÊM THƠ "GIÃ TỪ TỰ DO" CỦA TÔI

* Với Vi Thùy Linh, quá trình “sinh” ra những “đứa con tinh thần” quan trọng hơn hay “phô” nó ra trước “thiên hạ” bằng cách này hay cách khác quan trọng hơn?

- Mỗi khi cho ra đời một tập thơ, tôi đều sút 3 kg bởi phải làm quá nhiều việc từ việc sáng tác đến biên tập, xây dựng cấu trúc, chọn lựa tác phẩm, xin tài trợ chứ không phải là dồn các bài thơ để làm thành tập. Phim đôi - Tình tự chậm giá 300 ngàn/cuốn. Tôi đề giá để bán. Từ 2005, tôi đã bán thơ với chủ trương xã hội hóa, sau là lôi kéo các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chỉ chú ý đến bóng đá và ca nhạc, điều đó là bất công đối với các loại hình nghệ thuật sáng tạo khác. Tôi cũng chưa thấy ở đâu, lao động nặng đặc thù như việc sáng tác văn chương - thi ca bị đối xử thiếu trân trọng và trả nhuận bút bèo bọt như ở VN. Việc xã hội hóa đối với tôi cũng chưa được nhiều, có những nơi chỉ cho 5 - 10 triệu, nhưng tôi đã nỗ lực để có 200 triệu in cuốn sách. Mặt khác, điều đó còn khích lệ, các nhà thơ, đừng trông chờ sự trợ giúp của Nhà nước, cần năng động hơn, cần biết tự quý chất xám, bản quyền và bỏ thói quen biếu, tặng. Để cho mọi người biết đến, tìm đọc, muốn gọi được tài trợ thì phải tạo thương hiệu bằng dấu ấn riêng  của những tác phẩm chất lượng.

* Lần trình diễn thơ cùng Đào Anh Khánh ở 36 Điện Biên Phủ, Linh có nói sau Phim đôi... sẽ lấy chồng, chuyển sang viết văn xuôi và làm thơ... thiếu nhi. Khi nào Linh lấy chồng? Lúc nào ra mắt tập thiếu nhi? Có tin nói chị làm Tháng Tư Link để từ biệt thơ?

- Cuộc sống của tôi là liên kết kế hoạch và áp lực. Nhưng áp lực hạnh phúc nhất là khi trình làng thành quả trước công chúng. Khi lấy chồng và sinh con, tôi sẽ không có nhiều thời gian để đầu tư cho những đêm thơ nữa. Đêm thơ tối nay là đêm thơ giã từ tự do, tôi rất cảm động và hồi hộp. Nghĩ lại chặng đường mà mình đã đi, thật nhọc nhằn. Tôi nhận thấy rằng, tất cả đều có giá. Tóc tôi bạc từ khi 26 tuổi, da ít khi mịn vì thức đêm triền miên. Tôi quyết định ngừng xuất bản thơ trong 5 năm tới để viết văn xuôi và sẽ gặp lại khán giả trong những “đêm văn xuôi”, tổ chức rất “Tây”. Hè này, tôi sẽ cho ra mắt tập thơ thiếu nhi Chu du cùng ông nội (tập hợp các bài viết cho con và trẻ em ở 5 tập thơ đã in, NXB Kim Đồng ấn hành), minh họa của HS Nguyễn Thị Hiền. Đầu năm 2012 kết hôn, sẽ xuất bản tập tùy bút.

Tôi không từ bỏ thơ ca, bởi từng ngày, tôi đã “sống thơ”, sống kỹ từng chi tiết trong tốc độ hối hả của một người sợ thời gian. Đêm thơ là đêm tình của tôi, những giờ khắc êm đềm nồng nhiệt tôi hằng chắt chiu từng ngày tha thiết dành tặng mọi người.

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm