Đi để cảm nhận “Sức sống Trường Sa”

23/06/2011 10:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 16/6, tại Hà Nội, khi Hội Nhà báo Việt Nam công bố Giải báo chí Quốc gia, bộ ảnh Sức sống Trường Sa của nữ phóng viên Phương Hoa đoạt giải B (không có giải A) thể loại ảnh báo chí, cũng là lúc cô phóng viên nhỏ bé đang trên tàu HQ 996 ra đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhận được điện từ đất liền, trên tàu chỉ có những người lính hải quân, trong đó có cả Thượng tá Ngô Duy Đỗ, nhân vật trong bộ ảnh của cô, thân nhân những người lính đảo ôm lấy cô chúc mừng. Bao nhiêu cảm xúc của chuyến đi Trường Sa thực hiện bộ ảnh lại ùa về trong cô, nguyên vẹn và tươi mới.

1. Phương Hoa thực hiện bộ ảnh Sức sống Trường Sa trong chuyến đi công tác cùng lữ đoàn 146, hải quân vùng 4. Chuyến đi thay quân đồng thời tặng quà Tết cho chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa vào tháng 1/2010 khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Tàu rời Cam Ranh ngày mồng 5 tháng Chạp, chuyến đi kéo dài 22 ngày, ngày 28 Tết, Hoa mới trở về đất liền kịp ăn Tết.

Lần đầu ra Trường Sa, cô phóng viên trẻ rất háo hức. Chuyến tàu làm nhiệm vụ thay quân của Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 duy nhất có 1 phóng viên nữ.

Khi đăng ký ra đảo, Hoa mới biết, vì thời tiết xấu mùa này biển động nhiều, nên Bộ Tư lệnh Hải quân đã ra chỉ thị chỉ có phóng viên nam mới được tham gia hành trình. Hoa vì vậy được sắp xếp đi các đảo gần bờ. Vậy mà Hoa đã xin bằng được Ban Chỉ huy vùng 4 Hải quân “cho em một lần được đến Trường Sa” với cam kết “đủ sức khỏe để chịu sóng gió ”.

Thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 chụp ảnh chia vui cùng phóng viên Phương Hoa trên tàu ra đảo An Bang khi hay tin cô đoạt giải báo chí

Sau rất nhiều công văn đi, công văn lại từ Lữ đoàn 146 về Bộ Tư lệnh Hải quân, cuối cùng với sự quyết tâm, nhiệt tình Hoa cũng được cấp trên cho phép đi Trường Sa trên tàu HQ436. Một quyết định mà Thượng tá Ngô Duy Đỗ nói với cô rằng: “rất khó khăn và phải cân nhắc mãi”. Khi tàu rời quân cảng, biển đang có áp thấp.

Dù đã xác định tinh thần, nhưng khi lên tàu, Hoa mới thấy say sóng mới đáng sợ thế nào. Cô nôn thốc nôn tháo và không thể ăn uống được gì vì ăn vào lại nôn ra. Tàu lắc dữ dội, khi sóng to nó cứ lật nghiêng bên này, bên kia. Các buồng trên tàu nhường cho phóng viên, ở ngoài boong tàu những người lính vẫn điềm nhiên, sóng mạnh hắt lên cả mạn tàu, những người lính ngủ đêm ngoài boong tàu ướt hết.

Trên tàu, các chiến sĩ trong đợt thay quân hết lòng lo cho cô phóng viên trẻ, thức ăn kiểu lương khô họ đều chọn những thứ ngon nhất cho cô ăn. Người mang cháo ăn liền đậu xanh, rồi vào dỗ dành ăn bằng được, người lấy dầu, người giã nước gừng cho cô uống. Sự quan tâm của người lính giản dị từ đáy lòng.

Chuyến đi 22 ngày. Sau 3 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển, tàu đến đảo Song Tử Tây, ở đảo này, bãi san hô dốc, đang áp thấp nên sóng rất nguy hiểm. Tàu cứ neo ở đấy mà người không được đặt chân lên đảo. 5 ngày liền, người trong đảo nhìn ra, ngoài tàu nhìn vào, anh em muốn lên lắm nhưng sóng lớn nên chỉ huy chưa cho phép. Bao nhiêu háo hức ra đảo bị dồn nén, thời gian trên tàu rất dài một ngày ví như cả tháng trên đất liền. Mỗi ngày cứ lúc nào sóng êm, ban chỉ huy lại có lệnh thả xuồng bán tải từ tàu xuống nước, thử đi thử lại như thế cho đến ngày thứ 9 trên biển, sóng bớt gay gắt một chút, mọi người mới được “tăng bo” lên đảo. Hoa là nữ phóng viên duy nhất, nên được ưu tiên hơn.

2. Khi Hoa đặt chân lên đến đảo, cảm giác khác hẳn. Trời nắng, khí hậu trong lành, sự mệt nhọc tan đi rất nhanh. Cảm giác trước kia hình dung đảo khô cằn chỉ toàn cát, đá sỏi thôi, thì nay điều đầu tiên đập vào mắt cô trên Song Tử Tây là hàng cây xanh, cây phong ba, bão táp, cây bàng vuông. Vào sâu một chút nữa là đàn bò rất đông đúc, rồi những ngôi nhà của người dân ngăn nắp, sạch sẽ, có trẻ em, có ngôi chùa lớn, những vườn rau xanh. Đảo không khác so với đất liền là mấy. Cô có cái nhìn khác hẳn về quần đảo Trường Sa. Và bộ ảnh đã thực hiện trên 11 điểm đảo, cả đảo chìm, đảo nổi.

Đồng chí Ngô Duy Đỗ (khi đang là đảo trưởng kiêm Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây) vui mừng đón cháu Hồ Song Tất Minh, công dân đầu tiên được sinh trên đảo.

Những đảo chìm, xung quanh chỉ có bãi san hô, người lính tận dụng mọi ô, mọi khoảnh để có thể trồng rau. Họ nâng niu từng hạt nước, từng nhúm đất quê hương, tắm xong thì trút nước vào cái hố để tưới rau.

Hoa xin đoàn công tác cho ở lại một đêm ở đảo chìm Đá Thị. Khi thủy triều xuống, cả bãi san hô nổi lên, rộng lớn và tươi đẹp nhưng bình thường, đảo chìm chỉ là một điểm nhỏ nhoi trên biển. Nhìn từ điểm đảo chìm, cô mới cảm thấy hết sự dũng cảm của những người lính ở đây, từ một điểm chốt nhỏ, họ canh giữ từng tấc biển khơi cho quê hương.

Có một kỷ niệm mà cô ân hận mãi, khi ra đảo Đá Thị, sau nhiều ngày không có rau xanh để ăn, buổi trưa, lúc ăn cơm cô chỉ buột miệng nói: “Ôi, thèm rau quá!”. Đến buổi tối, mâm cơm có 2 đĩa rau xanh rất to, ai cũng hả hể ăn. Sáng hôm sau, mình Hoa tỉnh dậy, nhìn ra vườn rau thanh niên, những ô nhỏ trồng rau đã biến mất. Lúc ấy cô tự trách mình, bởi biết phần rau mình ăn là phần rau của những người lính trong những ngày tới.

3. Bộ ảnh được chắt lọc từ khoảng trên một ngàn bức ảnh tạo nên một cái nhìn tổng quan nhất về cuộc sống của người lính đảo trên quần đảo Trường Sa. Họ có cảm xúc lúc vui, lúc buồn, lúc hứng khởi khi thực hiện nhiệm vụ, và sự mạnh mẽ trong tập luyện sẵn sàng chiến đấu.

Bức ảnh mà cô ấn tượng nhất là ảnh thượng tá Ngô Duy Đỗ, đảo trưởng đảo Song Tử Tây bế cháu Hồ Song Tất Minh, cháu bé được sinh ra đầu tiên trên đảo.

Trong chuyến đi ra đảo tháng 6 này, Hoa gặp lại anh Đỗ khi anh là Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146. Anh rất bất ngờ khi gặp lại cô phóng viên dáng người bé nhỏ. Anh nói: “Cuộc đời đi biển hiếm khi người ta gặp lại ai 2 lần”. Anh chính là người đầu tiên chúc mừng cô khi hay tin cô đoạt giải báo chí trên chuyến tàu ra đảo An Bang.

Hoa tâm sự: “Điều mình mơ ước nhất là tìm ra một cách nào đấy để người lính Trường Sa có thể trồng rau xanh được dễ dàng, nó sẽ làm cho cuộc sống người lính đỡ vất vả hơn. Một đảo mấy chục người chỉ có 1 nắm rau, thái nhỏ ra để nấu một nồi canh gọi là canh toàn quốc để cho có vị rau thôi”.

Giữa cái nắng Trường Sa chói chang, hình ảnh cô gái tóc ngắn và chiếc ba lô máy ảnh trên vai sải bước chân theo đoàn thân nhân chiến sĩ ra thăm đảo, len vào từng góc đảo chụp ảnh khiến nhiều chiến sĩ vô cùng cảm động. Ít ai biết rằng, bộ máy ảnh nặng hơn 10kg Hoa đeo trên lưng miệt mài. Vai và lưng đau ê ẩm sau những lần ghi hình, Hoa đã từng nằm thiếp đi vì mệt ngay trên chiếc ghế tại đảo Trường Sa lớn, giọt mồ hôi còn đọng lại trên gò má thiếu nữ, nhìn sao mà đáng yêu đến thế.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm