Làn sóng Hàn Quốc: Chuyển hướng xuất khẩu chương trình TV

06/05/2013 07:39 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - Làn sóng Hàn Quốc (hallyu) đã lan tỏa khắp thế giới với những sản phẩm đặc trưng của xứ kim chi, ban đầu là với loạt phim truyền hình, tiếp đó đến ẩm thực và K-pop. Hiện nay, các format chương trình truyền hình đang nổi lên là một sản phẩm xuất khẩu mới của hallyu và ngày càng có nhiều thị trường muốn đưa về nước mình các chương trình truyền hình nổi tiếng Hàn Quốc.

Một hình ảnh trong cuộc thi I Am a Singer - chương trình TV ăn khách của Hàn Quốc và cũng rất thành công với phiên bản tiếng Hoa.

Chẳng hạn, chương trình I Am a Singer của kênh truyền hình MBC hiện đang ăn khách ở Trung Quốc. Chương trình này là cuộc thi ca hát của 7 thí sinh là các ca sĩ tài năng và cựu trào, nhằm tìm ra ai là “ca sĩ hát hay nhất”.  

I Am a Singer bắt đầu được phát sóng trên kênh MBC từ đầu năm 2011 và nó đã gây được sự quan tâm của Đài Truyền hình Hồ Nam, một trong những kênh truyền hình vệ tinh có tỷ lệ khán giả cao nhất Trung Quốc.

Sau một loạt cuộc thương thảo, phiên bản tiếng Hoa của chương trình có tên là Wo Shi Geshou đã bắt đầu được phát sóng vào ngày 18/1 năm nay. Ban đầu, chương trình thu hút được 1% tỷ lệ khán giả, nhưng đến tập cuối cùng - tập thứ 16 - tỷ lệ khán giả theo dõi chương trình đã lên gần 4%.

“Ở đất nước đông dân nhất thế giới và có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đài truyền hình, việc một chương trình truyền hình chiếm được 1% tỷ lệ khán giả được coi là một thành công thực sự. Lên được tới 4% được xem như là thành công lớn” - Kim Sung Woo, phụ trách kinh doanh và quan hệ quốc tế của kênh MBC, cho biết.

Công chúng hải ngoại gần gũi với văn hóa Hàn

 Kể từ khi đài KBS bắt đầu xuất khẩu format chương trình Golden Bell từ năm 2003 đến nay, đã có gần 20 format chương trình của Hàn Quốc được bán ra các thị trường hải ngoại. Golden Bell có phiên bản tiếng Việt mang tên Rung chuông Vàng, được phát sóng trên kênh VTV3. 

Theo các chuyên gia, các format chương trình truyền hình Hàn Quốc đang được quan tâm và trở thành một thế lực mới của hallyu. “Ban đầu, công chúng hải ngoại chỉ để ý đến các ngôi sao, tuy nhiên nhanh chóng sau đó họ cùng cười và cảm thấy gần gũi với chương trình” -  Song In Jung, một quan chức tại Hãng Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, cho biết.

 Các chương trình Beauties in a Chatterbox, Vitamin của kênh KBS, Super Star K của tvN, We Got Married của MBC cùng nhiều chương trình khác đã gặt hái thành công thương mại và nhận được nhiều lời ca ngợi, qua đó cho thấy ngày càng có nhiều người để mắt tới nền công nghiệp còn khá xa lạ nhưng cạnh tranh lành mạnh ở Hàn Quốc.

Sau khi bán phiên bản chương trình We Got Married cho Thổ Nhĩ Kỳ, kênh MBC đã sản xuất phiên bản quốc tế riêng có sự tham gia của các ngôi sao Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

“Giờ đây nhiều người hải ngoại có thể đồng cảm với văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là người châu Á. Các giá trị gia đình, tầm quan trọng của tình yêu và tình bạn cũng là những nhân tố khiến khán giả gắn bó với chương trình” - Song In Jung cho biết.

Với tinh thần đó, kênh MBC đang thương thảo với nhiều đài truyền hình Trung Quốc để xuất khẩu chương trình Appa, Eodiga? (Cha, chúng ta đi đâu?). Trong khi đó, chương trình Eungdaphara 1997 (Hãy trả lời tôi, 1997) của kênh  tvN đã lọt vào Top 5 chương trình quốc tế ăn khách và sắp được Entertainment Weekly dàn dựng lại ở Mỹ.

Rũ bỏ cáo buộc “ăn theo” văn hóa Mỹ, Nhật

Chính phủ Hàn Quốc cũng rất quan tâm tới việc xuất khẩu các chương trình truyền hình. Năm 2012, Chính phủ đã xúc tiến một loạt kế hoạch nhằm thúc đẩy thị trường format nội dung với mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ thành một ngành kinh doanh 100 tỷ won (91 triệu USD).

Thực tế cho thấy, việc phát triển và xuất khẩu các format chương trình đang mang lại những khoản lợi nhuận lớn. Chẳng hạn chương trình Strictly Come Dancing của kênh BBC đã bán cho hơn 30 nước và mỗi năm thu về được 168 tỷ won (152 triệu USD) lợi nhuận. “Các nhà đài có được cơ hội kinh doanh lớn, thu được lợi nhuận đều đặn khi bán được các format chương trình” - Cho Hong Rae, người phát ngôn của CJ, công ty mẹ của kênh truyền hình tvN, nhận định.

Được biết, kênh MBC đang tiếp tục sản xuất mùa thứ 2 và mùa thứ 3 của I Am a Singer nhờ vào sự thành công ở mức hiện tượng của chương trình.

 Ý nghĩa hơn nữa là Hàn Quốc đang rũ bỏ được hình ảnh là nơi “bắt chước mù quáng” nội dung văn hóa của Mỹ và Nhật Bản. Trong những năm 1990, các đài truyền hình xứ kim chi bị cáo buộc “đạo” các format chương trình Nhật Bản, được xem là tiên tiến hơn các chương trình của Hàn Quốc.

“Hàn Quốc vẫn nhập khẩu rất nhiều format chương trình. Những chương trình nổi tiếng như 1 vs. 100, Dancing with The Stars, Korea's Next Top Model cùng nhiều chương trình khác có nguồn gốc từ hải ngoại. Tuy nhiên, qua trải nghiệm và “bí quyết sản xuất” đã tích lũy được, giờ đây chúng tôi đang phát triển các ý tưởng độc đáo để thu hút công chúng hải ngoại” - Song In Jung cho biết.

VIỆT LÂM (theo Korea Times)
Thể thao & Văn hóa
     


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm