Có một "Làn sóng Hàn Quốc" về nhạc kịch

20/09/2012 13:00 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Với đà ăn khách như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng các vở nhạc kịch Hàn Quốc sẽ tạo nên một làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) kế tiếp, sau sự bùng nổ của làn sóng truyền hình và K-pop ở thị trường hải ngoại.

Vở nhạc kịch phiên bản tiếng Hàn Jack the Ripper - với vai chính do Sung Min, thành viên của nhóm Super Junior, đảm nhiệm - đã có buổi công diễn hết sức thành công tại Nhà hát Aoyama ở Tokyo, vào đêm 16/9. Mặc dù giá vé cao, từ 9.500-16.000 yen/vé (120-200 USD), song đã bán hết vèo và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khoảng 1.200 khán giả.

Vở nhạc kịch kể về một kẻ giết người hàng loạt có bối cảnh ở London năm 1888, có nguồn gốc từ Cộng hòa Czech, song người Nhật lại muốn thưởng thức phiên bản tiếng Hàn. Phiên bản tiếng Hàn có các nhân vật và cách dàn dựng vũ đạo mới và nhờ vậy càng làm tăng sức hấp dẫn cho màn diễn.

Hấp dẫn nhờ các ngôi sao Hallyu

Các ngôi sao Hallyu như Ahn Jae Wook và Sung Min đã thu hút được hơn 40.000 khán giả nước ngoài đến với vở nhạc kịch này sau khi Jack the Ripper ra mắt khán giả từ năm 2009.

Thành công của vở diễn này là kết quả từ những nỗ lực không ngừng của các nhà sản xuất và diễn viên Hàn Quốc khi họ cố gắng “mở đường” cho nhạc kịch tiến ra thị trường hải ngoại.

Vở nhạc kịch Jack the Ripper phiên bản tiếng Hàn đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả Tokyo đêm 16/9. 

Ngày càng nhiều khán giả nước ngoài tới các nhà hát Hàn Quốc. Theo hệ thống bán vé Interpark, năm ngoái lượng vé bán ra thông qua website toàn cầu của hệ thống này đạt 3,5 tỷ won, chiếm khoảng 0,7% của tổng lượng vé bán ra hằng năm là 500 tỷ won. Năm nay, công ty này đang hy vọng sẽ nâng được tỷ lệ lên 1% nhờ vào các vở nhạc kịch nổi tiếng như Elisabeth Catch Me If You Can, có sự thủ diễn chính của các ngôi sao Hallyu.

Nhiều người hâm mộ Nhật Bản bắt đầu xem nhạc kịch Hàn Quốc vì muốn nhìn thấy các ngôi sao của xứ kim chi. Thậm chí, nhiều người thường xuyên sang tận Hàn Quốc để xem các màn diễn địa phương.

Yuko Sugiyama là một fan “cuồng” của nhạc kịch Hàn Quốc. Cô tới xứ Hàn lần đầu tiên hồi năm 2008 để thưởng thức vở Xanadu do Hee Chul và Kang In, thành viên của nhóm Super Junior, thủ vai chính. “Tôi tới Hàn Quốc để xem 2 ngôi sao này diễn nhạc kịch, song từ đó đến nay tôi đã quan tâm tới nhiều diễn viên nhạc kịch Hàn Quốc khác và tháng nào cũng tới xứ kim chi một lần”.

Ngoài khả năng hát nổi bật của các diễn viên nhạc kịch Hàn Quốc, Sugiyama còn thích tính năng động của nền công nghiệp nhạc kịch ở xứ này.

“Tôi nhận thấy ở Nhật Bản chỉ có diễn viên nổi tiếng mới được giao các vai diễn chính, do vậy các gương mặt mới rất khó nổi. Khung cảnh nhạc kịch Hàn Quốc sôi nổi hơn và thật thú vị khi chứng kiến một diễn viên ra mắt làng nhạc kịch với một vở diễn nhỏ, nhưng sau đó đảm nhiệm vai chính trong các vở lớn, như Hong Kwang Ho và Jeon Seong Woo”.

Sẽ xuất khẩu nhạc kịch mà không cần "dựa hơi" K-pop

Theo Cục Quản lý Nghệ thuật Hàn Quốc (KAMS), năm 2012 mới chỉ là thời điểm bắt đầu cho các vở nhạc kịch Hàn Quốc tiến ra thị trường hải ngoại một cách độc lập. Đầu năm nay, vở nhạc kịch nội địa Laundry và vở nhạc kịch phiên bản tiếng Hàn Thrill Me đã có mặt trên sân khấu Nhật Bản.

Trong khi đó, Thrill Me – một sản phẩm của sân khấu Broadway – đã gặt hái thành công ở Hàn Quốc, song nhà sản xuất Nhật Bản lại muốn đưa phiên bản tiếng Hàn sang xứ hoa anh đào chứ không phải là bản gốc.

KAMS nhận thấy đây là dấu hiệu tích cực để xuất khẩu các vở nhạc kịch Hàn Quốc mà không cần phải dựa vào K-pop.

Tại Liên hoan Nhạc kịch Seoul hồi tháng 8, người ta đã bàn đến việc làm thế nào để tạo đường ra thị trường hải ngoại cho các vở diễn nội địa.

Ông Lee Hyuk Chan thuộc Seol & Company nói danh tiếng của K-pop có thể là cơ hội cho các vở nhạc kịch bởi các ca sĩ nổi tiếng có thể thu hút được khán giả. Ông Lee Hyuk Chan cho rằng, tạo nên một thị trường mục tiêu phải là ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, bà Yoko Takahara, điều phối viên của các vở nhạc kịch Hàn Quốc cho rằng: “Ở Nhật Bản, vé được bán ra khoảng 6-10 tháng trước khi vở nhạc kịch được công diễn, còn các vở nhạc kịch Hàn Quốc không có đủ thời gian để quảng bá”.

Bà Takahara còn chỉ ra rằng, thông báo về các vở nhạc kịch Hàn Quốc bằng tiếng nước ngoài là chưa đủ. “Hơn 90% khách du lịch Nhật Bản tới Hàn Quốc lấy thông tin từ Internet, tuy nhiên trên mạng lại không có các thông báo tiếng Nhật về các vở nhạc kịch Hàn Quốc”.

Từ nay đến cuối năm sẽ có một số vở nhạc kịch Hàn Quốc tiến tới thị trường Nhật Bản. Chẳng hạn như Run to You, vở nhạc kịch gồm các ca khúc của DJ DOC, sẽ xuất hiện trên sân khấu nhà hát Shochiku-za với sức chứa 1.000 chỗ ngồi ở Osaka, vào ngày 6/10. Vở diễn này có sự tham gia của Geonil và Kwangsoo, thành viên của nhóm nhạc nam Supernova.

Hay Gwanghwamun Younga, vở nhạc kịch gồm các ca khúc của nhà soạn nhạc quá cố Lee Young Hoon, sẽ được trình diễn ở Osaka vào tháng 11 và ở Yokyo vào tháng 1/2013.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm