Ngày Thể thao Việt Nam 27/3: Bảo tồn và phát huy các môn thể thao vùng dân tộc thiểu số

26/03/2015 18:26 GMT+7 | Thể thao

Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn, tỉnh Lạng Sơn luôn duy trì và phát triển các môn thể thao, trò chơi dân gian ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, cùng với những chính sách đầu tư, ưu đãi về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành những chính sách nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách về thể dục thể thao.

Là tỉnh biên giới với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, các môn thể thao và trò chơi dân gian luôn là hoạt động không thể thiếu trong những ngày hội lớn, đặc biệt là đại hội thể thao các huyện biên giới của tỉnh.

Ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Lạng Sơn cho biết: Những chính sách đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ phát triển thể dục thể thao đối với đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện, giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, khối phố và sân tập thể dục thể thao cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, Lạng Sơn đưa mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, khối phố nhằm đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao chính đáng, lành mạnh và phong phú của nhân dân; góp phần thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa - thể thao dân tộc; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, khoảng 85% thôn, khối phố có nhà văn hóa; gần 90% xã, phường, thị trấn có sân tập thể dục thể thao.

Để phát huy tốt các môn thể thao thế mạnh của địa phương, tỉnh Lạng Sơn luôn duy trì việc tổ chức đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh và đại hội thể dục thể thao cho 5 huyện biên giới gồm Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình và Đình Lập.

Trong các môn thi đấu tại đại hội, tỉnh đều đặn tổ chức các giải kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy… Bên cạnh đó, các huyện, thành phố ngoài việc tổ chức ở cơ sở và tham gia giải cấp tỉnh, lực lượng vận động viên có thứ hạng cao luôn được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn để tham gia các giải cấp quốc gia. Đơn cử là ở các đơn vị thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, huyện Hữu Lũng... hàng năm vào các dịp lễ hội đầu xuân, các hội thi, hội thao nhiều bộ môn thể thao dân tộc như: Tung còn, đẩy gậy, bắn nỏ, múa võ cổ truyền... được duy trì biểu diễn nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Một số bộ môn thể thao dân tộc được đưa vào chương trình tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Lạng Sơn; Đại hội thể dục thể thao các cấp hoặc đưa tham gia các ngày hội, hội thi, các giải thi đấu cấp khu vực, vùng, miền.

Ông Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Việc bảo tồn và phát huy các môn thể thao vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lạng Sơn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bên cạnh việc tham gia hoạt động thể thao giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh giao lưu, học hỏi, nâng cao thành tích thi đấu, phát triển sâu rộng phong trào thể dục thể thao trong nhân dân thì quan trọng hơn đó là tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân, tạo tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc của tỉnh biên giới xứ Lạng; đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe, phục vụ công tác lao động sản xuất, xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Với mục tiêu trên, Lạng Sơn đã và đang đề ra những giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy các môn thể thao vùng dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2020 xóa “xã trắng” về thể dục thể thao, đồng thời đưa việc tập luyện thể dục thể thao trở thành thói quen hàng ngày của đa số nhân dân trong tỉnh./.

Thắng Trung/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm