Gặp thủ lĩnh Hội những người con đất Việt tại Hàn Quốc (kỳ 2): Những lời khuyên chân tình

02/10/2014 11:31 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trong thư này, chúng ta lại tiếp tục lắng nghe những chia sẻ của Chủ tịch Hội Nguyễn Tường Vy, những lời giải liên quan đến những rắc rối thường gặp của người Việt khi mới sang xứ sở kim chi lập nghiệp.

Hàng năm, số lượng người Việt Nam sang Hàn Quốc dưới 2 hình thức lấy chồng Hàn Quốc và xuất khẩu lao động tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, đa số đều gặp những khó khăn trong giai đoạn đầu, bởi quá trình chuẩn bị cho nền tảng thành công ở xứ người còn mỏng.

Chị Nguyễn Tường Vy nhắn gửi: “Các anh chị em lao động sắp sang Hàn Quốc cần tranh thủ học tiếng Hàn, đây là yếu tố căn bản nhất để có thể giao tiếp, đặc biệt là tiếp cận với văn hóa, quy định của pháp luật Hàn Quốc; biết được những quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi làm việc tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, khi mới sang Hàn Quốc lao động, mọi người cũng cần tranh thủ tiếp cận và nhận được sự tư vấn chính xác từ các trung tâm hỗ trợ người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc để biết được những quyền lợi của mình cũng như tránh những trường hợp đáng tiếc vì không hiểu biết quy định của pháp luật lao động, quy định tại các doanh nghiệp Hàn Quốc”.

Đối với cô dâu Việt, quả thực đây là câu chuyện dài với bao nhiêu vấn đề cần được quan tâm thấu đáo. Chị Tường Vy tư vấn: “Các chị em sắp sang làm dâu Hàn Quốc cần tranh thủ tối đa thời gian học tiếng Hàn và tìm hiểu về văn hóa, tập tục gia đình Hàn Quốc; đặc thù trong quan hệ gia đình Hàn Quốc, vợ - chồng, mẹ chồng – nàng dâu… Đặc biệt, cần tìm hiểu rõ về người chồng tương lai và gia cảnh nhà chồng để tránh những quyết định vội vàng. Thực tế cho thấy với những chị em lấy chồng với mục đích duy nhất là để có được cơ hội sang Hàn Quốc làm việc, kiếm tiền giúp đỡ gia đình mà bỏ qua việc tìm hiểu cặn kẽ thì thường xảy ra “vỡ mộng”, vì có rất nhiều người đàn ông Hàn Quốc sang Việt Nam tìm vợ đã đứng tuổi, điều kiện kinh tế khó khăn, khó tìm được vợ tại Hàn Quốc, thậm chí có người tàn tật, có bệnh về thần kinh…

Khi các chị em đã qua Hàn Quốc, trước tiên cần thông qua các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng để tìm hiểu rõ các quy định liên quan đến cư trú, điều kiện chuyển đổi loại hình visa, nhập quốc tịch… Đặc biệt, cần tập trung tối đa cho việc học tiếng Hàn, tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc. Khi đã có vốn tiếng Hàn vững thì tìm việc làm để giúp đỡ gia đình cũng chưa muộn và thường thì có thể kiếm được công việc có thu nhập cao hơn”.

Với tâm thế của một người phụ nữ, Tường Vy chia sẻ với các chị em nhà ta: “Người Việt mình có câu: “Gái có công thì chồng không phụ”. Các chị em cô dâu người Việt tại Hàn Quốc đại đa số đều giữ được những nét tính cách của người con gái Việt Nam đảm đang, chịu thương chịu khó khi sinh sống cùng gia đình nhà chồng. Tuy nhiên, cũng không ít chị em chưa làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ. Nhiều người không may gặp phải những hoàn cảnh rất đáng thương mà rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã từng đề cập đến.

Và điều quan trọng nhất, dù bất cứ hoàn cảnh nào, các chị em cũng nên giữ cốt cách, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Làm được thế, chắc chắn những khó khăn sẽ trôi qua”.

Xin chuyển những trải lòng hữu ích của chị Tường Vy đến với những ai đang nuôi mộng lập nghiệp ở xứ kim chi.

Hữu Quý (từ Incheon)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm