Diego Maradona, bóng đá và cuộc đời (Kỳ 4): Mexico 1986 - nước mắt của vinh quang

12/09/2010 19:02 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH CT) - Trước khi Argentina bước vào kỳ World Cup 1978 trên sân nhà và giành chức vô địch, Maradona đã khóc tức tưởi vì bị gạt khỏi đội hình. Tại Tây Ban Nha 1982, Maradona không cầm được nước mắt khi Argentina dừng bước ở vòng bảng thứ hai. Đúng bốn năm sau, trên đất Mexico, những dòng lệ một lần nữa tuôn trào trên gương mặt ông, nhưng lần này là nước mắt của hạnh phúc tột cùng.


Ảnh: Getty

Từ hi vọng đến nỗi đau


Trung tuần tháng 2/1977, buổi tập của câu lạc bộ Argentinos có sự xuất hiện của vị khách đặc biệt, Cesar Luis Menotti, huấn luyện viên đội tuyển Argentina. Điều này hiếm khi xảy ra, và các cầu thủ Argentinos tập luyện trong tâm trạng hồi hộp. Kết thúc buổi tập ấy, Menotti đến nói nhỏ với Maradona về quyết định triệu tập anh, khiến chàng trai trẻ như kẻ sống trên mây.

Ngày 27/2/1977, cuộc đời Maradona có bước ngoặt quan trọng khi anh được Menotti tung vào sân thay Leopoldo Luque cuối trận giao hữu thắng Hungary 3-1 trên sân La Bombonera. Hôm ấy Maradona mới 16 tuổi và vừa đá cho Argentinos 11 trận. Chỉ 11 trận thôi, thật kỳ diệu! Điều này ngay lập tức tạo nên hiệu ứng đặc biệt với dư luận và truyền thông Argentina.

Tất cả cùng kỳ vọng Maradona sẽ là một con bài chiến lược trong tham vọng lần đầu tiên giành Cúp vàng thế giới, ở kỳ World Cup 1978 mà Argentina đăng cai, và bản thân Maradona cũng thế. Tuy nhiên, phút cuối, khi chốt danh sách 22 tuyển thủ gửi lên FIFA, Maradona là một trong ba người bị El Flaco (“Người gầy”, biệt danh của Menotti) gạt ra rìa. Bất chấp những lời an ủi từ gia đình, bạn bè, đồng đội, Maradona vẫn khóc suốt nhiều ngày.

Chiến thắng 3-1 trước đương kim vô địch Liên Xô trong trận chung kết giải U20 thế giới 1979 ở Nhật Bản, cùng việc giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giúp Maradona quên buồn và lạc quan hơn. Anh được xuất ngũ ngay khi vừa nhập ngũ nhờ thành tích này. Chiến thắng lại tiếp nối chiến thắng. Sau đó là bàn đầu tiên cho đội tuyển quốc gia vào lưới Scotland tại Hampden Park ngày 2/6/1979.

Một lần nữa Maradona đặt mục tiêu chinh phục Cúp vàng, khi Argentina đến Tây Ban Nha 1982 với tư cách đương kim vô địch. Không ít người Tây Ban Nha cũng ủng hộ Diego, bởi anh vừa hoàn tất vụ chuyển nhượng đến Barcelona. Thế nhưng, đó là kỳ World Cup mà Argentina chuẩn bị không tốt, nhất là thể lực. Sau khi vượt qua vòng bảng thứ nhất không mấy thuyết phục, Argentina đứng cuối vòng bảng thứ hai. Maradona bị Claudio Gentile vô hiệu hóa bằng việc theo anh như hình với bóng và cả những pha chém chặt đầy bạo lực, Argentina gục ngã trước Italia (1-2), và sau đó thua toàn diện trước Brazil hùng mạnh (1-3). Maradona trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi trở về nước, đến mức anh phải lên tiếng bảo vệ mình.

Mexico 86: Nước mắt của vinh quang

“Tôi muốn đòi nợ. Đòi nợ nỗi đau từ World Cup 1978 và 1982. Tôi muốn đòi nợ từ những người đã chỉ trích chúng tôi bốn năm trước, đòi nợ chính phủ vì đòi giải tán đội tuyển, trong khi báo chí không tin chúng tôi. Họ nợ chúng tôi một lời xin lỗi. Và tôi muốn đòi nợ chiếc Cúp thế giới, nó đã liên tục xa lánh tôi”*, đó là hành trang mà Maradona mang theo đến Mexico.

Cuộc phiêu lưu mới bắt đầu với Argentina và Maradona ngày 2/6/1986, bằng chiến thắng 3-1 trước Hàn Quốc. Đúng ba ngày sau, Maradona đã “trả thù” thành công khi gặp lại Italia, lần này không có Gentile. Altobelli mở tỉ số cho Italia ngay ở phút thứ sáu từ chấm phạt đền, trước khi Maradona ấn định kết quả 1-1. Anh dễ dàng thoát khỏi Gaetano Scirea cao to hơn rất nhiều, và tung cú vô-lê như kẻ chỉ ở góc hẹp đánh bại thủ môn Giovanni Galli. Thắng 2-0 trước Bulgaria ở lượt cuối, Argentina giành ngôi đầu bảng.

Đối thủ mà Maradona và các đồng đội phải gặp ở vòng loại trực tiếp rất khó chịu: Uruguay. Cuộc đối đầu Argentina-Uruguay bao giờ cũng thế, không chỉ là bóng đá mà là cả một trận chiến thực sự giữa hai quốc gia. Nhiều thập niên trôi qua, Argentina luôn thua khi gặp Uruguay trong các trận đấu loại trực tiếp ở World Cup. Nhưng lần này là một ngoại lệ. Argentina chiến thắng nhờ bàn duy nhất của Pedro Pasculli, trong khi Maradona bị từ chối một bàn. Dù vậy, Diego vẫn nể và có thiện cảm với trọng tài người Italia Luigi Agnolin, bởi sự nghiêm khắc và chính xác của ông.

Maradona đã là một người đặc biệt từ trước đó, và anh ghi dấu ấn vĩnh viễn của một tượng đài vĩ đại ngay trong trận tứ kết với Anh. Phút thứ sáu của hiệp hai, Maradona cắt bóng gần giữa sân và phối hợp với Jorge Valdano. Hàng thủ Anh chết đứng sau đường chuyền “độc” của Valdano, buộc thủ môn Peter Shilton phải lao ra. Rất ma mãnh, Maradona bật cao hơn chàng thủ môn hơn mình 20 cm và dùng tay đánh bóng vào lưới. Trọng tài người Tunisia Ali Bin Nasser bị che khuất tầm nhìn đã công nhận bàn thắng.

Khi mà người Anh chưa kịp tỉnh táo sau cú dứt điểm sau này sẽ được gọi là “Bàn tay của Chúa”, thì Maradona khiến gần 120.000 khán giả trên sân Azteca sững sờ, trước khi vỡ òa trong cảm xúc khó tả. Có bóng ở phần sân nhà, Maradona năm lần vượt qua những cầu thủ Anh đeo bám, gồm Peter Beardsley, Peter Reid, Terry Butcher (hai lần) và Terry Fenwick, trước khi qua nốt Shilton và nhẹ nhàng đưa bóng vào lưới. Maradona đã gọi pha mở tỉ số là “la mano de Dios” (bàn tay Chúa), trong khi huấn luyện viên Bobby Robson gọi đó là “bàn tay của kẻ bất lương”. Về kiệt tác thứ hai, cả thế giới xem nó như “bàn thắng của thế kỷ”.

Thêm một cú đúp nữa của Maradona, được thực hiện vào lưới Bỉ, giúp Argentina bước vào chơi trận chung kết với Tây Đức. Trừ Maradona, hầu như mọi vị trí trên sân của Tây Đức đều được đánh giá cao hơn Argentina, và đội bóng ấy còn được dẫn dắt bởi huyền thoại Franz Beckenbauer. Dù vậy, chính Argentina đã dẫn trước hai bàn nhờ công Jose Brown (đá thay Daniel Passarella), với pha đánh đầu từ tình huống đá phạt, và Valdano, từ tình huống tấn công trung lộ rất nhanh. Kịch tính được đẩy lên cao với hai bàn gỡ của Karl-Heinz Rummenigge và Rudi Voller.

Trong suốt hơn 80 phút trận chung kết, Lothar Matthaeus đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ kèm Maradona, khiến anh không thể hoạt động như ý muốn. Nhưng đến phút 83, chỉ vài giây bất cẩn của Matthaeus là đủ để Maradona tạo nên khác biệt, và tinh thần Đức vừa được khơi dậy đã nhanh chóng tiêu tan. Có đến hai chiếc áo xanh của Tây Đức áp sát và người còn lại che trước mặt, nhưng Maradona không cần hãm bóng mà tung đường chuyền bóng sống để Jorge Burruchaga một mình dẫn bóng đối mặt Harald Schumacher và ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2 nghẹt thở.

Nước mắt ướt đẫm gương mặt Diego khi trọng tài Arppi Filho (Brazil) thổi còi kết thúc trận đấu. 114.600 khán giả ở Azteca vỗ tay không ngớt, trong khi các đồng đội công kênh Diego trên vai. Khi lên nhận Cúp từ tay chủ tịch FIFA Joao Havelange, Maradona một lần nữa rơi nước mắt, như vẫn chưa tin giấc mơ thành hiện thực. Anh đưa lại Cúp cho một đồng đội và sau đó giành lại để biết đó là hiện thực, là vinh quang lớn nhất trong cuộc đời.

Với Maradona, những gì ở Mexico không thể kỳ diệu hơn. Anh có tất cả, những lời xin lỗi từ mọi phía, sự kính trọng, Cúp vàng, Quả bóng vàng, trước khi về lại Napoli và ngay mùa giải tiếp theo đưa câu lạc bộ thành phố cảng miền nam Italia đến với Scudetto đầu tiên trong lịch sử.

Kỳ cuối: Ma túy, Fidel Castro và ghế huấn luyện 31

(*): Trích từ Yo soy el Diego (Tôi là Diego)

Ngọc Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm