'Cách làm thiếu chuyên nghiệp của bóng chuyền Việt Nam'

26/10/2014 13:47 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sự việc đội tuyển bóng chuyền nữ U17 quốc gia bị xử thua 0-3 trước Kazakhstan và Nhật Bản, đứng cuối bảng B giải vô địch châu Á vì vi phạm khoản 4.6 điều lệ giải “mỗi VĐV chỉ được đăng ký thi đấu một lần duy nhất” đã khiến dư luận “nổi sóng”. Trách nhiệm thuộc về ai và bài học kinh nghiệm nào được rút ra?

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã cùng bàn luận với nhà báo Nguyễn Lưu, người được ví là “mắt diều hâu” trong làng bóng chuyền Việt Nam.

Đằng sau sự việc đội bóng chuyền nữ U17 Việt Nam bị xử thua 0-3 hai trận tại giải vô địch châu Á 2014 có nhiều tranh luận trái chiều. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về sự việc này?

- Đi vào trường hợp cụ thể ở đội tuyển U17 vừa qua thì có thể nói như thế này: Luật chơi mà Liên đoàn bóng chuyền châu Á đã in thành sách và được phổ biến rất kỹ đến tất cả các thành viên, nhưng có một quy định mà đến bây giờ chính tôi cũng cảm thấy bất cập. Mang tiếng là giải U (Under) lẽ ra VĐV dự giải chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện dưới độ tuổi U đó là đủ nhưng ở đây có một đặc thù. Tuy là giải U17 nhưng lại có một quy định rất kỳ cục là VĐV nào cũng chỉ được tham dự giải này một lần mà không được dự lần thứ 2. Ở đội tuyển bóng chuyền nữ U17 dự giải vô địch châu Á vừa qua có 3 VĐV đã từng thi đấu năm 2012, khi mới 15 tuổi.

Nhưng điều đáng trách là cách làm không chuyên nghiệp của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Uy tín của ông Shanrit Wongprasert (Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền châu Á  - PV) rất lớn, nhiều người lầm tưởng rằng ông ấy có thể “bao trùm” cả châu Á nên mới có chuyện hỏi ông này về chuyện có VĐV đã dự giải một lần rồi và được ông ấy trả lời rằng cứ sang đánh đi…

Ở bất cứ giải đấu này, một khi đã cho VĐV thi đấu thì phải công nhận kết quả. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam mong muốn các VĐV được thi đấu cọ xát và đề nghị “không chuyên nghiệp” ấy lại được đáp ứng theo cách “không chuyên nghiệp” từ phía ông Shanrit Wongprasert.

Trong chuyện này, không chỉ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam mà cả Liên đoàn bóng chuyền nữ châu Á và BTC giải cần rút kinh nghiệm. Theo tôi, lẽ ra chúng ta là thành viên của Liên đoàn bóng chuyền châu Á cần đề xuất làm chặt chẽ, chính xác luật, rồi cứ theo đó mà làm.

Có những ý kiến mạnh mẽ phê phán cho rằng Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đạp trên dư luận, bất chấp luật lệ nhưng tôi thấy đánh giá như vậy nặng nề quá. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam rõ ràng đã sai, cần hết sức rút kinh nghiệm nhưng đây là sai lầm không mang tính vụ lợi cá nhân, nó là nhận thức, lề lối làm việc nghiệp dư, vậy thôi.

Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn bị cho là có lỗi lớn trong cái sai vừa qua ở đội U17. Ông có đồng tình với quan điểm này?

-Theo tôi dư luận quy trách nhiệm cho anh Trần Đức Phấn thì chỉ đúng một nửa. Anh Phấn là Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam thì việc quán xuyến công việc, tránh xảy ra những việc như vừa rồi thuộc trách nhiệm. Nhưng chịu trách nhiệm đến đâu thì phải có mức độ, vừa phải lo công việc của Vụ thể thao thành tích cao 1 và bóng chuyền là quá lớn với anh Phấn.

Tiếp nối tranh cãi trong việc không cử hai đội tuyển bóng chuyền (nam, nữ) tham dự ASIAD 17 giờ đến việc dự giải U17 châu Á mà không hiêu luật, bóng chuyền Việt Nam dường như đang mất điểm trong mắt người hâm mộ?

- Lâu nay Thể thao Việt Nam rơi vào tình trạng nửa chuyên nghiệp, nửa không chuyên nghiệp, vừa muốn mang thể thao đến cho mọi người, tham dự đầy đủ mọi giải đấu cho vui nhưng cũng đòi hỏi thành tích, có thành tích mới được thi đấu.

Tôi rất yêu bóng chuyền, chia sẻ với quan điểm của nhiều người muốn bóng chuyền được đi tham dự ASIAD nhưng rõ ràng, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cũng có lý khi không cử đội đi ASIAD. Bởi lẽ, một số VĐV đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã lớn tuổi, đến ngưỡng đi xuống như Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Hà Thị Hoa và một phần nào đó là Ngọc Hoa, phụ công số 1. Nếu không có lực lượng này hỗ trợ thì đưa đội bóng chuyền nữ đi thi đấu ASIAD sẽ không thể cạnh tranh thứ hạng cao. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang trong thời điểm giao thời về lực lượng.  Tôi và nhiều người rất ủng hộ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam là giải đội mạnh năm 2014 không có ngoại binh tham dự. Họ tránh được vết xe đổ của bóng đá là cho quá nhiều ngoại binh thi đấu.

Bóng chuyền nữ Việt Nam đang phát triển nhưng dàn trải, có đến 12 đội nam, 12 đội nữ tham dự giải đội mạnh dẫn đến hiện trạng 3, 4 đội nhóm dưới trình độ thua xa các đội nhóm trên. Thái Lan đứng thứ 12 trên thế giới, hơn chúng ta đến 40, 50 bậc nhưng giải đội mạnh của họ chỉ có 7 đến 8 đội là cùng. Xã hội hóa rất tốt nhưng người ta vẫn “quý hồ tinh”, trọng chất lượng hơn là số lượng.

Việc quản lý, điều hành của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam được cho là có vấn đề sau hàng loạt những sự cố thời gian qua?

- Tôi nghe nói Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đang tính toán “co’ lượng đội dự giải đội mạnh lại còn từ 8 đến 10 đội, nếu được như vậy tôi cho là rất tốt. Kết hợp với việc nghiêm túc sửa chữa sai lầm vừa qua, tiếp tục ưu tiên tạo sân chơi cho các VĐV trẻ, VĐV gốc Việt, rút bớt số lượng đội bóng cho đúng với trình độ, hoàn cảnh kinh tế của đất nước thì bóng chuyền Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển. Sai lầm vừa rồi cùng việc không có mặt ở ASIAD, theo tôi không phải là một thảm họa với bóng chuyền Việt Nam.

Trong vài năm trở lại đây, việc quản lý, điều hành của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đều có vấn đề. Thứ nhất, tổ chức xã hội của này không tập trung được những bộ óc tốt nhất cho sự phát triển của bóng chuyền dù chúng ta có những nhân tố như vậy. Trong một số trường hợp cụ thể khi thành lập ra các đội tuyển đi tập huấn hay thi đấu thì công chúng, đặc biệt là các nhà chuyên môn đều nhận thấy dấu hiệu thiếu đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.

Có một số nhân tố mang tính vụ lợi khi tham gia công tác chuyên môn đã khuynh đảo hoạt động của bóng chuyền. Trong khi đó, một vài người có tâm huyết và trình độ nhưng lại không được trọng dụng. Có những HLV đáng được lên đội tuyển cống hiến sức mình lại không được nhắc đến, đồng thời có HLV được tham dự giải đấu lớn vì mối quan hệ cá nhân mà chúng ta quen gọi là lợi ích nhóm.

Hướng tới SEA Games 28 tại Singapore, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cần nhanh chóng tổ chức Đại hội. Tôi có nghe nói là sau nhiều chậm trễ bất khả kháng, có thể từ nay đến cuối năm bóng chuyền sẽ tổ chức Đại hội. Tiếp sau đó là cần tìm ra thầy ngoại cho cả đội tuyển nam và nữ Việt Nam nếu chúng ta muốn cải thiện tình hình ở SEA Games tới.

 Xin cảm ơn ông!

Bóng chuyền nữ Việt Nam đang phát triển nhưng dàn trải, có đến 12 đội nam, 12 đội nữ tham dự giải đội mạnh dẫn đến hiện trạng 3, 4 đội nhóm dưới trình độ thua xa các đội nhóm trên.


Lâm Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm