Bê bối phân biệt giới tính trong làng thể thao Australia: Từ một bức ảnh đẹp bị chế nhạo

24/03/2019 06:37 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là bức ảnh được mô tả là “nữ VĐV vĩ đại trong khoảnh khắc mạnh mẽ nhất của cô ấy”. Ảnh chụp Tayla Harris, cầu thủ đang chơi cho CLB Carlton, khi cô đang phát quả bóng trong trận đấu với Western Bulldogs tại giải vô địch bóng bầu dục Australia (AFL).

'U23 Việt Nam khó thắng đậm U23 Indonesia như Thái Lan'

'U23 Việt Nam khó thắng đậm U23 Indonesia như Thái Lan'

Đó là nhận định của cựu HLV U20 Việt Nam Đoàn Minh Xương khi đề cập đến trận đấu tiếp theo của U23 Việt Nam ở vòng loại bảng K giải U23 châu Á gặp U23 Indonesia tối 24/3 sắp tới.

Bức ảnh của nữ cầu thủ 21 tuổi được đăng trên trang Facebook của Channel Seven, kênh truyền hình chính của AFL. Nhưng những gì diễn ra sau đó khác xa với sự tưởng tượng của Michael Willson, tác giả bức ảnh, và chính Harris.

Bức ảnh đẹp bị chế nhạo

Trong bức ảnh, Harris tung chân phải cao hết cỡ để phát bóng. Vì cô là nữ giới, những kẻ chế nhạo đã nhìn vào bức ảnh, có những bình luận đầy phản cảm, liên quan tới tình dục, giới tính. Cảm thấy khó chịu và xấu hổ khi đọc những bình luận ác ý nhắm vào mình, Harris đã lên tiếng trên Twitter cá nhân. Trong dòng tweet đầu tiên, cô kêu gọi những kẻ chế nhạo hãy chấm dứt bình luận phản cảm. Không có tác dụng. Đến dòng tweet thứ 3 liên quan tới sự việc, Harris giận dữ gọi những kẻ đó là “súc vật”. Nữ VĐV cảm thấy cô bị “lạm dụng tình dục” ngay trên mạng xã hội.

Phản ứng của Harris là dễ hiểu. Nhưng thay vì lên tiếng bảo vệ cô, loại bỏ những bình luận phản cảm, Channel Seven lại xóa bức ảnh của Harris khỏi Facebook. Không đối mặt với vấn nạn kỳ thị giới trong thể thao, Channel Seven chọn cách chạy trốn. Dư luận Australia bởi thế phẫn nộ.

Một loạt VĐV nổi tiếng của Australia đã lên án cách xử lý tình huống của đài Channel Seven. Nhà vô địch Olympic Anna Meares viết trên Twitter: “Làm thế nào bức ảnh tuyệt vời như vậy của Tayla Harris lại bị troll như vậy? Tại sao Channel Seven lại gỡ nó xuống? Hãy tìm hiểu vấn đề”.

Xóa hình ảnh thay vì kiểm duyệt các bình luận còn gây ra thiệt hại nặng nề hơn, nhiều người tranh luận như vậy trên mạng xã hội. Sự việc trở nên rùm beng và thu hút sự quan tâm của công luận. Chính phủ Australia đã bổ sung tiếng nói, lên án những kẻ đưa ra bình luận tục tĩu. Kelly O'Dwyer, Bộ trưởng Quan hệ Công nghiệp và Phụ nữ, nói rằng bà cảm thấy “ghê tởm” trước những bình luận. Trên trang Facebook của mình, nữ Bộ trưởng viết: “Tayla Harris là một ngôi sao. Cô ấy nên được tôn vinh bởi tài năng của mình giống như cách chúng ta tôn vinh một cầu thủ nam. Tôi ghê tởm những bình luận ác ý đó”. Bà Kelly O'Dwyer sau đó trả lời kênh Channel 10 của Đài truyền hình Australia: “Tôi chán ghét phản ứng của Channel Seven khi gỡ bức ảnh đó xuống thay vì đối phó với những kẻ bình luận”.

Cần một giải pháp

Khi câu chuyện liên quan tới kỳ thị giới tính trong thể thao, nó không còn giới hạn trong lãnh thổ Australia. Một loạt kênh truyền thông lớn ở Anh, Mỹ… đã đưa tin về nữ VĐV cảm thấy “bị lạm dụng” bởi một bức ảnh. AFL bị đặt trước áp lực tìm hướng giải quyết cho vấn đề nóng này.

Bốn ngày trước sự cố liên quan tới bức ảnh của Harris, tài khoản Facebook của AFL đăng bức ảnh thông báo về việc VĐV giành Huy chương bạc Olympic Cecilia McIntosh giải nghệ. Phía dưới bức ảnh là ý kiến của một người đàn ông. “Làm tốt lắm, Cecilia, hành trình dài của bạn, chơi 8 trận một mùa giải trong 3 năm đã nói lên tất cả”. Người đứng sau bình luận mỉa mai đó là một cựu cầu thủ AFL. Hàng trăm người đã nhấn nút “thích” bình luận đó trước khi nó bị xóa.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm, Giám đốc điều hành AFL, Gillon McLachlan nói: “Đây là một thách thức với nền tảng truyền thông xã hội. Ngày càng có nhiều người kêu gọi phương án xử lý cho những bình luận tục tĩu trên đó vì nó xảy ra hàng ngày”.

Nhưng Harris cần một câu trả lời cụ thể hơn. Trả lời đài phát thanh RSN hôm thứ Tư, Harris kêu gọi sự hành động từ cơ quan chức năng. “Nếu trên mạng xã hội họ còn nói những điều đáng ghê tởm như vậy thì đằng sau cánh cửa đóng kín họ sẽ nói những gì và làm những gì”, nữ cầu thủ đặt câu hỏi.

“Có thể đó là khởi đầu của bạo lực gia đình, có thể là khởi đầu của lạm dụng tình dục. Vì vậy, dù là cảnh sát Australia hay là ai, ít nhất cũng cần có sự liên hệ với những kẻ đó và đưa ra những cảnh báo mang tính răn đe. Với Facebook hay Twitter, hãy loại bỏ họ khỏi mạng xã hội. Cần phải có hành động nào đó. Đừng để sự việc dừng lại ở mức, chúng ta nói rất nhiều về nó nhưng những kẻ đang bị chỉ trích thì lại ung dung mỉm cười vì chúng biết chả ai đụng tới chúng cả”.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm