Báo chí thể thao và công nghệ: Cuộc chiến trên sóng truyền hình

30/07/2019 14:28 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Truyền hình vô tuyến từ khi sinh ra tới nay luôn là kênh công cụ tốt nhất giúp mọi người theo dõi được các trận đấu thể thao trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vị thế của kênh truyền thông truyền thống này ngày nay đang bị lung lay dữ dội bởi sự phát triển của truyền hình trực tuyến.

Nhìn từ ICC 2019: Khi giao hữu không còn là 'giao hữu'

Nhìn từ ICC 2019: Khi giao hữu không còn là 'giao hữu'

Pha đạp chân vào người Daniel James của Moussa Sissoko ở trận đấu giữa MU và Tottenham hay tình huống đứt dây chằng chéo của Marcos Asensio chỉ là những ví dụ điển hình cho sự căng thẳng của các trận đấu thuộc ICC 2019.

Truyền hình trực tuyến (OTT – over-the-top) đã trở thành từ ngữ quen thuộc với mọi người hiện nay. Sự phát triển của truyền hình trực tuyến thực tế đã được chú ý và đánh giá cao từ đầu năm 2018.

Cột mốc thay đổi

Có 3 sự kiện quan trọng giúp mọi người nhận ra sự vượt trội của nền tảng truyền hình mới này. Đầu tiên phải kể tới trận chung kết Super Bowl LII năm 2017 thuộc Giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ (NFL). Từ lâu, trận đấu này đã được coi là một sự kiện đặc trưng cho nền thể thao và là hình ảnh tự hào của xứ sở cờ hoa. Tuy nhiên, số lượng người theo dõi trận đấu này năm 2017 qua TV đã giảm 7% xuống chỉ còn 103,4 triệu người. Còn theo đài NBC thống kê, lượng khán giả theo dõi Thế vận hội mùa Đông tại PyeonChang 2018 cũng giảm tới 7% so với kỳ Thế vận hội lần trước.

Sự kiện thứ hai chính là giá trị của Premier League sụt giảm. Giải đấu cấp cao nhất nước Anh trong nhiều năm qua luôn nổi tiếng với danh hiệu “Giải đấu đắt giá nhất hành tinh”. Kể từ khi chính thức thành lập năm 1992, giá trị bản quyền truyền hình của Premier League đã tăng 2.500%. Khởi đầu, giá trị của giải Ngoại hạng Anh là 191 triệu bảng nhưng tới năm 2019, con số này đã tăng lên tới 5,136 tỷ bảng.

Tuy nhiên, rất có thể con số năm 2019 sẽ là đỉnh cao của Premier League, bởi bản quyền hiện tại của họ đã có dấu hiệu mất giá. Tính đến thời điểm này, đã có 5/7 gói bản quyền truyền hình TV giai đoạn 2019-2022 được Premier League bán ra và thu lại 4,464 tỷ bảng. Tuy vẫn còn 2 gói nữa nhưng theo tính toán của tờ Thời báo Tài chính (Financial Times), Premier League rất khó để giành được số tiền giúp họ vượt qua cột mốc 5,136 tỷ bảng kia.

Và sự kiện cuối cùng chính là việc ông chủ mới của giải đua xe Công thức 1, Liberty Media, lên kế hoạch đưa giải đấu lên hệ thống truyền hình trực tuyến của họ vào mùa giải tới tại khoảng 24 quốc gia. Với kênh F1 TV Pro, Liberty Media dự tính sẽ thu phí hàng tháng khoảng 8-12 tỷ USD. Người sử dụng sẽ được xem giải đấu trực tuyến với bình luận bằng nhiều ngôn ngữ. Bên cạnh đó là quyền truy cập vào các máy quay đặt trong xe của các tay đua. Rõ ràng, đó là những ưu đãi hết sức tuyệt vời dành cho những ai hâm mộ môn thể thao tốc độ.

Chuyển giao quyền lực

Dĩ nhiên, không phải môn thể thao nào cũng có thể phát huy hiệu quả với truyền hình trực tuyến. Không phải ngẫu nhiên mà giải đua xe Công thức 1 chỉ dự tính phát trực tuyến tại 24 quốc gia. Bởi nhẽ tại nhiều quốc gia khác, bản quyền truyền hình TV tồn tại nhiều yếu tố phức tạp. Dẫu vậy, sự phát triển của OTT cho thấy rằng: Bản quyền hình ảnh các môn thể thao không còn là mỏ vàng của riêng các đài truyền hình TV và các giải đấu cũng đã có thể tự tiếp cận các khán giả của mình.

Theo nghiên cứu của Dataxis, việc sử dụng truyền hình trực tuyến đang đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt tại châu Âu. Tính đến cuối tháng 9/2017, dịch vụ truyền hình OTT Pay-TV tại châu Âu đã đạt 7,4 triệu thuê bao, tăng 13% so với quý trước đó.

“Các nước Tây Âu đang dẫn đầu về việc sử dụng nền tảng thể thao trực tuyến với Đức chiếm 35%, Pháp 25% và Vương quốc Anh 15%”, đại diện Dataxis chia sẻ.

Trong khi Netflix vẫn thờ ơ với thị trường này thì Amazon đã bắt đầu với các trận đấu ngày thứ Năm của NFL cùng các pha bóng ấn tượng tại các hệ thống quần vợt ATP. Trong khi đó, Facebook đã trình chiếu LIGA MX Soccer, Major League Soccer, the World Surf League, Major League Baseball, UEFA Champions League, US College football, và nhiều giải đấu thể thao khác nữa. Họ cũng từng đấu giá bản quyền giải đấu Cricket IPL với giá 600 triệu đôla Mỹ nhưng đã bị đánh bại bởi 3 tỷ đôla Mỹ của hãng Star India.

Không chỉ các hãng truyền thông mới quan tâm tới tính năng trực tuyến. Real Madrid là CLB thể thao đầu tiên đạt mốc 100 triệu lượt Thích trên Facebook và đã triển khai chuỗi video thực tế Hala Madrid trên hệ thống Watch của Facebook. Với 8 phần, loạt video của Real Madrid đạt 96 triệu người biết đến và hơn 30 triệu người theo dõi. Con số này quả thực rất ấn tượng khi lượng người hâm mộ Real Madrid thực tế chỉ chiếm dưới 7% tổng số tài khoản Facebook.

Không chỉ Facebook mới mang lại nguồn lợi cho các đội bóng hay trang thể thao. Chẳng hạn như trang Bleacher Report sở hữu tài khoản Instagram có tên là House of Highlights với 8,3 triệu lượt người theo dõi. Trong khi đó, Thế vận hội Olympic Rio 2016 thu hút 49 triệu người xem tại Snapchat ngay trong tuần đầu khởi tranh.

OTT sẽ lật đổ truyền hình TV?

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng chắc chắn sẽ còn rất lâu nữa. Bởi Premier League quả thực đã giảm giá trị bản quyền truyền hình nhưng con số 4,464 tỷ bảng vẫn vô cùng ấn tượng. Xét ra, mỗi trận đấu tại Premier League trong 3 mùa giải liên tiếp có giá trị lên tới 970 nghìn bảng.

Cùng với đó, Super Bowls vẫn đứng trong Top 10 chương trình được theo dõi nhiều nhất tại Mỹ. Trận chung kết Super Bowls LII có thể là con số đáng quên của giải đấu nhưng từ 2010 tới 2017, NFL vẫn có trung bình 2,02 triệu người xem mỗi phút.

Nền tảng thể thao trực tuyến có thể xem là sự tiến hóa của truyền hình TV và giảm vị thế độc quyền bản quyền thể thao của các đài truyền hình. Dẫu vậy, như đã nói, không phải bất cứ môn thể thao nào cũng phát huy hiệu quả với nền tảng OTT. Vì thế, ít nhiều gì, truyền hình TV vẫn giữ được chỗ đứng của mình, nhưng trong bao lâu thì cần thời gian để trả lời.

Sự phổ biến của các thiết bị công nghệ như smartphone, Smart TV cộng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống internet băng thông rộng cũng như kết nối 3G, 4G đã thay đổi thói quen xem truyền hình của người tiêu dùng Việt Nam. Điều này đang mở ra cơ hội cho những dịch vụ truyền hình truyền dẫn trên nền tảng internet, hay còn được gọi với thuật ngữ OTT truyền hình tại nước ta, nhất là ở lĩnh vực thể thao, luôn có lượng khán giả đông đảo.

Tuy nhiên, có một thực tế đang kìm hãm sự phát triển chung của thị trường OTT Việt Nam, đó là: Nạn vi phạm bản quyền một cách tràn lan, nhất với mảng bóng đá quốc tế.

Quý Dậu (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm