Tuổi thọ trung bình của người dân thế giới đang tăng

18/12/2014 10:17 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới tăng từ 65,3 tuổi vào năm 1990 lên 71,5 tuổi vào năm 2013 cho thấy những thành tựu mà thế giới đạt được bất chấp sự gia tăng mạnh về số người tử vong vì ung thư gan hay bệnh thận mãn tính.

Đây là kết luận trong "Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu", do quỹ Bill & Melinda tài trợ và được tạp chí "The Lancet" của Anh công bố ngày 18/12.

Theo nghiên cứu trên, tuổi thọ trung bình trên toàn cầu tăng 5,8 năm đối với nam và 6,6 năm ở nữ trong thời gian từ năm 1990-2013. Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này trước hết nhờ tỷ lệ người chết vì ung thư và tim mạch đều giảm, lần lượt 15% và 22% ở các nước có thu nhập cao.

Tiếp đến nhờ chiều hướng giảm nhanh tỷ lệ tử vong vì tiêu chảy, viêm đường hô hấp dưới và các rối loạn ở trẻ sơ sinh tại các khu vực ít giàu có hơn. Riêng tại khu vực Nam Sahara ở châu Phi, số người chết vì HIV/AIDS đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trong khu vực giảm 5 năm.

Một số quốc gia nghèo như Nepal, Rwanda, Ethiopia, Niger, Maldives, Timor-Leste và Iran đạt thành tích ngoạn mục về tuổi thọ trong 23 năm vừa qua, với mức tăng trung bình 12 năm ở cả hai giới. Ấn Độ cũng đạt thành tích khả quan với mức tăng trung bình 7 năm ở nam và hơn 10 năm ở nữ trong cùng thời gian này, song nạn tự tử đang là mối lo ngày càng tăng đối với quốc gia này.

Nghiên cứu cũng nhận thấy chiều hướng gia tăng so với năm 1990 về tỷ lệ tử vong vì một số bệnh kinh niên nguy hiểm, trong đó có ung thư gan vì virus viêm gan C (125%), rối loạn vì sử dụng thuốc (63%), bệnh thận kinh niên (37%), tiểu đường (9%) và ung thư tụy (7%).

Mặc dù số trẻ em chết khi dưới 5 tuổi đã giảm từ 7,6 triệu trường hợp trong năm 1990 xuống 3,7 triệu trường hợp năm 2013, các căn bệnh như viêm đường hô hấp thấp, sốt rét và tiêu chảy vẫn nằm trong danh sách 5 nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới, cướp đi gần 2 triệu sinh mạng trẻ em mỗi năm.

Tiến sĩ Christopher Murray, Giáo sư khoa Y tế toàn cầu tại Đại học Washington (Mỹ)- đồng thời là người đứng đầu công trình nghiên cứu trên, cho rằng thế giới đã đạt nhiều tiến bộ trong nỗ lực phòng chống bệnh tật nhưng cần phải hành động nhiều hơn nữa. Ông ghi nhận việc gia tăng mạnh các hành động tập thể và tài trợ chống các căn bệnh lây nhiễm phổ biến như tiêu chảy, sởi, lao, HIV/AIDS và sốt rét đã mang lại tác động thật sự.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm