Từ vụ máy bay Airbus A320 rơi tại Pháp: Giải mã động cơ tự sát - giết người của 8 phi công

30/03/2015 09:02 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi hay tin cơ phó chiếc máy bay Airbus A320 của hãng Germanwings cố tình lái máy bay đâm vào núi, dư luận đã quan tâm hơn tới câu hỏi, điều gì diễn ra trong đầu những viên phi công như thế, khi không chỉ tự sát mà họ còn tước luôn mạng sống của nhiều người vô tội khác.

Sẽ phải mất nhiều tháng trước khi cơ quan điều tra đưa dược ra câu trả lời.

Đủ loại lý do khiến phi công tự sát

Một công tố viên Pháp nói vào tuần trước rằng cơ phó của chuyến bay là Andreas Lubitz, 28 tuổi, đã cố tình khiến nó gặp nạn. Khả năng tự sát có thể được đặt ra trong trường hợp này.

Nhưng Lubitz không phải kẻ đầu tiên muốn dùng máy bay làm công cụ tự sát, dù đây là chuyện rất hiếm xảy ra và các phi công có nhiều động cơ khác nhau. Những trường hợp đáng chú ý gồm vụ chiếc máy bay của hãng Mozambique Airlines đi tới Luanda, Angola, rơi xuống đất hồi tháng 11/2013. Vụ này có nhiều tình tiết giống với vụ rơi máy bay của Germanwings.


Cơ phó Andreas Lubitz, kẻ đã khiến 149 người vô tội thiệt mạng cùng mình khi điều khiển máy bay lao vào vách núi Alps

Lần đó, khi cơ phó rời khoang lái để vào nhà vệ sinh, cơ trưởng đã khóa mình trong khoang lái và cố tình lái máy bay lao xuống đất. Trong dữ liệu trích xuất từ hộp đen của chiếc máy bay, người ta có thể nghe thấy tiếng cơ phó gõ nhẹ nhàng vào cửa khoang lái. Theo một bài báo, cơ trưởng đang "trầm cảm nặng" trong những tháng trước khi xảy ra thảm kịch, do trục trặc hôn nhân.

Cuộc điều tra vụ rơi máy bay Boeing 767 của hãng Egypt Air hồi năm 1999 cho thấy chiếc máy bay đã hạ độ cao rất nhanh không lâu sau khi rời khỏi sân bay J.F.Kennedy ở New York vào năm 1999 và cuối cùng rơi xuống Đại Tây Dương. Cơ quan điều tra kết luận, cơ phó đã cố tình lái máy bay gây tai nạn. Sau khi phân tích dữ liệu từ thiết bị ghi âm khoang lái, họ thấy cơ trưởng đã rời đi và khi trở lại, ông không thể vào khoang lái. Cơ trưởng hỏi cơ phó từ ngoài cửa, "Chuyện gì đang xảy ra vậy?"  và cơ phó đáp lại rằng, "Tôi chỉ còn biết dựa vào Thượng đế". Ít phút sau, máy bay rơi.

Theo các nhà điều tra, cơ phó cố tình làm rơi máy bay để báo thù do đã bị kỷ luật trước đó vì có hành vi xâm hại tình dục. Vị quan chức hàng không kỷ luật người này đang có mặt trong chuyến bay đó.

Năm 1997, một chiếc Boeing 737 của hãng SilkAir trên đường từ Jakarta tới Singapore đã đâm xuống sông ở Indonesia làm 104 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Các nhà điều tra Mỹ nói rằng "cơ trưởng chuyến bay đã tự sát bằng cách tắt hộp đen và cố tình cho máy bay lao đầu xuống đất, khi cơ phó ra khỏi khoang lái". Thời điểm ấy, hãng tin BBC cho biết cơ trưởng đang mắc nợ lớn do đầu cơ tài chính và bị thua lỗ. Ông này cũng bị hãng hàng không kỷ luật vài lần trong những tuần trước khi diễn ra vụ tai nạn.


Cảnh sát điều tra Đức thu thập chứng cứ từ nhà riêng của Lubitz

Khó tìm ra một đặc điểm chung

Trên đây chỉ là những vụ tự sát - giết người hàng loạt bằng máy bay. Việc các phi công cố tình lao máy bay xuống đất tự sát quá hiếm khi diễn ra, tới mức các nhà nghiên cứu không thể vạch ra điểm chung trong các vụ như thế này.

Nhưng vài nghiên cứu vẫn cố gắng kết nối một số nét tương đồng trong những vụ như thế nhằm ngăn chặn tình trạng tự sát - giết người của phi công trong tương lai. Theo một nghiên cứu do Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) tiến hành và xuất bản vào năm 2014, trong số 2.758 vụ tai nạn hàng không do họ ghi được trong giai đoạn 2003 - 2014, có 8 vụ do phi công tự sát.

Các phi công trong những chuyến bay đó đều là nam giới, có tuổi từ 21 - 68. 4 phi công đã uống rượu và 4 người sử dụng thuộc chống trầm cảm vào thời điểm xảy ra tai nạn, cho thấy tinh thần của họ có thể không được sáng suốt, minh mẫn. Các nhà nghiên cứu, dưới sự lãnh đạo của ông Russell J. Lewis tới từ Viện nghiên cứu y học hàng không dân dụng, thấy rằng có 5 phi công đã hé lộ với người khác các dấu hiệu cho thấy họ có thể tiến hành tự sát, trước chuyến bay cuối cùng.

Harold Koenigsberg, một chuyên gia tâm lý ở New York nói rằng hiếm khi hoạt động "tự sát và giết người cùng xảy ra một lúc". Nhưng nếu diễn ra, chuyện này thường do nam giới thực hiện và liên quan tới những người thân yêu của thủ phạm - vợ chồng và con cái.

Các đặc điểm khác có thể gây ra hành động tự sát - giết người gồm kẻ phạm tội có lịch sử bạo lực gia đình; lạm dụng rượu, chất gây nghiện và gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Về trường hợp của Lubitz, giới nghiên cứu đánh giá anh ta có nhiều đặc điểm khác với những vụ tự sát thông thường.

“Khác biệt lớn nhất là anh ta hoàn toàn không quan tâm tới thực tế là nhiều người vô tội sẽ bị liên lụy. Một khác biệt nữa là có dấu hiệu thù hận thúc đẩy hành động của anh ta” - James Ogloff, chuyên gia tâm lý và là giám đốc Trung tâm khoa học hành vi thuộc Đại học Swinburne của Australia, nhận xét - "Thường thì những người tự sát sẽ không muốn người khác chết theo, đặc biệt nếu đó là những người xa lạ. Trong tình huống này (trường hợp của Lubitz), anh ta phải rất tức giận với xã hội hoặc định chống lại một tổ chức đặc biệt nào đó”.

Nhà chức trách Đức nói rằng, có chứng cứ về việc Lubitz đã xé giấy khám sức khỏe của bác sĩ gửi tới đề nghị anh ta tạm nghỉ việc trong chính ngày xảy ra vụ tai nạn. Hiện chưa rõ Lubitz có đang phải uống thuốc chữa bệnh tâm thần hay không.


Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm