Malaysia - Xóa đói bằng “làng thông minh”

25/08/2012 14:44 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Một ngôi làng công nghệ cao có tên Rimbunan Kaseh vừa được hình thành ở bang Pahang (Malaysia). Chính quyền đang muốn biến Rimbunan Kaseh trở thành một kiểu mẫu “làng thông minh” để xóa đói giảm nghèo bằng cách kết hợp công nghệ mới và thúc đẩy môi trường bền vững.

Thông minh

Được xây dựng ở phía Đông Bắc của Thủ đô Kuala Lumpur, ngôi làng Rimbunan Kaseh nhìn đỏ rực từ trên cao với 100 mái nhà san sát nhau, trật tự và ngăn nắp. Nằm trên diện tích 12 ha, ngôi làng này được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, người dân được tiếp cận với những nhu cầu thiết yếu gồm giáo dục, đào tạo, giải trí, nơi thờ phụng cũng như một hệ thống nông nghiệp bền vững, thực phẩm sạch và mua được nhà với giá rất phải chăng (diện tích khoảng 100m2, chỉ mất 10 ngày để xây dựng, trung bình mỗi căn từ 16.000 đến 20.000USD đã bao gồm cả nội thất). Điều này tạo nên sự tin cậy nơi người dân khi dọn về sống trong những tiểu đô thị tương đối khép kín như thế này. Thu nhập của họ sẽ tăng đáng kể nếu lao động hiệu quả, chưa kể họ còn có thể dễ dàng truy cập Internet thông qua hạ tầng 4G hỗ trợ dịch vụ học tập và y tế điện tử. Các nhà phân tích cho rằng quá trình xóa đói giảm nghèo không đồng đều đã để lại những lỗ hổng lớn ở Malaysia và sự ra đời của mô hình làng thông minh như thế này đã mở ra hy vọng cho sự phát triển các vùng nông thôn Malaysia, xóa dần khoảng cách với các khu đô thị lớn.

Làng Rimbunan Kaseh nhìn từ trên cao

Hệ thống nông nghiệp vòng tròn khép kín là đặc điểm nổi bật nhất tại làng Rimbunan Kaseh. Chu trình khép kín đó liên kết mọi hoạt động trong cộng đồng. Cụ thể, hệ thống nuôi trồng thủy sản cung cấp cá nhỏ và tảo dùng làm thức ăn cho cá lớn như cá rô. Bể nước thải từ hồ cá sau đó sẽ đi qua hệ thống lọc hiện đại, được sử dụng để tưới cho những vườn ngũ cốc và các cây trồng khác, trong đó có hoa màu. Cây được trồng trong chậu thủy canh có thể cải thiện độ ẩm của đất, đồng thời hình thành chế độ tiêu tưới thích hợp để không lãng phí nước, tiết kiệm cả phân bón và thuốc trừ sâu. Chất thải hữu cơ được trộn để tăng sự phát triển của sâu và các sinh vật khác dùng cho chăn nuôi gia cầm. Mô hình nông nghiệp này thật ra không mới nhưng nó là đầu tiên khi tạo nên được một hệ thống khép kín cho cả một cộng đồng, đồng bộ từ sản xuất cho đến đời sống sinh hoạt. Khi những thông tin khoa học kỹ thuật có thể trau dồi nhanh chóng qua mạng internet thì người dân sẽ càng được hưởng lợi ngay chính trong khu vườn nhà mình.

Ngôi làng Rimbunan Kaseh là một sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân mà cụ thể là tập đoàn IRIS Corporation Berhad Malaysia. Theo ông Tan Say Jim, Giám đốc quản lý thì “đây là một mô hình khép kín hoàn toàn với 4 cấp độ khác nhau, một trang trại hiện đại, thậm chí bạn có thể tự làm trên ngay tầng thượng nhà mình miễn là nó đủ rộng. Với dự án này, chúng tôi muốn kích thích sự phát triển nông thôn với các hoạt động nông nghiệp hiện đại, chúng tôi muốn cân bằng phát triển và hoạt động kinh tế giữa các khu vực đô thị và nông thôn. Khi mỗi hộ dân có thể tận dụng mọi thứ để tạo ra nhiều sản phẩm thì nó sẽ rút ngắn thời gian đầu tư và mang lại lợi nhuận tốt hơn”. Theo cách này, các chuyên gia tính rằng mỗi tháng, các hộ dân có thể thu về thêm từ 400 cho đến 650USD, một con số không nhỏ ở những làng nghèo tại Malaysia.

Tất cả các gia đình sẽ sử dụng nguồn điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời kết hợp với năng lượng sinh học và thủy điện, một cách phát triển bền vững mà lại thân thiện với môi trường.

Những ngôi nhà rộng 100m2 được xây cấp tốc trong vòng 10 ngày

Cân bằng

Giám đốc điều hành Viện Hàn lâm khoa học New York, Ellis Rubinstein đánh giá rằng đây là một mô hình rất tuyệt vời khi biết kết hợp với những khái niệm cũ đặt vào bối cảnh mới với những lợi thế về thông tin và khoa học kỹ thuật phát triển để tạo ra sự thay đổi toàn diện cho người dân đang sống trong những địa phương nghèo khó ở Malaysia và giúp cân bằng tỷ trọng phát triển vừa cả văn hóa lẫn xã hội giữa nông thôn và thành thị.

Dự án này đã được trình bày chi tiết tại hội thảo của Hội đồng Tư vấn khoa học và Đổi mới toàn cầu (GSIAC) tại San Jose (California, Hoa Kỳ) giữa tháng 7 vừa qua. GSIAC được thành lập nhằm tìm cách xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững hơn cho các nước châu Á. GSIAC là tổ chức gồm các nhà giáo dục hàng đầu, các chuyên gia kinh tế, thương nhân, khoa học gia từ Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Anh và Mỹ, trong số này có hai người từng đoạt giải Nobel và họ tình nguyện đến với nhau để tìm đường hướng giúp các quốc gia châu Á sớm cải thiện được môi trường sống cũng như song hành với nền kinh tế có thu nhập cao, đi kèm với đó là dân trí cũng được tăng lên. Với mô hình mới của Malaysia thì các nhà khoa học cho rằng đó là một bước đi tiên phong và mô hình này có thể nhân cấp ra toàn cầu.


Nội thất bên trong nhà rất tiện nghi

Khi ngôi làng thông minh Rimbunan Kaseh đi vào hoạt động thì sắp tới Malaysia lên kế hoạch triển khai thêm tại 12 địa điểm khác nhau để tạo thành một mạng lưới “cộng đồng thông minh”, đặt nền móng cho việc thay đổi toàn diện hơn cho nhiều nơi đang đối mặt với nghèo đói hàng ngày.

Quá trình xóa đói giảm nghèo không đồng đều ở Malaysia đã để lại “những lỗ hổng lớn về một nông thôn khó khăn”. Nhưng điều này đã được cải thiện với tỷ lệ đói nghèo đã giảm mạnh trong hai thập kỷ qua. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã ca ngợi những nỗ lực của Malaysia, coi đây là một kinh nghiệm đáng học hỏi và có thể nhân rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Ban Ki Moon cũng thêm rằng: “Ở một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa như Malaysia mà thúc đẩy được cả một cộng đồng thống nhất, đoàn kết quả là một điều tuyệt vời, không chỉ cho Malaysia mà còn cho cả nhiều nước khác trong khu vực”.

Tiến sĩ Dato Zakri Abdul, cố vấn khoa học của Thủ tướng Malaysia cho rằng trong thời đại toàn cầu mà mỗi dự án đều tạo nên những đối thủ cạnh tranh khốc liệt thì trái lại dự án này lại tạo được sự đoàn kết hiếm thấy của các nhà đầu tư và nếu mô hình này thành công thì vẫn có thể “bứng” nó đi và đặt được ở bất cứ quốc gia nào.

Hoa Thiên (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm