Khủng hoảng ngành báo in (kỳ 1): 'Cơn bão' càn quét từ Mỹ sang Đức

18/08/2013 12:44 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc khủng hoảng ngành báo in là một xu hướng tất yếu xảy đến trong thời đại ngày nay mà không một tên tuổi lừng lẫy nào trong ngành báo chí có thể thoát khỏi.

1. Cơn bão khủng hoảng ngành báo in từng khiến các tờ báo lớn ở Mỹ phải chao đảo nay đã càn quét đến cả những tờ báo giấy ở Đức. Hơn bao giờ hết, các phương tiện truyền thông Đức đã phải tìm cách tự làm mới ngành báo in vốn đã quá cũ kỹ để thu hút lại độc giả.

Những tờ báo giấy đình đám một thời và là món ăn không thể thiếu nay đang lâm vào tình trạng thua lỗ trầm trọng, mất kiểm soát và gần như... rơi tự do. Tình hình nghiêm trọng đến mức người Đức đã phải gọi cuộc khủng hoảng này bằng một phức từ mới: “Cái chết của báo in”.

Song những tín đồ trung thành với báo giấy vẫn trăn trở, không muốn tin vào điều đó. Họ tin rằng, báo giấy chắc chắn sẽ không thể chết dần như thế. Báo giấy chỉ đang chống chọi với những khó khăn của thời đại để sang một trang mới.


Sueddeusche Zeitung, một trong những tờ báo in đang gặp khó khăn và bước đầu thành công với hướng đi mới tại Đức

2. Hơn 30 năm trước, ấn phẩm hàng ngày của người dân Munich mang tên Abendzeitung luôn duy trì một lượng độc giả ở con số 300.000 người. Vậy mà giờ đây, con số độc giả trung thành với tờ báo này đã giảm mạnh, chỉ còn lại hơn 100.000 người.

Những phòng tin tức lớn từng nhộn nhịp người ra vào của Abendzeitung nay chỉ còn lại những chiếc ghế trống. Cứ mỗi năm, Tổng Biên tập Arno Makowsky lại phải vẽ một đường cong đi xuống trên biểu đồ doanh số bán ra của tờ báo và khi đó, ông chỉ còn biết cười mà như mếu.

Makowsky hiểu rằng ông không thể vực dậy được tờ báo để mỗi năm có thể vẽ nên một đường cong đại diện cho sự phát triển nữa. Những tờ báo in hàng đầu khác của Đức như Berliner Morgenpost, Tagesspiegel, Berliner Zeitung, Hamburger AbendblattHamburger Morgenpost cũng nằm chung số phận.

Nhiều năm qua những tờ báo từng thống trị ngành truyền thông nước Đức giờ chỉ còn cầm cự trước sự suy giảm lượng người đọc mỗi năm. Ở những thành phố lớn như Berlin, Hamburg và Munich, các tờ báo địa phương để mất khoảng 30% lượng độc giả trong một thập kỷ qua. Thậm chí số lượng người đọc quay lưng lại với báo in đang có chiều hướng giảm mạnh hơn nữa.

Báo chí truyền thống không chỉ bị đe dọa bởi internet mà còn bị đe dọa bởi chính những người làm báo chuyên nghiệp.

Hamburger Abendblatt, một trong những tờ báo in đầu tiên ở Đức, đã bị rao bán và buộc phải từ bỏ thị trường báo hằng ngày, gây sốc cho cả ngành báo in ở đất nước này. Ngay cả một tờ báo in có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhà nước cũng không thể thoát khỏi cơn bão khủng hoảng. Một hồi chuông báo tử đã rung lên hết sức nghiệt ngã.

Ông Makowsky biết rằng lượng người đọc trung thành của báo chí ở Đức trong nhiều thập kỷ qua đã giảm sút bởi sự phát triển của Internet, của công nghệ thông tin. Độc giả vì nhiều lý do như tiền bạc, thời gian đã từ bỏ thói quen đọc báo giấy để sử dụng internet như một công cụ cập nhật thông tin hữu hiệu nhất. Các công ty, tổ chức, doanh nghiệp dần chi ít tiền hơn vào quảng cáo trên báo in càng khiến ngành báo chí truyền thống gặp nhiều khó khăn.

3. Báo chí truyền thống không chỉ bị đe dọa bởi internet mà còn bị đe dọa bởi chính những người làm báo chuyên nghiệp. Không ít các tổ chức, các tòa soạn đã chấm dứt xuất bản báo in (như trường hợp của tạp chí hàng đầu Newsweek ở Mỹ) để chuyển hẳn sang một tờ báo điện tử hoàn toàn.

Nhiều tờ báo mạng đã gặt hái thành công nhờ đáp ứng được nhu cầu của độc giả, cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, khác biệt và với chi phí thấp hơn hẳn báo in. Những tờ báo mạng, dần có chỗ đứng nhất định trên internet cùng với công cụ tìm kiếm hay các mạng xã hội... đã và đang chiếm hết mọi thị phần của báo in vốn chậm chạp và quá nặng nề.

Kỳ 2: “Sự thích nghi của ngành báo in Đức trong thời đại mới”

Nguyễn Hồng Đăng (theo Spiegel)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm