Giải Nobel 2013: Những người đoạt giải Nobel tiêu tiền ra sao

08/10/2013 10:14 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Giải Nobel không chỉ là phần thưởng danh giá với những ai đoạt giải mà còn mang lại rất nhiều tiền. Điều khiến người ta tò mò là các nhà nghiên cứu sẽ tiêu ra sao với khoản tiền lên tới cả triệu USD mà họ nhận được.

Tuần này các giải thưởng Nobel sẽ lần lượt được công bố ở Stockholm, Thụy Điển và lễ trao giải sẽ diễn ra trong tháng 12. Mỗi giải thưởng sẽ gồm một khoản tiền trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (1,2 triệu USD). Đó rõ ràng với các nhà khoa học đây không phải là khoản tiền nhỏ dùng để tiêu vặt.

Mua nhà, sửa xe, gửi tiết kiệm

Một số người có các khoản mua sắm đặc biệt, ví dụ như nhà sinh học người Anh Richard Roberts đã cho lắp đặt một sân bóng rổ trước cửa nhờ giải thưởng Nobel Y học 1993. Khi Paul Nurse giành giải Nobel Y học 2001, ông đã nâng cấp chiếc xe máy của mình.

Nhưng đa số những người khác có các khoản chi tiêu thực tế hơn, như sắm đất, trả nợ tiền mua nhà hoặc đóng tiền cho con học đại học. Phillip Sharp, người đồng lĩnh giải Nobel Y học 1993, đã tiêu tiền vào một ngôi nhà cổ 100 năm tuổi. Ông nói với AFP rằng tiền là một phần thú vị, nhưng điều quan trọng hơn về giải Nobel là việc được ghi nhận.


Richard Robert đã xây một sân bóng rổ trước cửa sau khi giành giải Nobel

Wolfgang Ketterle tại Học viện Công nghệ Massachusetts, người giành giải Nobel Vật lý 2001 cùng 2 cộng sự, đã đổ tiền cho con học đại học. Ông nói rằng tiền mang về nhà không còn nhiều vì bị đánh thuế thu nhập vãng lai.

"Tôi chẳng làm gì đặc biệt cả. Tiền chảy hết vào sổ tiết kiệm của tôi" - Frank Wilczek, người đoạt giải Nobel Vật lý 2004 nói - "Số tiền đó cũng giúp tôi thoải mái hơn trong việc nâng cấp nhà nghỉ mùa hè của mình ở New Hampshire".

"Trả giá" khi lĩnh giải

Wilczek đùa rằng ông phải trả giá nhất định khi lĩnh giải Nobel. "Mặc dù phần lớn chi phí tới nhận giải đều đã được người ta thanh toán, vẫn có những khoản chi tiêu khá lớn liên quan tới tuần lễ nhận giải Nobel, đặc biệt là khi anh mua khá nhiều quần áo chưng diện cho vợ con và bản thân nhân sự kiện, bên cạnh chi phí đi lại, ăn ở cho một số vị khách, mở một hai bữa tiệc ở Stockholm" - ông nói.

Ngoài ra, người thắng cuộc không phải lúc nào cũng mang về nhà toàn bộ 1,2 triệu USD. Số tiền này thường được chia đều cho những người giành giải (có thể tối đa 3 người). Ngoài ra nếu người lãnh giải sống ở Mỹ, chính quyền liên bang sẽ lập tức "xén" 40% số tiền thông qua thuế. Tiền thưởng giải Nobel vì thế chẳng còn lại bao.

Chính sách đánh thuế nặng khiến nhà vật lý George Smoot ở Đại học California, Berkeley, đã chọn việc tặng tiền từ giải Nobel Vật lý 2006 cho một quỹ chuyên cấp học bổng cho các tài năng. "Nếu tôi nhận giải, Mỹ và bang California sẽ lấy đi nửa số tiền" - Smoot giải thích - "Theo cách này, sẽ có nhiều tiền được đổ tới cho người trẻ tuổi, giúp thay đổi cuộc đời họ về hướng tốt đẹp".

Nhà khoa học đoạt giải Nobel vật lý 2006 John Mather  đã tặng phần tiền của mình cho Quỹ Khoa học và Nghệ thuật John & Jane Mather, nơi hỗ trợ các hoạt động khiêu vũ, học bổng, tiền vay đi lại cho các thực tập sinh của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và nhiều thứ khác. Ông làm thế bởi hoạt động nghiên cứu của mình có sử dụng tiền của NASA, vốn lấy từ ngân sách. Việc đầu tư trở lại cho xã hội khiến ông thấy thanh thản hơn. 


Lễ xướng tên người đoạt giải Nobel

Tiền không phải yếu tố quyết định

Quyết định tiêu tiền ra sao thường khá mất thời gian khi những người đoạt giải chìm trong các buổi thuyết giảng, hội họp... trong năm đầu tiên. "Tôi không vướng bận lắm với việc tiêu tiền thưởng. Tôi có quá ít thời gian" - Serge Haroche, người giành giải Vật lý 2012 nói. Lars Heikensten, Giám đốc điều hành Quỹ Nobel, nói rằng những người đoạt giải cũng thể hiện ít dấu hiệu sẽ lao đi mua sắm và tiêu tiền. "Tôi nghĩ (hoạt động tiên tiền) tùy thuộc việc họ tới từ nước nào, tài chính cá nhân... thu nhập họ có ra sao trước khi lãnh giải và họ đang ở đâu trong cuộc sống" - ông nói.

Và trong nhóm những người đoạt giải Nobel, các cá nhân tổ chức giành giải Nobel Hòa bình thường có sự lựa chọn tiêu tiền dễ dàng hơn. Nguyên nhân do giải thường rơi vào tay các chính trị gia, tổ chức và các nhà hoạt động, vốn bị công chúng "soi" kỹ hơn. Nhiều người như Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm 2009 và Liên minh châu Âu hồi năm 2012, đã quyên tiền cho từ thiện.

Những người đoạt giải Văn chương kín tiếng hơn về việc tiêu tiền. Và trong khi giải thưởng có thể giúp họ bớt nghĩ về cơm áo gạo tiền trong vài năm,chúng vẫn có tác dụng ngược nhất định. "Giải Nobel sẽ thực sự thay đổi sự nghiệp của họ. Trong năm đầu tiên sau khi lãnh giải, họ sẽ viết ít hơn, nhưng sẽ dần tiếp tục sau 1 hoặc 2 năm" - Anna Gunder, một chuyên gia Nobel Văn chương nói.

Mặc dù giá trị tiền thưởng giải Nobel đã giảm đi vì suy thoái kinh tế và Ủy ban trao giải Nobel khó có khả năng tăng tiền trong tương lai gần, nhưng ít người sẽ than phiền khi được thông báo nhận giải. "Tôi không nghĩ tiền là vấn đề chính" - nhà vật lý Haroche nói - "Tôi cho rằng giải thưởng vẫn danh giá kể cả khi không có tiền.

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm