CIA công bố hồ sơ mật: Mỹ từng đánh cắp tàu ngầm Liên Xô ra sao?

25/04/2014 07:13 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Đã bao giờ bạn có ý tưởng đánh cắp một chiếc tàu ngầm quân sự bị tai nạn chìm xuống đáy biển? Nếu câu trả lời là có, bạn không đơn độc, bởi một cơ quan hùng mạnh như Cục tình báo trung ương Mỹ cũng từng có ý định tương tự.

Sau khi một chiếc tàu ngầm Golf 2 của Liên Xô chở theo các đầu đạn hạt nhân với sức công phá 4 megaton và thủy thủ đoàn 70 người bị chìm ở Thái Bình Dương vào tháng 10/1968, Hải quân Liên Xô đã không thể lần ra con tàu, dù mất vài tháng tìm kiếm.

Kế hoạch đặc biệt

Đó là khi chính quyền Mỹ tổ chức một cuộc tìm kiếm riêng, nhằm thu lấy các thông tin bí mật giá trị từ con tàu. Nhưng để che giấu ý định của mình, chính quyền đã tuyển mộ sự giúp đỡ của tỷ phú lập dị Howard Hughes. Từ đây một câu chuyện thú vị như trong phim đã ra đời, nhưng chẳng ai hay biết do yếu tố bí mật, và chỉ mới được Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) giải mật thời gian gần đây.


Một chiếc tàu ngầm Golf 2 của Liên Xô, giống chiếc đã bị chìm xuống Thái Bình Dương vì tai nạn

Các tài liệu thời Chiến tranh Lạnh được giải mật đã mô tả lại chi tiết lịch sử hoạt động tìm kiếm tàu ngầm Golf 2, trong khuôn khổ chương trình mang tên "Dự án AZORIAN". Theo đó, không lâu sau khi Liên Xô từ bỏ nỗ lực tìm kiếm, quân đội Mỹ đã phát hiện chiếc tàu ngầm nằm tại một khu vực hẻo lánh, sâu hơn 5km so với mặt biển, cách phía Đông Bắc Hawaii 2.300km.

Người Mỹ lập tức lên kế hoạch trục vớt con tàu. Sau một quá trình nghiên cứu dài hơi, các kỹ sư và khoa học gia của CIA quyết định chế tạo một chiếc càng gắp cơ khí khổng lồ, treo nó vào trong một con tàu cỡ bự, thông qua cánh cửa bí mật giấu trong thân tàu.  Càng gắp này được thiết kế để chìm xuống đáy biển, quắp lấy chiếc tàu ngầm và đưa nó trở lại mặt biển.

Bình phong hoàn hảo

Từ đây câu chuyện trở nên kỳ cục hơn một chút. Một khi đã trở lại mặt biển, con tàu ngầm sẽ được đưa lên một chiếc xà lan khổng lồ với phần mái có thể thu vào. Được thiết kế có thể chìm xuống dưới mặt nước, xà lan này sẽ giữ cho tàu Golf 2 không nổi lên và qua đó không bị điệp viên Liên Xô phát hiện.

Tuy nhiên dự án AZORIAN đối mặt với một trở ngại lớn: không dễ để che giấu hoạt động trục vớt quy mô lớn như thế trước con mắt nghi ngờ của Liên Xô. Hiển nhiên người Nga muốn bí mật quân sự của họ nằm yên dưới đáy biển thay vì trong phòng nghiên cứu của Mỹ.

Vụ trộm tàu ngầm của CIA đã truyền cảm hứng cho bộ phim James Bond The Spy Who Loved Me sản xuất năm 1977.
Vậy là CIA phải tìm tới sự giúp đỡ của Howard Hughes, một nhà công nghiệp lập dị, dùng ông làm bình phong để chống lại mọi nghi vấn rằng Washington đang làm gì đó mờ ám. Một bản ghi nhớ CIA gửi cho cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger vào năm 1974 ghi rõ: "Ông Howard Hughes được ghi nhận là một doanh nhân tiên phong với nhiều mối quan tâm kinh doanh; ông ấy có nguồn tài chính cần thiết; ông ấy thích làm việc trong bí mật; sự lập dị trong cá tính của ông ấy đặc biệt tới mức tin tức trên báo chí về các hoạt động của ông ấy thường gây bán tín bán nghi".

Hiển nhiên canh bạc đã diễn biến theo hướng người ta mong muốn. Khi Hughes điều đi một con tàu mang tên Hughes Glomar Explorer (HGE), báo chí đã thi nhau loan tin. Tuy nhiên họ nói rằng HGE tới vùng biển nơi chiếc tàu ngầm Liên Xô bị chìm chỉ để thử khai thác mỏ ở vùng biển sâu. "Cuộc đua đã bắt đầu trong việc khai thác kho tàng khoáng sản giàu có nằm sâu dưới đáy biển" - tờ The Economist đã từng ngây thơ ca tụng như thế.

Suýt nữa thành công

Năm 1974, HGE thành công trong việc thu lấy một mảng của chiếc tàu ngầm Liên Xô. Nhưng phần còn lại của con tàu đã bị vỡ tan, khi thiết bị trục vớt không hoạt động như thiết kế. Từ đây tin tức về hoạt động của HGE bắt đầu rò rỉ ra ngoài.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn với dự án AZORIAN, khi tin đồn lan nhanh và thu hút sự chú ý của cánh báo chí điều tra. Họ chất vấn về dự án và nghi ngờ có sự nhúng tay của chính quyền.

Cuối cùng vào năm 1975, tờ Los Angeles Times và các hãng tin lớn khác đã đăng tải nhiều bài viết về hoạt động trục vớt tàu ngầm, sau khi tiến hành đột nhập vào một văn phòng đại diện của công ty Hughes tại Los Angeles. Trong vụ đột nhập, họ đã lấy đi vài hộp đựng tài liệu, gồm các văn bản mô tả hoạt động trục vớt tàu ngầm Golf 2.

Biến cố khiến Kissinger nhanh chóng đề nghị hủy bỏ hoạt động trục vớt. "Giờ chuyện đã rõ rằng người Liên Xô sẽ không có ý định cho phép chúng ta thực hiện một nhiệm vụ trục vớt thứ hai mà không can thiệp" - ông viết trong một bản ghi nhớ gửi Tổng thống Gerald Ford - "Một tàu kéo Liên Xô đã hiện diện tại mục tiêu kể từ ngày 28/3 (1975) và có mọi dấu hiệu cho thấy phía Liên Xô sẽ duy trì giám sát ở đó".

Với những lời này, dự án AZORIAN bị hủy bỏ chóng vánh, sau khi CIA đã đổ vào nó nhiều năm công sức và 800 triệu USD tiền thuế của dân. Tàu HGE về sau được bán cho một công ty khoan khai thác và tới nay tàu ngầm Golf 2 chứa đầu đạn hạt nhân của Liên Xô vẫn nằm yên lặng dưới đáy biển.

Tường Linh (Theo Live Science)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm