Bức tranh màu xám của kinh tế châu Âu trong đại dịch COVID-19

25/08/2020 12:20 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu. Thực tế này được phản ánh qua những con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế âm tại nhiều nước.   

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 5,2%

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 5,2%

Ngày 8/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020. Theo báo cáo, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do cú sốc nhanh và lớn của dịch COVID-19 gây ra cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, tại Anh, tỷ lệ thất nghiệp chính thức mới được công bố đến cuối tháng 6 chỉ là 3,9%, mức tương đối thấp trong mọi hoàn cảnh, còn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng âm do dịch bệnh thì con số trên lại càng ấn tượng.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là vì Anh vẫn đang trong giai đoạn áp dụng các chương trình hỗ trợ giữ việc làm cho người lao động, theo đó chính phủ hỗ trợ 80% mức lương để các doanh nghiệp chi trả cho người lao động không thể đi làm do dịch bệnh.   

Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ trên sẽ kết thúc vào tháng 10 tới. Bắt đầu từ tháng 8 này, các doanh nghiệp bắt đầu phải chia sẻ chi phí trả lương cho nhân viên nghỉ làm. Số liệu thất nghiệp tại Anh thường có độ trễ 2 tháng so với thực tế, nên không thể biết chính xác tỷ lệ thất nghiệp hiện tại.

Tuy nhiên, các số liệu về thất nghiệp được công bố trong thời gian tới chắc chắn sẽ rất lớn. Ngày 18/8, chuỗi cửa hàng Marks & Spencer thông báo sẽ cắt giảm 7.000 việc làm. Bán lẻ và nhà hàng, khách sạn sẽ là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng cả lĩnh vực văn phòng cũng sẽ bị tác động mạnh. Accenture, một hãng tư vấn, cũng đang có kế hoạch cắt giảm 900 việc làm – tương đương với 8% lượng nhân lực của hãng tại Anh. Nhiều hãng luật, trong đó có cả những tên tuổi lớn như DWF và BCLP, cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự.

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ mua sắm bên ngoài một siêu thị ở Gateshead, Anh ngày 9/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 7,5%, trong khi Văn phòng Trách nhiệm ngân sách, cơ quan giám sát tài khóa độc lập, lại đưa ra dự báo bi quan hơn ở mức 12% trước khi giảm xuống. Nếu so với quy mô tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế thì cả hai dự báo trên vẫn tương đối thấp. Điều này phản ánh quan điểm cho rằng, nhờ bãi bỏ các chính sách điều tiết trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, thị trường lao động của nước Anh đã trở nên linh hoạt hơn.   

Hiện hầu hết các nước châu Âu đang hỗ trợ việc làm thông qua các chương trình giúp trả lương nhân viên nghỉ việc và các chương trình làm việc bán thời gian. Pháp đã gia hạn chương trình này thành hai năm, và Đức nhiều khả năng cũng hành động tương tự. Mỹ chấp nhận tỷ lệ người lao động mất việc làm tăng, nhưng bù đắp lại là các khoản phúc lợi khá hào phóng. Chính phủ Anh dự kiến sớm phải chấm dứt các chương trình hỗ trợ hiện tại trong khi không thể tăng trợ cấp thất nghiệp.

Chú thích ảnh
Một nhà hàng phải đóng cửa do dịch COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Tháng 3 vừa qua, Anh chỉ tăng thêm 20 bảng/tuần cho phụ cấp Tín dụng Tổng hợp (Universal Credit). Tỷ lệ bù trợ cấp – tỷ lệ trợ cấp người lao động được hưởng so với mức thu nhập khi đi làm – của Anh ở mức thấp nhất trong nhóm các nước phát triển, và còn thấp hơn cả của chính nước này trong những năm 90 của thế kỷ trước. Thất nghiệp gia tăng không chỉ gây tổn hại trực tiếp cho người lao động, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng sức mua của cả nền kinh tế.   

Trong khi đó, sự hồi phục các hoạt động kinh tế tại Bỉ diễn ra với tốc độ chậm, nhất là vùng thủ đô Brussels và vùng nói tiếng Pháp Wallonie. Nhu cầu của người tiêu dùng thấp là nguyên do quan trọng nhất khiến doanh thu sụt giảm ở hầu hết các ngành.   

Theo kết quả một khảo sát của tập đoàn đánh giá rủi ro ERMG mới công bố, các công ty Bỉ ước tính doanh thu của họ ở thời điểm hiện tại vẫn thấp hơn 13% so với mức bình thường. Tuy nhiên, tình hình này vẫn khả quan hơn so với tháng 4 - thời điểm doanh thu của các doanh nghiệp giảm lên đến hơn 30%.   

Sự sụt giảm doanh thu ở các vùng của Bỉ là không đồng đều. Cụ thể, tỷ lệ này ở vùng nói tiếng Hà Lan Flanders là 11%, tại vùng thủ đô Brussels và vùng nói tiếng Pháp Wallonie lên tới 24%. Điều đó cho thấy nền kinh tế của hai vùng này gặp khó khăn hơn nhiều trong cuộc khủng khoảng y tế COVID-19. Cùng với đó là việc phục hồi chi tiêu của các hộ gia đình tại Brussels và Wallonie cũng kém hơn vùng Flanders.   

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Tính chung cả nước Bỉ, cho đến nay, lĩnh vực nghệ thuật, sân khấu, dịch vụ vui chơi và giải trí bị ảnh hưởng nhiều nhất. Doanh thu của lĩnh vực này giảm tới 80% so với mức bình thường. Trong ngành khách sạn, doanh thu chỉ đạt mức dưới 60% so thời kỳ trước dịch. Vào tháng 6, việc mở cửa trở lại của các quán bar và nhà hàng đã có tác động tích cực và đáng kể đến doanh thu, nhưng sự cải thiện là rất nhỏ.   

Công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng với doanh thu sụt giảm khoảng 16%, chưa kể mức sụt giảm 25% ghi nhận hồi tháng 4/2020 - thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh. Nhiều ngành khác có mức giảm trung bình từ 5 đến 10%. Chỉ có ngành bán lẻ thực phẩm đã trở lại mức gần bình thường. Dự báo, doanh thu của các doanh nghiệp tiếp tục sụt giảm trong năm 2021. Ngành nghệ thuật, sân khấu, giải trí, cùng với du lịch, khách sạn và nhà hàng được dự báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với mức sụt giảm lên tới 40%.   

Ngày 24/8, Chính phủ Séc gia hạn chương trình hỗ trợ việc làm trong thời kỳ chống dịch COVID-19 đến cuối tháng 10, thay vì chỉ kéo dài đến hết tháng 8 như kế hoạch ban đầu. Theo Bộ Lao động và các vấn đề xã hội của Séc, nhiều doanh nghiệp vẫn cần sự trợ giúp của chính phủ trong việc chia sẻ chi phí trả lương cho nhân viên trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.   

Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 24/8 đã đề xuất giải pháp cấp 81,4 tỷ euro (96 tỷ USD) cho 15 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ứng phó với tác động của dịch COVID-19 trong lĩnh vực việc làm. Theo đó, các nước trong danh sách này sẽ nhận được khoản trợ cấp thông qua công cụ Hỗ trợ Giảm thiểu nguy cơ thất nghiệp trong tình huống khẩn cấp (SURE) - vốn được xây dựng để bảo vệ người làm công ăn lương bị ảnh hưởng do COVID-19. Nếu được thông qua, khoản hỗ trợ tài chính này sẽ được cấp dưới dạng khoản vay ưu đãi. Danh sách 15 nước đề xuất được hưởng khoản vay này là những nước chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh như Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Romania, Hy Lạp.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm