Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ từ chức: Ai sẽ thay ông Chuck Hagel ngồi ghế nóng?

26/11/2014 07:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từ chức hôm 24/11 không khiến giới quan sát ngạc nhiên nhiều, bởi lâu nay đã có những lời bàn ra tán vào về việc ông phù hợp cho cương vị này. Điều khiến người ta quan tâm hơn là ai sẽ thay thế ông Hagel.

Bất kỳ cá nhân nào lên thay thế ông Hagel cũng đều sẽ phải trải qua quá trình "phê duyệt" tại Ủy ban quân sự Thượng viện do Thượng nghị sĩ John McCain (Đảng Cộng hòa) lãnh đạo.

Ông là người chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Tổng thống Barack Obama và đã tấn công lia lịa Hagel bằng nhiều câu hỏi khó trong buổi điều trần phê chuẩn việc bổ nhiệm hồi tháng 2/2013. Phải vất vả lắm, Hagel mới vượt qua buổi điều trần đó.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ là phụ nữ?

Một trong những cái tên sáng giá được nêu ra thay thế ông Hagel là Michele Flournoy. Bà từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách chính sách từ tháng 2/2009 tới tháng 2/2012, thời các ông Robert Gates và Leon Panetta điều hành Lầu Năm Góc. Sau khi từ nhiệm, bà nói rằng cần thời gian để tái cân bằng cuộc sống, nhưng thực tế vẫn hoạt động rất tích cực ở Washington.

Trước đây, Flournoy bị một số người ở Nhà Trắng xem là có quan điểm quá ủng hộ và ít phê phán quân đội. Họ đánh giá việc bổ nhiệm bà sẽ khiến ông Obama vướng phải những màn đối đầu, giống như ông từng trải qua với một số lãnh đạo quân đội trong nhiệm kỳ đầu tiên, liên quan tới vấn đề Afghanistan.


Bà Michele Flournoy và ông Ashton Carter, 2 ứng cử viên hàng đầu cho ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ

Flournoy hiện là Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), một tổ chức tư vấn phát triển chính sách an ninh quốc gia. Bà đã đồng sáng lập CNAS hồi năm 2007 và ngồi ghế Chủ tịch Trung tâm cho tới năm 2009, khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nhân vật thứ 2 sáng giá không kém là Robert Work. Ông đang ngồi ghế Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đã từng là Thứ trưởng Bộ Hải quân. Work, một đại tá Lính thủy đánh bộ về hưu, còn là Giám đốc điều hành CNAS trước khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn để trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào tháng 4 năm nay.

Work nổi tiếng là người thích nói thẳng vào vấn đề. Với tư cách là lãnh đạo cao cấp thứ 2 ở Lầu Năm Góc, ông đảm nhiệm hoạt động kiểm tra ngân sách của Bộ Quốc phòng và xử lý nhiều cuộc khủng hoảng trong mấy tháng gần đây. Đơn cử là việc ông đang lãnh đạo hoạt động đánh giá lại cách thức Bộ Quốc phòng Mỹ quản lý kho vũ khí hạt nhân, sau khi xuất hiện khá nhiều bê bối liên quan tới lực lượng chiến lược này thời gian gần đây.

Nhân vật thứ 3 là Ashton Carter, người từng nắm ghế Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ từ tháng 10/2011 cho tới tháng 12/2013. Ông đã từ chức sau khi chính quyền Obama lựa chọn ông Hagel ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Giống như Work, ông giám sát nỗ lực cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ. Ông còn hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc gia suốt nhiều năm.

Carter, người từng là giáo sư tại Đại học Harvard, được xem là giỏi ăn nói, thấu hiểu rõ hoạt động của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên ông không sở hữu khả năng gây ảnh hưởng chính trị lớn. Điểm yếu này sẽ làm giảm rất mạnh khả năng của ông trong việc được đề cử vào vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chuck Hagel mới từ chức

Không nhiều lựa chọn khác

Ngoài 3 gương mặt sáng giá kể trên, một số cái tên đã được nhắc tới gồm Thượng nghị sĩ Jack Reed của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên một phát ngôn viên của ông Reed tuyên bố hồi đầu tuần này rằng ông không quan tâm tới công việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. "Thượng nghị sĩ Reed yêu công việc hiện nay và muốn tiếp tục phụng sự người dân Rhode Island thông qua Thượng viện Mỹ" - phát ngôn viên Chip Unruh nói.

Bộ trưởng Bộ Hải quân Ray Mabus cũng từng được đưa ra thảo luận hồi năm 2011, trước khi ông Panetta được lựa chọn. Tương tự là Bộ trưởng Bộ Lục quân John McHugh.

Các sĩ quan quân đội cao cấp mới về hưu không được xét tới, do rào cản từ luật liên bang. Luật pháp Mỹ quy định rõ rằng chỉ cân nhắc một cựu sĩ quan quân đội 7 năm sau thời điểm người này về hưu. Quy định đã buộc người ta phải loại bỏ các viên tướng nổi tiếng như James Mattis và Stanley McChrystal.

Có một ngoại lệ thú vị cho quy định này. Đó là Tổng thống Harry Truman từng lựa chọn Tướng George Marshall làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hồi năm 1950, chỉ 5 năm sau khi ông về hưu. Marshall là ngoại lệ hiếm hoi vì nhiều lý do. Ông từng là Ngoại trưởng Mỹ từ năm 1947 tới năm 1949 nên đã quen với hoạt động trong chính quyền. Việc ông được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng chỉ diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ cho phép điều này.

Ông Hagel từ chức vì thay đổi tính chất công việc

Theo nhà phân tích Jon Sopel của hãng tin BBC, Chuck Hagel là một Bộ trưởng thân thiện và không làm các trò vớ vẩn. Ông cũng là một người Cộng hòa hiếm hoi trong đội ngũ an ninh quốc gia toàn người thuộc Đảng Dân chủ ở Nhà Trắng.

Tuy nhiên yếu tố đảng phái không quan trọng trong việc ông từ chức. Theo Sopel, Hagel đã đồng ý trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ đưa lính từ các chiến trường nước ngoài trở về và cắt giảm ngân sách quốc phòng khổng lồ của Mỹ. Tuy nhiên khi nhậm chức, ông thấy rằng công việc của mình đã thay đổi về căn bản, đặc biệt là sau khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất hiện. Các tính toán về an ninh, quốc phòng của Mỹ đã thay đổi theo sau sự xuất hiện của IS, đẩy Hagel vào thế đối đầu với Obama.

Việc Mỹ thiếu một chiến lược rõ ràng trong việc đối phó với IS được Sopel đánh giá là do ông Obama và ông Hagel không có quan điểm chung với nhau. Sau thất bại chính trị lớn trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, ông Obama giờ đang rất cần một chiến thắng về mặt quân sự để khôi phục thế cân bằng. Một sự thay đổi ở vị trí lãnh đạo là biểu tượng cho thấy quyết tâm này.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm