Real, Barca 'tiếp tay' cho cầu thủ trốn thuế?

31/10/2014 14:57 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài hứa hẹn về tương lai tươi sáng, mức thuế thu nhập ở từng quốc gia ảnh hưởng rất lớn tới quyết định chuyển tới một đội bóng khác của cầu thủ.

Trước năm 2010, Premier League luôn ghen tị với Liga về khả năng thu hút các cầu thủ ngoại tới thi đấu. Không phải giải đấu hàng đầu nước Anh thua kém với Liga, mà bởi ưu đãi về thuế ở xứ đấu bò.

Sự biến mất của luật Beckham

Năm 2004, nhằm thu hút các ngôi sao nước ngoài tới Tây Ban Nha, chính phủ nước này đã ra biểu thuế hết sức ưu đãi dành cho những người nước ngoài làm việc tại đây. Với những cá nhân có thu nhập trên 600.000 euro/năm trở lên, mức thuế sẽ là 24%.

Thời điểm ra đời biểu thuế này trùng với sự kiện Real Madrid chiêu mộ ngôi sao David Beckham từ Man United. Kể từ đó, luật thuế này được gọi dưới cái tên “Luật Beckham”. Với chính sách thuế mới này, Liga được coi là thiên đường của bóng đá châu Âu, thu hút được nhiều ngôi sao tên tuổi.

Nhưng niềm vui của Liga chỉ tồn tại đến năm 2010. Cuộc khủng hoảng tài chính sâu rộng buộc Tây Ban Nha phải ra những quyết sách mới nhằm giải quyết vấn đề. Xóa bỏ luật Beckham là một trong những đề xuất hàng đầu của chính phủ nước này. Thảo luận nhanh chóng đạt được sự đồng thuận và luật Beckham biến mất vĩnh viễn vào ngày 1/1/2010. Kể từ đó, những cầu thủ nước ngoài gia nhập Liga phải chịu mức thuế thu nhập 43%. Một năm sau đó, mức thuế này tăng lên 52%, riêng đối với xứ Catalunya là 56%.

Biểu thuế mới mà chính phủ Tây Ban Nha áp dụng đã đưa mức áp thuế thu nhập ở các quốc gia có những giải đấu hàng đầu gần như ngang bằng nhau. Ở Tây Ban Nha là 52%, ở Anh là 45%, ở Đức 47,75%, ở Italy là 46,29% và tại Pháp là 45%. Premier League, Bundesliga, Serie A, Ligue I hân hoan trước quy định mới, còn Liga thì buồn bã.

Lách luật để trốn thuế?

Nhưng thương trường luôn chứa đựng những mánh khóe. Để giúp các cầu thủ không phải tiêu tốn quá nhiều nguồn thu vào việc đóng thuế, các CLB Liga đã trả 15% tiền lương cho họ qua đường bản quyền hình ảnh. Bê bối này mới bị tờ El Mundo phanh phui và đưa lên trang nhất số báo ngày 29/10.

Trong quá trình theo sát các cầu thủ có dấu hiệu trốn thuế, phóng viên của tờ báo này đã phát hiện chính các CLB chủ quản lại cổ súy cho hành vi sai trái của cầu thủ để đôi bên cùng có lợi. Thu nhập của cầu thủ không bị cắt xén quá nhiều để thực hiện nghĩa vụ với nhà nước Tây Ban Nha bởi tiền bản quyền hình ảnh chỉ phải đóng mức thuế 30%, thấp hơn gần 1 nửa so với mức thuế đánh lên thu nhập cá nhân. Còn CLB vẫn ngầm tạo được sức hút với những ngôi sao bên kia đại dương.

Theo El Mundo, để thực hiện mánh khóe này, các CLB đã tự lập ra công ty “ma” để trả tiền bản quyền hình ảnh cho các cầu thủ. Tờ báo cũng nêu đích danh những cầu thủ được CLB “tiếp tay”, trong đó có Iker Casillas (Real Madrid), Andres Iniesta, Xavi Hernandez, Gerard Pique (Barcelona) và Xabi Alonso (đã chuyển từ Real sang Bayern Munich).

Barca lẫn Real vẫn chưa lên tiếng bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu phát hiện của El Mundo là đúng sự thật, nó sẽ ảnh hưởng nặng nề lên vấn đề chuyển nhượng trong tương lai của 2 CLB này. Một khi đã bị cơ quan thuế vụ “sờ gáy”, Barca và Real sẽ không thể dùng mánh khóe giúp cầu thủ trốn thuế. Đồng nghĩa, sức hút của họ đối với các ngôi sao cũng ít dần đi.

Biểu thuế từ lâu luôn đóng vai trò lớn trong việc lựa chọn điểm đến của cầu thủ. Cristiano Ronaldo rời Man United để đến với Real vào năm 2009 cũng một phần vì muốn hưởng lợi từ luật Beckham. Với nhiều cầu thủ, đôi khi vì mức thuế cao mà họ lựa chọn đến với những giải đấu ít hấp dẫn hơn về mặt chuyên môn. Đơn giản, họ muốn đảm bảo cho gia đình một cuộc sống tốt và tài chính cho quãng thời gian còn lại của cuộc đời.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm