Bày trống, đàn, quạt, nón; gọi hồn phố xưa

14/07/2012 10:33 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trống, đàn, quạt, nón là 4 sản phẩm truyền thống của các phố thuộc phường Hàng Gai nằm trong Hà Nội 36 phố phường xưa. Giờ đây các sản phẩm này đã được tái hiện trong một chuỗi triển lãm đặc biệt gợi lại cái hồn của phố phường xưa trong hình thức nghệ thuật đương đại.

Chiều 12/7, tại Đình Kim Ngân, 42  Hàng Bạc, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã khai mạc Hoạt động văn hoá Nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại. Sự kiện này mang tới những cái nhìn tươi mới hơn về các sản phẩm nghề truyền thống thông qua nghệ thuật hiện đại.


Sắp đặt với nón lá, quang gánh và đèn dầu

Tại cuộc trưng bày có 4 sản phẩm truyền thống tiêu biểu của 4 làng nghề được giới thiệu với công chúng, đó là: nón làng Chuông, Quạt Chàng Sơn, Đàn Đào Xá, Trống Đọi Tam sẽ diễn ra tại bốn điểm di tích trong khu phố cổ: đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc); đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào; Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây; và Trung tâm Thông tin Phố cổ Hà Nội, 28 Hàng Buồm. 

Ông Phạm Tuấn Long – Phó Trưởng ban thường trực BQL Phố cổ Hà Nội cho biết: Trống, đàn, quạt, nón, 4 nghề nằm trong phường Hàng Gai. Phố cổ xưa có 10 phường như thế này. Khi mà các phố không còn là phố chuyên doanh về sản phẩm mà chúng mang tên nữa, ví dụ phố Hàng Nón và phố Hàng Quạt thì còn tên phố nhưng không còn sản phẩm bán ở đó. Vì thế, những dịp như thế này là để vinh danh, tái hiện phần nào hình ảnh phố cổ Hà Nội với những hình ảnh hiện thực của đời sống hiện đại.

Điểm đặc biệt là vẻ đẹp của các sản phẩm nghề truyền thống này được tái hiện thông qua ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt. Để có được một cuộc trưng bày này, các nghệ sỹ đã trải qua một quá trình tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng. Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức – Tổng đạo diễn nghệ thuật của chương trình chia sẻ: "Trước hết, các nghệ sỹ phải đến các làng nghề để tìm hiểu và trò chuyện với các nghệ nhân. Từ đó họ xây dựng ý tưởng và bố cục cho tác phẩm sắp đặt của mình. Không gian trưng bày là ngoài trời, không bị đóng khung trong bốn bức tường. Đó là một không gian dung dị, khơi gợi cảm xúc bằng những đồ vật giản dị. Điều đó làm nên sự gần gũi của nghệ thuật đương đại".


Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, Tổng đạo diễn chương trình

Những sản phẩm nón làng Chuông nổi tiếng xưa nay từ nón lá  đơn thuần đến nón quai thao được trưng bày tại Đình Kim Ngân, 42 -44 Hàng Bạc, tạo nên một vẻ đẹp vừa dung dị, vừa gần gũi lại rất có hồn của một sản phẩm có lịch sử thuộc vào hàng lâu đời nhất ở nước ta. Những chiếc nón lá được sắp đặt cùng với áo tơi, quang gánh, đèn dầu, ghế gỗ nhắc nhớ về hình ảnh của những người mẹ, người chị Việt Nam khắc khổ, tần tảo trong những phiên chợ quê. "Một cái áo tơi, một cái nón và một cái quang gánh thì không nói lên được điều gì. Nhưng khi được tập hợp lại và thể hiện trong một tác phẩm sắp đặt thì sẽ tạo hiệu quả thị giác rất ấn tượng về một buổi chợ quê" - Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức nhận xét.

Tại một điểm trưng bày khác là Đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, các họa sỹ đã mang tới một bối cảnh tổng thể về quá trình hình thành và phát triển của những chiếc quạt. Từ quạt mo cau, quạt giấy thô sơ, đến những chiếc quạt nan sau này..., tất cả đều được trưng bày một cách hết sức ý nhị và sinh động. Nghệ thuật sắp đặt cho phép nghệ sỹ sử dụng cùng lúc nhiều chất liệu để thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Ở đây, việc kết hợp trưng bày những chiếc quạt với rơm, rạ, chõng tre đã mang đến một bức tranh nghệ thuật thật đặc biệt. Với cách sắp đặt tinh tế những chiếc quạt giấy theo hình mái vòm vừa gợi nhớ về những chiếc cổng làng, vừa khéo léo thể hiện công đoạn phơi phóng trong nghề làm quạt xưa kia. Việc kết hợp yếu tố nghệ thuật đương đại ở đây có lẽ chính ở việc sử dụng màu sắc đối lập và mạnh mẽ của họa sỹ đó là màu đỏ và vàng. Những màu sắc dễ khiến người ta hình dung đến màu của sự sung túc, no đủ, của chốn kinh đô xưa.

Bên cạnh việc trưng bày 4 sản phẩm truyền thống, tại một số điểm triển lãm, ban quản lý khu phố cổ Hà Nội còn mời các nghệ nhân làng nghề trực tiếp thao tác và giao lưu với du khách về cách thức tạo nên một sản phẩm thủ công. Cách làm này không chỉ giúp công chúng hiểu thêm về sản phẩm truyền thống mà qua đó còn tái hiện một không gian làm nghề thực thụ.

   Bích Thủy


    

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm