Lý Hoàng Nam đặt mục tiêu vô địch giải Men’s Future ở Việt Nam

20/07/2016 19:43 GMT+7 | Tennis Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Tay vợt Lý Hoàng Nam cho biết: “Trước đây khi dự giải ITF, tôi cũng đã từng vô địch trên sân nhà. Thi đấu ở sân nhà tôi nhận được nhiều sự ủng hộ và tôi quyết tâm sẽ vô địch 1 trong 9 giải Men’s Future sắp tới”.

Để tạo điều kiện tối đa cho các tay vợt chủ nhà có cơ hội cọ xát quốc tế, nâng cao trình độ ngay tại sân nhà, đơn vị chủ quản của Lý Hoàng Nam là Becamex sẽ đăng cai 9 giải đấu Men’s Future. 9 giải tranh Cúp Becamex 2016 được tổ chức tại Cụm sân quần vợt đóng tại Thành phố Mới Bình Dương từ ngày 25/7 đến 6/11. Tổng số tiền thưởng của 1 giải trị giá 10 nghìn USD, bên cạnh nhà vô địch mỗi giải sẽ nhận đến 18 điểm thưởng. Đây có chắc chắn là cơ hội học hỏi lý tưởng cho các VĐV quần vợt Việt Nam.

Giải đã nhận được đơn đăng ký tham dự của nhiều tay vợt mạnh trên thế giới như Alessandro Bega (người Italy, hạng 270 thế giới), Antoine Escoffier (người Pháp, hạng 398 thế giới) hay tài năng người Pháp gốc Việt Tabatruong đang xếp hạng 436 thế giới. “Người quen cũ” mà Hoàng Nam từng chạm trán ở Davis Cup, Rungkat (người Indonesia, hạng 504 thế giới) cũng đến Bình Dương tham dự.

Theo thứ hạng hiện tại, quần vợt Việt Nam có Hoàng Nam giữ thành tích tốp nhất với hạng ngoài 800 ATP và là “quân” của chủ giải nên được suất đặc cách. 3 suất đặc cách còn lại tùy theo tình hình, BTC sẽ linh động trao cho 9 VĐV khác của chủ nhà như Nguyễn Hoàng Thiên, Trịnh Linh Giang, Vũ Artem, Công Tiễn… Các suất đặc cách này cũng có thể trao đổi với VĐV các quốc gia khác sẽ đăng cai giải Men’s Future nhằm tạo điều kiện có lợi cho VĐV Việt Nam.


Hoàng Nam tự tin giành chức vô địch trên sân nhà.Ảnh: Quang Liêm

Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt Bình Dương Lê Việt Cường cho biết: “Với tầm vóc VĐV Việt Nam hiện tại thì tổ chức những giải Men’s Future là vừa tầm nhất. Những giải đấu ở hệ thống Challenger thì chỉ có VĐV thuộc top 300 ATP mới mong đánh nổi. Trong giai đoạn 18 tới 23 tuổi, Hoàng Nam cũng như nhiều VĐV Việt Nam khác sẽ chú trọng tích lũy thể lực nhiều hơn.

Theo tính toán một VĐV châu Á phải 23 đến 24 tuổi mới có thể trưởng thành được. Trước đây chúng tôi đặt mục tiêu cho Hoàng Nam là năm nay phải vào được top 500 nhưng tình hình thực tế đã thay đổi. Từ đây đến năm 23 tuổi, Hoàng Nam sẽ được thoải mái thi đấu mà không bị đặt nặng áp lực thành tích.

Với một VĐV khi thi đấu tốt thì từ top 500 tiến đến top 300 chỉ là chuyện nhỏ. Chúng tôi hay hỏi Hoàng Nam sau mỗi giải đấu rằng em đã cố gắng 100% sức mình từ khi bắt đầu đánh quả đầu tiên đến quả cuối cùng chưa, thay vì hỏi em ấy kết quả thắng thua, hay sao mà đánh dở thế. Nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý VĐV. Chỉ cần nỗ lực hết sức thì chúng tôi sẽ ghi nhận”.

Hoàng Nam chia sẻ: “Năm ngoái, tôi đã từng vào đến bán kết một giải Men’s Future tổ chức ở nước ngoài. Lần này khi trở về nhà, tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ và có rất nhiều lợi thế. Không phải không có áp lực nhưng tôi tin mình sẽ làm được. Mục tiêu của tôi là sẽ vô địch ít nhất 1 giải Men’s Futures trong số 9 giải.

Đây là cơ hội mà Becamex Bình Dương tạo ra và tôi phải nắm lấy. Tôi còn 11 giải Men’s Future và 1 giải Challenger vào cuối năm để hướng tới mục tiêu vào top 500 thế giới trong năm nay”.

Chia sẻ về chuyên môn, ông Lê Việt Cường cho biết: “Hiện tại không có tay vợt nào ở Việt Nam đủ sức đánh nổi 5 set. Thất bại ở giải Davis Cup vừa qua cũng là điều bình thường. Hoàng Nam phải đợi vài ba năm nữa thì mới may ra tích lũy đủ thể lực để chơi với họ.

2 yếu tố mà VĐV Việt Nam thua kém đối thủ xưa đến nay, không chỉ riêng ở quần vợt đó là thể lực và tinh thần. 9 giải Men’s Future sắp tới diễn ra liên tục là để các em học hỏi, tích lũy thể lực cho bản thân và cải thiện mình qua từng giải đấu (do mỗi giải được nghỉ 1 tuần).

Ngoài ra, tinh thần các em sẽ ổn định hơn khi phải thi đấu liên tục, việc được làm quen với giải sẽ giải tỏa sức ép, không còn bị căng cứng tinh thần nữa. Tại giải đấu Davis Cup ở Thái Lan vừa qua, Hoàng Nam đã phải bỏ cuộc giữa chừng.

Hoàng Nam chia sẻ: “Tôi đã chuẩn bị thể lực rất nhiều trước khi lên đường sang Thái Lan nhưng dường như qua đó tôi bị kiệt sức, cộng với tâm lý căng thẳng nữa. Chưa bao giờ trong sự nghiệp của mình tôi phải bỏ cuộc trong set 2. Khi đó, tôi không hiểu vì sao chân mình tê cứng hết, không di chuyển nổi”.


Trang Ý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm