HLV Phan Thanh Hùng: 'Cần nhiều lò đào tạo như Học viện HA.GL Arsenal'

28/09/2013 05:51 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao & Văn hóa cuối tuần đã gõ cửa nhà huấn luyện viên Phan Thanh Hùng, khi ông đang ở quê nhà Đà Nẵng và quyết không cho vị cựu thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam một giờ ngơi nghỉ, sau mùa bóng kéo dài cùng nhà vô địch V-League 2013, Hà Nội.T&T.

* Qua màn thể hiện của đội tuyển U19 Việt Nam tại giải U19 Đông Nam Á vừa qua, cảm nhận của ông thế nào về lối chơi của đội bóng và xa hơn là nền đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam?

- Lần đầu tiên tôi thấy một đội tuyển trẻ Việt Nam có thể tự tin chơi thứ bóng đá hiện đại, giàu sức sống và hiệu quả. Đây là một bước đột phá rõ rệt trong hệ thống đào tạo trẻ và là thành quả bước đầu của riêng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, chứ chưa phải bản chất của nền đào tạo trẻ Việt Nam. Cần có thêm nhiều hơn nữa những học viện hay lò đào tạo kiểu HAGL và Sông Lam Nghệ An, mới hy vọng bóng đá Việt Nam cất cánh được. Đào tạo trẻ là khởi thủy để nâng cấp nền bóng đá, cũng như năng lực chinh phục của đội tuyển quốc gia sau này. Phát triển bóng đá có căn cơ, cũng giống như mô hình kim tự tháp vậy, chân đế mỏng và nhỏ, không thể đòi hỏi sức mạnh ở đỉnh cao được.


HLV Phan Thanh Hùng đánh giá cao thành công của U19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG

* Vậy theo quan điểm của ông, một huấn luyện viên có kinh nghiệm làm bóng đá trẻ và cả bóng đá đỉnh cao, bóng đá Việt Nam cần làm gì ở những bước tiếp theo?

- Chúng ta cần phải có sự đồng bộ và nhất trí cao, từ thượng tầng xuống cấp cơ sở. Vai trò định hướng, điều hành của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vì thế rất quan trọng, nếu không muốn nói là mang tính quyết định trong việc nâng tầm các giải đấu và các đội tuyển quốc gia. Đừng nghĩ rằng, anh có thể khoán trắng cho địa phương, cho doanh nghiệp, rồi họ sẽ đưa nền bóng đá của chúng ta đi lên. Địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp, không làm không công và họ có tiêu chí riêng của mình. Ví như Học viện HAGL khi ra đời, theo tôi được biết, họ hướng tới việc xuất khẩu cầu thủ, trước khi giúp nâng cấp sức mạnh cho các đội tuyển quốc gia.

Mặc dù vậy, cũng phải mất sáu, bảy năm sau, chúng ta mới có được sự đánh giá tương đối về hiệu quả ban đầu của học viện này. Ngay lúc này, VFF đã làm những gì, cho năm, mười, thậm chí là hai mươi năm nữa, để phát triển nền bóng đá? Tôi thấy là chưa có gì cụ thể cả, sự hỗ trợ nhân sự hay định hướng cũng không, ngoài mỗi việc “vay giật” người của câu lạc bộ cho những giải đấu ngắn ngày.

* Ông vừa nhắc đến tiêu chí xuất khẩu cầu thủ của Học viện HAGL, cho đến thời điểm này, liệu có khả thi không? Bóng đá trẻ Việt Nam hiện đang ở đâu, khi căn bệnh thành tích vốn đã thâm căn cố đế?

- Bóng đá thường đi liền với thành tích, điều này cũng bình thường thôi. Tuy nhiên ở các giải đấu trẻ, tôi cho rằng thành tích không quan trọng bằng chất lượng cầu thủ và lối chơi của đội bóng được xây dựng. Với chất lượng đào tạo tốt, trong đó bao gồm cả chế độ dinh dưỡng và trang bị kiến thức nền, như của HAGL chẳng hạn, thành tích ở mức tương đối sẽ tự nhiên đến thôi. Chúng ta vừa xua một đội tuyển trẻ lần đầu tiên ra đấu trường khu vực và đòi hỏi họ phải đem chức vô địch về, như thế là bất công.

Các em U19 Việt Nam nói chung và Học viện HAGL nói riêng, mới vừa chỉ được trang bị và kiện toàn các kỹ năng chơi bóng cơ bản, chứ chưa được thử lửa nhiều để xác lập đẳng cấp hay nghĩ đến chuyện xuất khẩu. Cần có thêm thời gian và môi trường phấn đấu tốt (tức đầu ra), để họ khẳng định mình, trước khi nghĩ đến tiêu chí xa xỉ kia.

* Thực tế là, bóng đá trẻ Việt Nam trong quá khứ từng tạo lập được những cột mốc đáng nhớ, không chỉ tại các giải đấu cấp khu vực mà còn ở cả châu lục. Nhưng tại sao và như thế nào, chúng ta không thể tiếp tục duy trì thành công ấy?

- Chúng ta, với lứa cầu thủ của Văn Quyến, từng lọt vào vòng bốn đội mạnh nhất vòng chung kết U16 châu Á diễn ra ở Đà Năng năm 2000; vẫn là Văn Quyến ở tuổi đôi mươi từng ghi bàn giúp đội tuyển Việt Nam hạ gục Hàn Quốc trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup… Các năm tiếp theo, mà đỉnh điểm là 2007, đội tuyển U17 Việt Nam do tôi dẫn dắt, vô địch U17 Đông Nam Á diễn ra ở Nam Định, U20 Việt Nam vô địch giải U20 Đông Nam Á (giải đấu tên gọi tiền thân của U19 Đông Nam Á bây giờ) tại Thành Long, Olympic Việt Nam lọt vào tới vòng loại thứ ba Olympic Bắc Kinh 2008 và đội tuyển Việt Nam giành quyền chơi tứ kết Asian Cup…, nói chung, đấy là một năm đại cát.



 Các thành viên U19 Việt Nam được chào đón như người hùng ở Tân Sơn Nhất

Tuy nhiên sau đó, chỉ duy nhất một lần đội tuyển Việt Nam lên được tới đỉnh, đó là chức vô địch AFF Cup 2008. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lụn bại của các thế hệ cầu thủ trẻ tài năng, nhưng theo tôi, môi trường phấn đấu và ý chí của bản thân các cầu thủ là quan trọng nhất. Thế nên, chúng ta cũng đừng quá hoan hỉ với những thành công bước đầu của bóng đá trẻ.

* Bóng đá Việt Nam vốn không có truyền thống xuất khẩu cầu thủ, vậy môi trường phấn đấu ở đây há chẳng phải V-League và giải hạng Nhất, những giải đấu được cho là chuyên nghiệp hàng đầu khu vực lại quá kém, thưa ông?

- Tôi không nói là V-League hay giải hạng Nhất của chúng ta kém chất lượng và không đủ làm đầu ra lý tưởng cho cầu thủ trẻ, ngược lại, sau hơn 10 năm tiến lên chuyên nghiệp, chất lượng của giải đấu và sự cạnh tranh đã khốc liệt hơn trước rất nhiều. Các thế lực cũ như Thể Công, Công an Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh hay gần đây nhất ở kỷ nguyên lên chuyên là HAGL, Đồng Tâm Long An hay Becamex Bình Dương…, hoặc mất đi hoặc suy yếu, thì thay vào bằng những đối trọng khác. V-League rõ ràng đã ở một đẳng cấp cao hơn, với chất lượng cầu thủ và cả đội ngũ huấn luyện viên cũng tốt hơn trước rất nhiều.

Cần chắc rằng, khi tập trung ở các đội tuyển trẻ, với quân số được gom từ một hay vài lò đào tạo, các cầu thủ cảm thấy gần gũi, hiểu nhau và chơi rất gắn kết. Nhưng khi “tốt nghiệp” rồi, họ tản đi rất nhiều câu lạc bộ và phải độc lập tác chiến ở môi trường khốc liệt, lẽ đương nhiên phải có sự đào thải. Có thất bại và cũng có thành công, nhưng là rất khó đoán trước.

* Giải vô địch quốc gia gần như quyết định luôn năng lực chinh phục của đội tuyển quốc gia. Cũng tựa như thế, khi các câu lạc bộ vô địch giải đấu quốc nội ra đấu trường quốc tế, đó hẳn phải là thước đo rất sát sườn cho chất lượng và đẳng cấp giải đấu của chúng ta. Và dường như chúng ta bại nhiều hơn thắng, thưa huấn luyện viên Phan Thanh Hùng?

- Thẳng thắn mà nói, trong khu vực Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam có thể tranh chấp huy chương sòng phẳng với bất cứ đối thủ hàng đầu nào, từ cấp câu lạc bộ đến các cấp độ đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta lại không duy trì được sự ổn định, như tôi đã nói ban đầu. Người Việt Nam đôi khi có thói quen hoan hỉ với những chiến tích nhỏ mà quên đi vai trò của những thất bại, càng khi đó là những thất bại lớn. Không thể ngủ quên trên chiến thắng, mà phải vận động liên tục, phải tiếp nhận và học hỏi những phương pháp làm bóng đá tiên tiến, rồi áp dụng thật khoa học vào mình, mới hy vọng phát triển được!

Với thành tích cấp khu vực làm thước đo sơ khai và cơ bản nhất, cùng với sự ổn định cần thiết, chúng ta mới hy vọng tạo dựng được những cột mốc ở tầm cao hơn. Thế nên, vai trò đầu tàu, định hướng của VFF là cực kỳ quan trọng.

Xin cảm ơn huấn luyện viên Phan Thanh Hùng về cuộc trao đổi thẳng thắn và thú vị!

“Việc tham gia các giải đấu trong hệ thống bóng đá trẻ hay các chuyến tập huấn ở nước ngoài là rất tốt, rất bổ ích, nhưng đến một lúc nào đó thôi. Sẽ phải giải phóng cho họ, xua họ ra các đấu trường ở đẳng cấp cao hơn, khốc liệt hơn, khi ấy chúng ta mới định vị được chính xác chất lượng đào tạo, thông qua năng lực của từng cầu thủ. Chơi-bóng-mặt-đất, nên thể hình không quan trọng bằng thể trạng, kỹ năng và tư duy. Nhưng tại sao, khi hướng tới thị trường cầu thủ châu Á, người ta chỉ biết đến mỗi Nhật Bản và Hàn Quốc? Chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi này thật thỏa đáng, mới hy vọng xuất khẩu được cầu thủ, hy vọng nền bóng đá cất cánh”, huấn luyện viên Phan Thanh Hùng.

4-3-2-1 là gì?

Đấy đơn thuần là các con số có gạch nối, theo thứ tự giảm dần đều? Không, đó là sơ đồ bóng đá, một trong những hệ thống vận hành được ưa thích (và hiệu quả) bậc nhất của bóng đá hiện đại. Và xa hơn, nó còn là sơ đồ phác thảo hình kim tự tháp, cho sự vận hành và phát triển của một nền bóng đá. Số 4 (lớn nhất) có thể xem là chân đế của kim tự tháp, ví như hệ thống đào tạo trẻ, các giải đấu trẻ, bóng đá học đường và bóng đá phong trào rộng khắp; nhích dần lên trên, chúng ta có các đội tuyển trẻ được thành lập và giải vô địch quốc gia, để rồi đỉnh tháp, đương nhiên là đội tuyển quốc gia.

Trong một liên tưởng khác liên quan đến hệ thống các giải đấu, bắt đầu từ giải phong trào trong học đường, giải trẻ, giải hạng A, hạng Ba, hạng Nhì, giải hạng Nhất và đỉnh cao lúc này là V-League. Quy luật phát triển này là bất biến trong quá trình chuyên nghiệp hóa thể thức thi đấu.

Bóng đá Việt Nam hiện đang sở hữu tất cả các hạng mục, xoay quanh sơ đồ kim tự tháp này, dù ở một mức độ nào đó. Nhưng thông thường, chúng ta chỉ quan tâm đến đỉnh kim tự tháp, tức là số 1, mà đánh giá không đúng mức hoặc bỏ quên những khâu ban đầu, sơ khai, nói chung là khâu xây nền móng. Thế mới có câu: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, khi vị huấn luyện viên người Áo, Alfred Riedl, còn gắn bó với dải đất hình chữ S.

Việc đào tạo nhân sự - đội ngũ huấn luyện, mở rộng các Học viện và lò đào tạo bóng đá, phát triển bóng đá phong trào, bóng đá học đường, các giải đấu…, rõ ràng có ý nghĩa quyết định. Chúng ta có làm được không và bao giờ?!



Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm