Biến tấu cùng EURO: Khi quý tộc so gươm với hiệp sĩ

11/06/2012 14:34 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Cách nhau eo biển Manche -  một đoạn eo biển dài hơn 500 cây số, chỗ rộng nhất là 240 cây, chỗ hẹp chỉ vỏn vẹn 34 cây số, Anh và Pháp ví như hai ngôi làng cách nhau chỉ một bờ mương mà bên này to tiếng, bên kia cũng giật mình.

Thế nhưng, đó lại là hai bờ của sự khác biệt đến kỳ lạ của khí hậu, con người, tính cách. Một bên nổi tiếng hào hoa, lịch lãm và lãng mạn, bên kia lại đầy hào hiệp, lắm đam mê song đầy kiêu ngạo. Một bên ranh mãnh lanh lợi và nhiều mưu tính, bên kia lại bộc trực, phóng khoáng và đôi chút nông nổi. Bởi vậy, những trận đấu Anh Pháp bao giờ cũng là một trận đại chiến, mà ở đó, đôi khi cái chân thành của người Anh, lại kém lợi thế hơn sự bủa vây của quyền lực và galant của người Pháp.

Có thể hình dung nó như là cuộc chạy đua giành trái tim của Anne d' Autriche - hoàng hậu của vua Louis XIII, giữa vị tể tướng quyền năng Richelieu và quận công Buckingham trong tác phẩm “Ba chàng ngự lâm” của đại văn hào A.Dumas. Vì nàng đẹp, vì có nàng là có cả quyền lực lẫn tình yêu, có cả hoa hồng lẫn nguyệt quế, nên người ta phải giành nàng bằng được. Lịch sử đã ghi dấu, ở cuộc đua đó, người Pháp đang chiếm thế thượng phong. Song, lần này thì khác. Anh đã không có sự tận tụy của Lampard còn Pháp thì không còn Zidane- chàng D’Artagnant khéo léo và tài hoa giành lại chiến thắng cho Pháp như cuộc chiến vào 8 năm trước. Gạt đi các con số thống kê để lập một ván cờ mới cho hai bên chơi một cách sòng phẳng trong một tình huống khá đặc biệt. Rất có thể trận đấu đêm nay chính là một trận “ngoại hạng mở rộng” khi khả năng có tới 18 cầu thủ của giải ngoại hàng thi đấu trên sân. Những con người này dường như quá hiểu nhau, quá quen biết. Kiểu như trai thôn Đông với trai thôn Đoài, tối tối cùng ới nhau đi “cua” gái. Để rồi, như một định mệnh từ lịch sử, trớ trêu thay, họ lại đứng về hai phía để tranh giành trái tim một người con gái đẹp-mà hình ảnh không khác Anne d' Autriche trước kia, có nàng là có cả Tình yêu và Quyền lực.

Ảnh Getty

Thế là tuốt gươm thôi cho một cuộc quyết đấu, vì danh dự, vì người đẹp. Chàng  hiệp sĩ Anh quốc với cây trường kiếm và một đoản đao, cách tấn công sở trường là trực diện với những đường kiếm thẳng, dứt khoát có phần nôn nóng. Còn nhà quý tộc Pháp, như thường lệ sẽ lại vô cùng uyển chuyển và khéo léo tìm cách chế ngự đối phương bằng những cú chọc sườn. Một bên mạnh mẽ và một bên dẻo dai. Nếu sơ xuất, trong lúc bị dồn ép, nhà quý tộc có thể sẽ bị cây trường kiếm đâm từ xa, thẳng vào á huyệt- đó là một cú sút xa đầy uy lực đến từ đội trưởng Steven Gerrard, hay đầy quyết đoán của gương mặt trẻ Ashley Young. Nếu đã tính toán để kéo gần khoảng cách, cũng đừng quên, hiệp sĩ còn có đoản đao, một cú  đánh đầu cận thành là sở trường của Andy Carroll và khá ưa thích của Danny Welbeck. Khi đã có lợi thế, chắc chắn một bức tường phong cách “Chelsea” sẽ được tạo dựng và dù cố gắng đến đâu thì cũng khó lòng mà có thể vượt được bức tường rào đó.

Nhưng, đừng quên, nhà quý tộc lại sở hữu những đường kiếm vô cùng tinh tế theo kiểu song kiếm hợp bích, cho phép họ có thể tấn công bằng cả hai tay, liên tục hoán đổi vũ khí và thế tấn công. Với sự mạnh mẽ của Malouda,  tốc độ, sự khéo léo của Nasri, sự kiến tạo tinh tế và sức càn lướt của Ribery hoặc đường nét mới mang tên Marvin, Pháp hoàn toàn có thể khiến cho hiệp sĩ Anh lúng túng và bị chia cách khiến kiếm pháp của họ rời rạc và không hiệu quả.

Bài thuộc, miếng quen, toan tính cũng không còn xa lạ, tất cả chỉ là sự ứng biến thế nào để người Anh  chống lại được lịch sử? Những dung tưởng của tôi có lẽ sẽ chẳng giống như ý kiến các nhà chuyên môn hoặc không như là sự kỳ vọng của các fan hâm mộ Tam sư và Gà trống Gaulois. Nhưng, với sự tưởng tượng của mình, tôi nghiêng về kết quả hòa, có bàn thắng. Chẳng việc gì mà phải lưỡng bại câu thương, vì đằng sau, đối thủ kế tiếp không phải là quá đáng ngại!

Đoàn Ngọc Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm