Trần Đăng Khoa: Trước người đẹp, tôi sẽ “nghiêng” theo cách của con lật đật!

08/03/2009 21:12 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Trước người đẹp, tôi bị nghiêng, thậm chí nghiêng ngay ấy chứ, làm sao “chống cự” được. Nhưng tôi sẽ nghiêng theo cách của con lật đật” – đó là tâm sự của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

“Chạy sô như ca sĩ”- đó là hình ảnh của anh trong ngày mùng 8/3 mọi năm khi luôn “đắt sô” giao lưu với chị em các cơ quan. Nhưng năm nay, anh chỉ nhận nói chuyện về “Vẻ đẹp phụ nữ hiện đại” tại TTXVN chiều 6/3 và dành cho TT&VH cuộc trò chuyện:
 
* Sống với vợ, 2 con gái, anh tặng quà gì cho họ nhân ngày đặc biệt này?
 
- Nhà tôi không câu nệ đến dịp mới tặng quà, vì tôi quá bận, lúc nào tặng được là làm luôn. Vợ tôi đơn giản, không đòi hỏi, trách móc. Mọi năm, tôi đưa cả nhà ra nhà hàng. Với vợ, 2 con gái và cô giúp việc, tôi là người “đẹp trai vĩnh viễn” trong nhà. Năm nay, tôi đưa quà từ 6/3 vì sáng 7/3 đi làm, rồi trực, ngủ đêm ở Đài đến tối 9/3 mới về. Không hoa, không phù phiếm. Cứ “quy ra thóc”, đưa tiền, cô ấy muốn gì thì mua.
* Thơ, có phải là “đòn chủ lực” để anh tặng chị ấy từ lúc yêu nhau? Thơ có vị trí thế nào trong cuộc sống của gia đình anh?

- Chưa bao giờ có thơ tặng vợ, nhưng có “Thơ vui tặng mẹ vợ” năm 2000. Chúng tôi quen nhau 3 tháng thì cưới. Tôi muốn lấy người chỉn chu, không làm thơ, vì chỉ mong sự bình thường. Vợ tôi không thắc mắc khi tôi không viết cho cô ấy, cũng không hỏi chuyện thơ và tôi không nói về thơ, về công việc ở nhà. Chúng tôi chia sẻ về con cái, chăm lo bố mẹ hai bên, công việc họ hàng, chứ không đem sức ép xã hội về chỗ ở.
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
 
* Mẹ, em gái, cô giáo, đã thành những nhân vật cảm động trong các tác phẩm của anh từ thơ bé. Họ có vị trí thế nào trong cuộc đời anh hiện nay, họ sống ra sao?
 
- Mẹ tôi là nông dân, nhưng rất tâm hồn. Chính những truyện cổ tích, dân gian, ca dao, truyện Kiều tôi thuộc được là nhờ bà… Năm nay, bà 91 tuổi, thông tin nối với thế giới thông qua chiếc đài. Em gái Trần Thuỳ Giang (SN 1961) – bé Giang năm xưa, tôi dặn đừng ra chơi gần bờ ao, thì lớn lên đi ra tận vùng mỏ - hiện là giáo viên Văn Trường THPT Cẩm Phả, có 2 con.

Các cô giáo luôn in dấu trong tôi hình ảnh sâu đậm về tình yêu thương, quả cảm. Làm sao quên được, cô Thược dạy lớp 1, 2; cô Thái dạy lớp 3, cô Mơ dạy lớp 5. Năm 1965, Mỹ ném bom xuống Quảng Ninh. Năm 1966, bom ném xuống làng tôi. Chúng tôi đội mũ rơm đi học, ngồi trong lớp, dưới chân là giao thông hào. Tôi mãi nhớ cảnh cô Thái cho cả lớp tập băng bó, để nếu bị thương, biết băng cho nhau. Khi chúng tôi tập nhuần nhuyễn, thì cô đứng khóc. Lúc đó, tôi cảm thấy có gì đó rất hệ trọng. Sau đó, cô Thái đi TNXP 4 năm và có trở về. Các cô đều đã già và đều sống trong tỉnh Hải Dương.
 
* Anh có thường về làng? Góc sân, mảnh vườn và những người thân của anh sống còn nhiều ở đó? Còn các mối tình?
 
- Nếu đi một mình, tôi tự đi xe máy. Mỗi tháng một lần, tôi gọi taxi đưa cả nhà về quê. Làng Điền Trì cách HN 82km đã bị biến đổi rất nhiều, không còn chút gì phong cảnh xưa. Tuổi trẻ ngố lắm, có yêu ai ở làng đâu, năm 1975 đi bộ đội ở Mai Sui, Bắc Giang, bắt đầu xa làng từ đấy. Giờ về làng, mấy bà “U50”, bà nội, bà ngoại lâu rồi mới khai ra: “Ngày xưa tôi thích ông đấy!”, nói xong cười hô hố. Vườn nhà thì cau đã chết, chỉ còn chuối, nhãn, không xanh tốt. Vẫn dùng nước giếng, có máy bơm.
 
* Anh xây dựng cho mình “hình ảnh” người chồng, người cha thế nào, khi suốt ngày ở bên ngoài và cách nhật không ngủ đêm ở nhà?
 
- Rời Tạp chí VNQĐ với quân hàm thượng tá sau 29 năm quân ngũ, tháng 1/6/2004, tôi về Đài TNVN, làm phó rồi trưởng ban Văn nghệ. Từ tháng 3/2007, tôi là Giám đốc kênh VOVTV, phát qua truyền hình cáp 12 giờ/ngày. Tôi phải ngủ đêm ở cơ quan 3 buổi/tuần để duyệt các chương trình thời sự. Tôi luôn đầy đủ trách nhiệm với vợ con. Vợ tôi không bao giờ nghi ngờ, không quan tâm quá khứ, vặn hỏi tôi, cô ấy thay tôi hầu hết, dạy con học (vì bố chúng dốt toán), chu đáo với nhà chồng, chẳng khi nào lục điện thoại, ví; lúc nào để trong túi tôi đủ 2 triệu để chồng tự tin ra khỏi nhà. Không nói nhiều, Trâm lặng lẽ chăm sóc chồng con khiến tôi cảm động. Mỗi khi tôi nói sẽ đi công tác, trong hay ngoài nước, vợ sắp xếp quần áo mặc đủ, không cần phải giặt, có sẵn túi nilon đựng quần áo bẩn đem về.
 
* Nhiều người thích bài hát phổ “Thơ tình người lính biển”: Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía/Biển một bên và em một bên. Anh lãng mạn nhiều không?
 
– Bài thơ ấy viết năm 1981, khi tôi ở Trường Sa (trợ lý tuyên huấn Cục chính trị, Bộ tư lệnh Hải quân). Nhạc sĩ Thế Dương đi cùng tôi trên tàu ra đảo, đặt hàng đấy. Từ 1976 tôi đã ra Trường Sa. Sau đó, học trường Sĩ quan lục quân, năm 1979 về Hải Quân Hải Phòng. Gia đình tôi bình yên vì tôi chung thuỷ và trân trọng vợ. Tôi không lãng mạn đa tình đâu, gần như là không
 
* “Đắt sô” diễn thuyết từ nhỏ; hiện nay, vẫn thu hút chị em bởi cách nói chuyện thông minh, dí dỏm. Anh có tự tin mình hấp dẫn trước các fan nữ?
 
- Từ nhỏ, tôi đã được mời đi diễn thuyết ở các cơ quan, trường học, đã quen nói trước đám đông. Tôi có bản lĩnh linh cảm, đo được cảm xúc độc giả để biết chuyển kênh cho hấp dẫn, không để họ bỏ về, biết dừng đúng lúc. Người ta thích tôi vì cái gì khác chứ đâu phải thân hình 1m56, 70kg tròn quay này (cười).
 
* Sống và làm việc giữa “vòng vây phụ nữ”, anh nghĩ gì về phái đẹp?
 
- Tôi thấy mọi phụ nữ đều đẹp, không phải nói để lấy lòng, dĩ hòa vi quý. Đẹp hay không phụ thuộc mắt người nhìn. Đẹp cũng có nhiều kiểu, người đẹp nhìn phía trước, hay nhìn nghiêng, người đẹp lúc say mê làm việc. Có cái đẹp đập ngay vào mắt, có khi phải nhìn lâu; cũng có người phải nhắm mắt mới thấy đẹp.
 
* Hãy khai thật, một người chỉn chu như anh có nguy cơ bị nghiêng ngả trước sắc đẹp không? Lời chúc của anh dành cho phụ nữ hôm nay?
 
- Không chỉ mùng 8/3, mà mọi ngày, tôi đều cầu cho phụ nữ luôn là phụ nữ. Chúc họ mãi đẹp, hạnh phúc. Trước người đẹp, tôi bị nghiêng, thậm chí nghiêng ngay ấy chứ, làm sao “chống cự” được. Nhưng tôi sẽ nghiêng theo cách của con lật đật.
 
Vi Thùy Linh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm