Bóng đá Việt Nam: Mỏi mắt tìm người đặc biệt

31/03/2013 17:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Người đặc biệt, hiểu theo nghĩa tích cực, là người có thể chuyến nguy thành an, người làm được những việc phi thường… Bóng đá ta, ở cấp vĩ mô, đang khủng hoảng trầm trọng người đặc biệt.

Nhìn từ VFF

Có một nghịch lý mà chính đương kim Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ từng chỉ ra, ở VFF hiện nay, người có chuyên môn rất ít. Một tổ chức xã hội nghề nghiệp, là đầu não của nền bóng đá, nhưng người ngoài bóng đá chiếm tỷ lệ quá nhiều, dứt khoát phải có vấn đề. Đấy không phải là bản chất của xã hội hóa bóng đá đích thực.

Thực tế, tính hiệu quả, dấu ấn điều hành cũng như sự khả thi từ chiến lược, lộ trình cho nền bóng đá hai nhiệm kỳ qua (thậm chí trong hơn 20 năm hội nhập) đã không rõ ràng. Nói mờ nhạt cũng được. Hãy nhìn vào thường trực VFF hai nhiệm kỳ qua, chúng ta không khó chỉ ra vị nào tạm gọi là được việc.

Ví dụ, ông Lê Hùng Dũng, dù có những lập ngôn thiếu chuyên môn bóng đá, nhưng là một trong ít người được việc, khi đã cứu nhiều pha cho cái két của VFF không bị  rỗng, trong cuộc khủng hoảng kinh tế leo thang theo cấp số nhân. Đấy cũng là lý do đưa ông Dũng trở thành ứng cử viên nặng ký cho ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII. Một người không có chuyên môn bóng đá vẫn trở thành ứng cử viên sáng giá, càng không lạ với bóng đá ta, khi kẻ có tiền ngày càng giành quyền kiểm soát các cuộc chơi ở địa hạt bóng đá.



Ông Lê Hùng Dũng (giữa) dù không phải dân trong nghề nhưng làm được rất nhiều việc ở VFF. Ảnh: Quang Nhựt

Chính ông Dũng, chỉ một động thái không đồng ý, đã khiến phi vụ ký hợp đồng với huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn đổ bể, bất chấp đa số thành viên Thường trực VFF đã thống nhất. Trong đó, có cả Phó chủ tịch VFF kiêm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Phạm Văn Tuấn.

Thường trực là vậy, Ban Tổng thư ký thì tân Tổng thư ký Ngô Lê Bằng lại không để lại dấu ấn nhiều, dù là người của bóng đá. Người ta bảo ông Bằng hiền lành quá. Chính Phó tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi lại được việc hơn, nhưng không được chính danh bước lên vũ đài thể hiện mình, dư luận cũng cho rằng một phần nằm ở tính cách.

Không phải đến lúc này, bóng đá nội mới buộc phải đứng giữa ba sự lựa chọn gay gắt, đặc biệt ở cấp vĩ mô: trả bóng đá về cho bóng đá (những người có chuyên môn nắm các vị trí chủ chốt); người của Tổng cục Thể dục thể thao (cơ quan quản lý về mặt nhà nước); hoặc là nhường quyền kiểm soát cho các nhà tài phiệt?

Cả ba giải pháp trên đều đã phơi bày những tồn tại lẫn mặt tích cực. Bóng đá không thể phát triển nếu như các nhà tài phiệt ngoảnh mặt. Có tiền nhưng thiếu chuyên môn, bị buông lỏng quản lý về mặt nhà nước thì càng thậm nguy.

Do đó, để tìm ra một giải pháp tìm nhân sự cao cấp cho nền bóng đá dung hòa được cả ba giải pháp trên, là cực khó. Dù thế, không phải là không thể nếu như cày xới cả nền bóng đá, đồng thời cuộc bầu bán diễn ra thật sự nghiêm túc. Bóng đá ta sau những dâu bể mang tính trầm kha, dứt khoát từ nhiệm kỳ VII phải tìm cho được những thủ lĩnh, trước hết vị trí chủ tịch VFF phải thuộc dạng người đặc biệt. Chủ tịch VFF sẽ bổ nhiệm tổng thư ký.

Có nghĩa, Thường trực VFF cũng như Ban Tổng thư ký nhiệm kỳ tới tính cách, năng lực, cung cách làm việc ra sao, chỉ cần nhìn vào ông chủ tịch VFF là tiên cảm được. Người đứng đầu nền bóng đá, trước hết phải có uy tín, không chỉ với giới bóng đá. Có uy tín thì mới tập hợp được lực lượng, nói thiên hạ mới nghe. Người đó, phải chứng minh được lời nói đi đôi với hành động, ít nhất ở lĩnh vực bóng đá lâu nay.

Nhìn từ ghế huấn luyện viên đội tuyển quốc gia

Có một muộn phiền bất tận với người hâm mộ nước nhà, đấy là số phận của cái ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia. Hiếm có nền bóng đá nào việc tìm ra ông huấn luyện viên trưởng lại nhiêu khê, bế tắc, quy trình khổ sở như ở ta. Vì sao lại thế, câu trả lời chắc chắn không phải do chúng ta thiếu tiền. Thậm chí, đã đến lúc hoàn toàn đủ năng lực mời những huấn luyện viên giỏi trên thế giới mà các quốc gia hàng đầu  châu lục từng mời, vẫn đáp ứng được yêu cầu lương thưởng.

Trong trường hợp quyết tâm sử dụng huấn luyện viên nội, cũng có thể khẳng định ở ta không thiếu người đủ sức gánh vác những nhiệm vụ kiểu “ăn xổi” như SEA Games, AFF Cup. Vấn đề, thái độ của VFF thế nào? Họ có thực sự trọng thị, tôn trọng huấn luyện viên nội hay không? Đối xử tốt với thầy nội không đơn giản là tăng lương thưởng, mà nằm ở chỗ làm sao tạo niềm tin, môi trường tốt để huấn luyện viên nội dám dấn thân.

Chúng ta từng chứng kiến biết bao số phận huấn luyện viên nội bị đối xử rất cám cảnh, dù họ cũng được hứa sẽ được tạo mọi điều kiện tốt nhất, Đấy cũng là lý do để huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc, và cả những người  ủng hộ, lo cho viễn cảnh không sáng sủa của ông Phúc “béo”. Nếu ghế huấn luyện viên câu lạc bộ đã nóng, thì huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam còn nóng gấp bội phận. Thì đấy, chỉ một trận thua Hong Kong, bao nhiêu búa rìu đã giáng xuống đầu ông Phúc “béo”.

Có một cảm giác, trong việc chọn huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam thời gian qua, đấy là lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ vẫn thống soái toàn bộ tiến trình. Điều đó làm tổn thương nghiêm trọng niềm tin của người hâm mộ lẫn các nhà cầm quân nội. Một cuộc tháo chạy khi được tiến cử, đặt lời mời đã không còn thầm lặng, mà công khai.

Thành ra, người tự dưng ngồi ghế huấn luyện viên trưởng (như Hoàng Văn Phúc) cũng không thoải mái khi nghĩ mình chỉ là “lọt sàng, xuống nia”. Những huấn luyện viên khác thì ấm ức, bởi họ vẫn muốn cống hiến cho bóng đá nước nhà nhưng không thỏa được tâm nguyện một cách chính đáng.

Tóm lại, đã đến lúc vai trò quản lý, định hướng về mặt nhà nước của Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch lên VFF nói riêng, các hoạt động bóng đá nói chung cần phải đậm đặc hơn nữa. Với thể chế ở ta, không thể coi bóng đá là một thành trì riêng, để những chiêu bài như quy định này nọ của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) leo thang. Cần khẳng định thêm, với gần 90 triệu dân, với tình yêu bóng đá cháy bỏng, tìm ra vài ba người đặc biệt giữ trọng trách cho bóng đá Việt Nam không phải là bất khả thi.

Chừng nào ghế chủ tịch VFF và ghế huấn luyện viên đội tuyển quốc gia vẫn là những người nhàn nhạt, chừng đó khó hy vọng nền bóng đá nước nhà thoát khỏi vận bĩ.

Ngọc Hòa
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm