Người quan sát: Tít mù rồi lại vòng quanh

29/03/2024 07:31 GMT+7 | Bóng đá Việt

Sau nhiều năm thất bại, chạm đáy của nỗi thất vọng (giai đoạn 2011-2017), dù trải qua rất nhiều lần thay tướng, từ nội đến ngoại, bóng đá Việt Nam bất ngờ thành công với thời kỳ của HLV Park Hang Seo. So với ông Park, bản "CV" của HLV Philippe Troussier, rõ mà bắt mắt hơn nhiều. Nhưng tại sao và như thế nào, HLV người Pháp vẫn thua nhiều hơn thắng, trước khi bị sa thải?

Tại phương pháp huấn luyện sai và không hợp thời, là sự bảo thủ hay đố kỵ của ông Troussier, vì đối thủ đã mạnh lên hay còn lý do nào khác?!

Nhắc lại, giai đoạn ông Park cầm quân, rõ là ông đã có phần may mắn, khi thừa hưởng một vài lứa cầu thủ vừa vào độ chín, đầy khát vọng và tương đối thuần về tính cách. Đấy là điều chúng ta có thể thấy bằng mắt thường hoặc cảm nhận. Trong ít nhất 3 năm (2020-2022), với đại dịch Covid-19 kéo dài, hệ thống giải quốc nội tê liệt, mọi nguồn lực đều tập trung cho các ĐTQG đá giải. Trong họa có phúc là nghĩa như vậy.

Nhưng, nói thế không có nghĩa là phủ nhận tài năng của Quang Hải, Công Phượng và đồng đội.

Thực, chúng ta vẫn hay gọi là "lứa 2018" chính là thế hệ tài năng bậc nhất nền bóng đá từng sản sinh trong hơn 30 năm qua. Toàn diện về kỹ năng chơi bóng và tư duy chơi bóng cấp tiến, có thể tiếp cận các triết bóng đá hiện đại. Nó không giống như "thế hệ vàng", thời bóng đá bao cấp hay lứa 1981-85 vô địch AFF Cup 2008, cũng gọi là của hiếm nửa thế kỷ mới có.

Với rất nhiều cơ sở, trong đó yếu tố con người vẫn là tiên quyết, ông Park đã làm nên các đội quân chiến thắng kéo dài hơn nửa thập niên, với nhiều cấp độ ĐTQG và nhiều hạng mục giải đấu. Đấy là tài năng, chứ không còn là may mắn nữa. Và đáng ra, với nền tảng mà người tiền nhiệm đã gây dựng được, ông Troussier và cộng sự phải làm tốt hơn hay ít nhất cũng ngang bằng.

Người quan sát: Tít mù rồi lại vòng quanh - Ảnh 1.

HLV Park Hang Seo đã để lại cho HLV Troussier một nền tảng không tồi nhưng ông thầy người Pháp đã không biết cách giữ gìn và phát huy. Ảnh: Hoàng Linh

Nhưng, như vậy thì chúng ta giải thích thế nào với di sản (2007-2010) mà cố HLV Alfred Riedl và Henrique Calisto để lại cho Falko Goetz (2011), trước khi trở thành đống tro tàn dưới thời Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc (2012-2013)? Phải chăng, bóng đá có hưng ắt có suy, như chu kỳ hình sin mà chúng ta vẫn hay vin vào?

Đẳng cấp (ở mức độ nào đó) của một đội bóng hay nền bóng đá, chính là duy trì khoảng thời gian trên đỉnh lâu nhất có thể và thu hẹp thời kỳ khủng hoảng ngắn nhất có thể.

Ngay cả khi đã tạo dựng được những cột mốc đáng nể, xưa chưa có nay mới thấy lần đầu, dưới thời ông Park, thì bóng đá Việt Nam chưa thể gọi là đã xác lập đẳng cấp nào đó. Đó là vấn đề chiều sâu và nền móng của nền bóng đá chưa vững. Là hệ thống giải quốc gia chưa mạnh. Là đào tạo trẻ còn non và yếu. Tất nhiên, nó kéo theo hệ lụy các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam gần như không có cải thiện đáng kể nào suốt 25 năm lên chuyên.

Xâu chuỗi lại vấn đề, thì việc may mắn tìm được một HLV giỏi hay ít nhất là hợp với bóng đá Việt Nam, để gặt hái thành tích, với tư duy nhiệm kỳ, chỉ giải quyết được phần ngọn. Cơ thể nền bóng đá cần được chăm sóc tốt hơn, mới mong thành. Do đó, việc nâng cấp nền bóng đá cấp thiết hơn nhiều kiếm tìm một HLV trưởng mới chất lượng cho các ĐTQG.

Tít mù rồi lại vòng quanh. Lịch sử nền bóng đá suốt hơn 30 năm qua, kể từ sau hội nhập trở lại, đã chứng minh, thầy nội hay tướng ngoại, đôi khi cũng chỉ là hên xui.

Câu: "Ngàn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm", đôi khi cũng chỉ là tương đối mà thôi. 


CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm