Tại sao Nga, Iran và Trung Quốc luôn đứng về phía Syria?

30/08/2013 16:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh mà Mỹ hoàn toàn có thể đơn phương thực hiện cuộc tấn công quân sự vào Syria, vẫn còn đó những đồng minh sẵn sàng bảo vệ chính quyền của Tổng thống al-Assad cả trên phương diện quân sự và ngoại giao.

Cuộc nội chiến tại Syria đứng trước sự can thiệp của M và phương Tây

Cuộc nội chiến kéo dài đã hơn hai năm ở Syria khiến cộng đồng quốc tế và cả LHQ không khỏi quan ngại bởi những số liệu cho biết hơn 100.000 người đã thiệt mạng và 1,7 triệu người khác đã phải đi sơ tán thì Nga, Iran và Trung Quốc là những quốc gia luôn ủng hộ chính quyền Tổng thống al-Assad.

1. Mối quan hệ Nga với Syria

Nga là đồng minh lớn nhất của Syria bởi hai yếu tố thương mại song phương và vị trí địa lý chiến lược. Những số liệu thống kê cho thấy Syria đã tiêu tốn hơn 4 tỷ USD để mua vũ khí từ Nga. Trong đó hợp đồng buôn bán vũ khí hàng năm luôn đạt mức 162 triệu USD. Moscow còn sẵn sàng huấn luyện Syria cách sử dụng các máy bay của Nga với chi phí lên tới 550 triệu USD. Quan trọng hơn hết, cảng Tartus mà Nga thuê của Syria chính là chiếc chìa khóa để hải quân Nga có thể tới thẳng Địa Trung Hải. Hơn bao giờ hết, Nga cần phải bảo vệ Syria như một trong những đồng minh quan trọng nhất ở Trung Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Larvov luôn khẳng định quan điểm của Moscow rằng không có chứng cứ nào xác thực việc chính phủ Syria có sử dụng vũ khí hóa học cũng như việc phương Tây thực hiện một cuộc can thiệp quân sự vào Syria là vi phạm những luật pháp quốc tế.

2. Mối quan hệ Iran với Syria

Với Iran, Syria là quốc gia có vị trí chiến lược và là một trong số các đồng minh có chung quan điểm về tôn giáo. Iran là một trong những quốc gia có phần đông số dân là người Shiite trong khi Syria bị chi phối bởi người Alawites, một trong những nhánh của người Shiite. Lực lượng chống lại Tổng thống al-Assad lại là những người Hồi giáo dòng Sunni mà Iran đã từng thực hiện cuộc chiến tranh với Iraq.

Khung cảnh đổ nát thường thấy sau mỗi cuộc giao tranh tại Syria

Trên bản đồ thế giới, Syria là quốc gia che chở một khu vực biên giới rộng lớn của Iran. Syria là cầu nối giữa Iran và tổ chức Hezbollah ở Lebanon. Từ đó Iran có thể đe dọa tạo nên thế trận chắc chắn trước sự xâm chiếm của Israel. Việc Syria thất thủ sẽ đẩy Iran vào thế bị bao vây bởi các quốc gia thân phương Tây, điều mà các nhà lãnh đạo Iran không hề mong muốn.

Iran thẳng thắn cảnh báo phương Tây về những bất ổn tiềm tàng nếu Mỹ tấn công Syria. Iran sẽ không thể đứng nhìn các quốc gia Trung Đông lần lượt trở thành con rối trong tay Mỹ. "Nếu một quốc gia có thể tấn công quốc gia khác mỗi khi có xung đột, chúng ta đang trở lại thời kỳ Trung Cổ", Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho biết.

3. Mối quan hệ Trung Quốc với Syria

Syria không phải là đồng minh quan trọng với Trung Quốc nhưng cường quốc đứng thứ ba thế giới luôn muốn duy trì một mối quan hệ thương mại vững chắc với Syria. "Bắc Kinh luôn coi Damascus như một nút thắt quan trọng của con đường tơ lụa thời xưa. Trung Quốc nhìn về Syria như một trung tâm thương mại, buôn bán quan trọng",  theo báo cáo của Quỹ Jamestown, có trung tâm nghiên cứu tại Washington cho biết.

Trung Quốc luôn cho rằng các quốc gia khác không nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của Syria do lo ngại tình trạng can thiệp quân sự một cách tùy tiện của phương Tây sẽ tạo nên một hiệu ứng không tốt ở Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định cuộc nội chiến ở Syria chỉ có thể giải quyết trên phương diện đối thoại chính trị chứ không phải sử dụng quân sự. Trung Quốc đã đang và sẽ dùng quyền phủ quyết tại LHQ để ngăn không cho phương Tây can thiệp quân sự vào Syria.

Nguyễn Hồng Đăng
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm