Triều Tiên “giương oai” tên lửa Musudan

13/04/2013 08:08 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng nóng lên, nhất là sau khi CHDCND Triều Tiên chuyển 2 quả tên lửa tầm trung tới bờ biển phía Đông nước này. Những quả tên lửa được cho là Musudan, một mẫu tên lửa đạn đạo đời mới của Triều Tiên. Thế nhưng khả năng thực sự của nó ra sao vẫn là một bí ẩn với giới quan sát phương Tây.

Triều Tiên có vẻ như sẽ thử tên lửa vào bất kỳ lúc nào. Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đưa ra hôm 10/4, kèm theo đánh giá về khả năng xảy ra một cuộc phóng tên lửa là "cao đáng kể".

Quả tên lửa có thể đe dọa Mỹ

Phía Hàn Quốc thậm chí còn dự báo cuộc phóng tên lửa của Triều Tiên sẽ diễn vào ngày 15/4 tới. Đó là ngày nước này kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Il Sung. Trong lịch sử, chính quyền Bình Nhưỡng đã luôn thể hiện sức mạnh quân sự vào khoảng thời điểm này.

Và nhân vật chính trong vụ bắn thử tên lửa của Triều Tiên là mẫu Musudan. Đây là một quả tên lửa được xếp vào nhóm đạn đạo tầm trung. Cái tên của nó được Mỹ đặt, lấy từ tên một thị trấn nơi Triều Tiên có đặt bãi phóng tên lửa.

Nghi vấn Triều Tiên bắn thử Musudan đã được giới chức Mỹ xác nhận. “Như báo chí đã đưa tin rộng rãi, có một quả Musudan đã lên đường tới bờ biển phía Đông" - đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói trước một buổi điều trần tại Thượng viện vào đầu tuần này.

Theo Locklear, về lý thuyết Musudan có tầm bắn tối thiểu 600km và tối đa gần 5.600km. Điều này có nghĩa tên lửa có khả năng vươn tới đảo Hawaii của Mỹ. "Tôi giả định rằng nếu quả tên lửa chĩa theo hướng đó, Guam sẽ gặp rủi ro. Nhưng hãy để tôi nhắc lại điều này: Chúng ta có khả năng theo dõi và bảo vệ quê nhà, bảo vệ Guam và bảo vệ quân đội của chúng ta đang đóng ở đó, cũng như các đồng minh của chúng ta" - Locklear nói, có ý liên hệ tới hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đã trang bị cho khu vực.


Tên lửa Musudan trong lễ duyệt binh hồi năm 2010 ở Triều Tiên

Chỉ thiếu một cuộc phóng thử

Nếu Triều Tiên thực sự thử Musudan, Mỹ và các đồng minh sẽ thu lợi lớn về mặt tình báo. Vụ phóng có thể giải quyết những tranh cãi trong cộng đồng tình báo về khả năng của Musudan, hoặc có thực Triều Tiên đang sở hữu một loại tên lửa như thế. Bởi vì như những gì phương Tây được biết, Triều Tiên chưa từng bắn thử quả tên lửa này.

Phương Tây phỏng đoán Musudan là loại tên lửa đặt trên xe phóng di động tầm trung, có hình dáng giống một quả tên lửa đạn đạo đặt trên tàu ngầm của Liên Xô trong những năm 1960 mang tên SS-N-6. Các báo cáo về sự tồn tại của nó lần đầu xuất hiện hồi giữa những năm 2000. Thế giới ngoài Triều Tiên lần đầu chiêm ngưỡng vẻ bề ngoài của quả tên lửa trong năm 2010, khi nó tham gia một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng.

Quả SS-N-6 nguyên thủy nặng 14,2 tấn, đường kính 1,50 mét, dài 8,89 mét, tầm bắn 2.400km. Nó có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 650kg, với sức nổ 1 Megaton. Tuy nhiên trong cuộc diễu binh hồi năm 2010, quả tên lửa của Triều Tiên đã đặt trên xe kéo MAZ-547A/MAZ-7916 với khả năng chở tới 20 tấn, cho thấy tên lửa của Triều Tiên có thể nặng hơn và tầm bắn khả năng cũng xa hơn.

Mỹ khá chắc chắn về việc Triều Tiên đã tiếp cận được với công nghệ của SS-N-6. Nguyên nhân do có một số nguồn tin nói rằng vài thành viên của một cục thiết kế tên lửa Liên Xô từng tham gia chế tạo quả tên lửa này đã tới Bình Nhưỡng. Chuyên gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân Jeffrey Lewis từng viết về điều này vào năm ngoái trên blog chống vũ khí hạt nhân Arms Control Wonk của ông. Ông nói rằng một số công nghệ của SS-N-6 về sau còn được áp dụng vào các tên lửa tầm xa khác của Triều Tiên.

Theo Lewis, người là giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, với quả tên lửa Musudan, tất cả những gì nó còn thiếu chỉ là "một cuộc phóng thử".

Đầu đạn gốc của SS-N-6 là vũ khí hạt nhân và nó do một đơn vị khác nghiên cứu, chế tạo. Triều Tiên gần như không thể có đầu đạn này.

Liệu có phải đòn gió?

Một quả Musudan dựa trên công nghệ SS-N-6 sẽ là một sự tiến bộ vượt bậc về mặt kỹ thuật cho kho vũ khí của Triều Tiên. Phần lớn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung hiện nay của Triều Tiên đều dựa trên công nghệ Scud của Liên Xô. Tuy nhiên SS-N-6 có động cơ hiện đại hơn nhiều và sử dụng một loại nhiên liệu có thể tạo ra lực đẩy mạnh hơn nhiều so với Scud.

Hãy so sánh một cách đơn giản thế này: Một quả Musudan có cùng trọng lượng phóng như quả Nodong dựa trên thiết kế của tên lửa Scud do Triều Tiên chế tạo, nhưng tầm bắn của Musudan gấp đôi Nodong. Và nó cũng bay nhanh hơn. Musudan giống như một chiếc Ferrari đời mới, trong khi Nodong là một chiếc xe tải cà tàng, cổ lỗ.

“Dù đã ra đời tới 50 năm, công nghệ tên lửa của SS-N-6 cũng đã tiến gần tới các giới hạn kỹ thuật và khả năng hoạt động của nó thuộc loại đầu bảng" - chuyên gia tên lửa người Đức Markus Schiller viết trong một bài báo của tập đoàn RAND về nguy cơ tên lửa của Triều Tiên.

Tuy nhiên Schiller không tin Musudan là phiên bản khác của SS-N-6. Trong số các chứng cứ khác nhau, ông chỉ ra việc các đầu đạn tên lửa mà Bình Nhưỡng đem ra gắn trên tên lửa Musudan trong cuộc diễu binh hồi năm 2010 quá giống với đầu đạn của SS-N-6.

Đầu đạn gốc của SS-N-6 là vũ khí hạt nhân và nó do một đơn vị khác nghiên cứu, chế tạo. Triều Tiên gần như không thể có đầu đạn này. Và việc trưng ra một đầu đạn giống y hệt cho thấy Bình Nhưỡng đang cố lừa Mỹ và đồng minh về việc họ đang nắm trong tay các quả tên lửa công nghệ hiện đại. "Dựa vào đó có thể phỏng đoán Triều Tiên vẫn bị giới hạn hoạt động ở công nghệ tên lửa Scud, thay vì đã làm chủ công nghệ SS-N-6" - Schiller đánh giá.

Theo giới quan sát, câu trả lời rõ nhất cho các bí ẩn liên quan tới Musudan có thể sẽ hé lộ trong thời gian ngắn tới. Nếu Triều Tiên bắn thử chỉ một quả Musudan, giới quan sát sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra câu trả lời rằng có phải Bình Nhưỡng đã sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo tầm trung, hoặc nước này chỉ cố tạo ra ấn tượng về việc mình đang nắm trong tay một con bài chiến lược.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm