Trung Âu ngập chìm trong biển lũ

07/06/2013 08:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ít nhất 8 người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người đã phải sơ tán khi lũ lụt tràn qua Trung Âu tàn phá nhiều vùng ở Đức, Áo, Thụy Sĩ và Czech.

9 người vẫn mất tích trong lũ dữ. Phần lớn thành phố Prague, thủ đô Czech và là một di sản thế giới của UNESCO, đứng trước đe dọa bị nhấn chìm dưới nước, gây tổn hại không thể tính hết cho những báu vật lịch sử.

Nước từ ba con sông cũng đã tràn vào thị trấn cổ Passau ở Đông Nam nước Đức, một trong những đô thị bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi mức nước lên cao nhất trong 70 năm qua.

Phần lớn thành phố này giờ không thể vào được bằng xe hay đi bộ và điện đã bị cắt phòng ngừa rủi ro. Nước từ các sông Danube, Inn và Ilz vẫn tiếp tục tràn vào thành phố, gợi lại trận lụt lịch sử với Passau năm 1954.

Nhiều nước ở vùng Trung Âu đang ngập chìm trong biển nước
Quân đội Đức đã huy động 1.760 binh sĩ giúp đỡ nhà chức trách địa phương. Nhiều tình nguyện viên cũng đã tới giúp. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đã tới vùng lũ ngày thứ Ba, theo lời người phát ngôn Steffan Seibert. Cách chính quyền đối phó với trận lụt này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc tổng tuyển cử ở Đức vào tháng 9 tới.

Giao thông đường thủy đã ngưng trệ ở nhiều phần trên các sông Danube và Rhine chảy qua nước Đức, cả hai đều là những tuyến đường thủy huyết mạch vận chuyển ngũ cốc, than và các hàng hóa khác, vì nước lên quá cao.

Nhà chức trách ở Czech đã phải dựng thêm các rào chắn kim loại dọc sông Vltava chảy qua thủ đô Prague. Lần gần nhất châu Âu phải đối mặt với một trận lũ lớn như thế là năm 2002, khi 17 người thiệt mạng ở Czech và thiệt hại vật chất ước tính là 26 tỉ USD.

Ở Hungary, nơi thủ đô Budapest nằm ngay trên bờ Danube, truyền thông nhà nước dẫn lời Gyorgy Bakondi, người đứng đầu Cơ quan thảm họa quốc gia, nói 400 người đã được huy động ngăn lũ. Mực nước hiện đã vượt qua mức kỷ lục vào năm 2002.

Lũ làm ngập một phần Prague cũng đã tràn sang Đức. Một nửa diện tích Czech bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt và 19.000 người đã phải sơ tán, theo lời người phát ngôn cơ quan cứu hỏa quốc gia Nicole Zaoralova.

3,5 triệu - Đó là số lượng bao cát được sử dụng để thiết lập nên những con đê ngăn lũ tạm thời tại thành phố Dresden của nước Đức cũng như các vùng phụ cận. Đức, nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, cũng đã quyết định chi ra 100 triệu euro (khoảng 2.700 tỷ đồng) để phục vụ cho việc chống lũ.

Khoảng 3.000 người cũng phải rời nhà cửa ở các thị trấn Usti nad Labem trên sông Elbe gần biên giới với Đức sau khi nước lên cao vào thứ Tư. Nhiều nhà máy hóa chất lớn cũng đang bị lũ lụt đe dọa, bao gồm nhà máy từng bị rò rỉ hóa chất độc hại ra sông Elbe trong trận lũ năm 2002.

Sở thú ở Prague đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề ở trận lũ lụt lớn thứ hai trong 11 năm. Năm 2002, sở thú đã phải chi 8 triệu USD để sửa chữa và thay mới đồ đạc sau trận lũ. Những con thú ở phần đất thấp trong sở thú cũng đã được sơ tán an toàn.

Ở miền Đông và miền Nam Đức, hàng trăm người đã phải sơ tán ở thành phố Dresden. Mực nước sông Elbe ngày thứ Tư là 8,3m tại Dresden, so với mức bình thường là 2m. Ở thành phố miền Đông Halle, khu trung tâm đã bị ngập hoàn toàn. Khoảng 50.000 người dân ở đây đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Nước rút khá chậm trong ngày hôm qua, nhưng các chuyên gia thời tiết nói không thể chủ quan và nước lũ vẫn còn có thể đe dọa những đô thị lớn như Vienna của Áo hay Bratislava của Slovakia. Mưa lớn đã đổ xuống Ba - varia (Đức), Áo, Thụy Sĩ và Czech từ ngày thứ Bảy tới thứ Hai, với tổng lượng mưa hơn 70 mm ở nhiều vùng. Riêng thành phố Salzburg ở Áo có lượng mưa trung bình trong hai ngày đầu tháng (155 mm) bằng cả tháng.

Lũ lụt ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động kinh tế, bao gồm vận tải trên sông, các nhà máy điện và du lịch.

Hải Minh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm