Kính biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Để hồn trôi êm ái khúc du ca...

07/07/2023 08:37 GMT+7 | Văn hoá

Tôi gặp nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và các văn nghệ sĩ xứ Huế trong một chuyến công tác cùng Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tại Huế. Tôi ấn tượng với chị từ lần gặp đầu tiên với chất giọng ấm áp, làn da trắng trẻo, gương mặt hồn hậu, thánh thiện, ánh mắt dịu dàng, thiết tha, trìu mến. Biết tôi nghiên cứu thơ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhắc tới bài thơ Khoảng trời hố bom, rồi đọc bài thơ Anh đừng khen em khiến chị vui vui, khẽ nghiêng đầu đáp từ bằng một nụ cười thật hiền dịu...

Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ngày 18/9/1949 tại Lệ Thủy (Quảng Bình). Chị là kết quả tình yêu hợp huyết bởi dòng máu Huế - quê mẹ và dòng máu gốc Hoa từ cha. Thời chống Pháp, cụ Lâm Thanh từng tham gia Việt Minh ở Huyện đội Lệ Thủy. Năm 1949, cụ vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1954, cụ ra đón cả gia đình vào Sài Gòn, nhưng mẹ chị - cụ Lý Thị Đấu vì phải chăm sóc mẹ già và em gái, nên không thể đưa Mỹ Dạ vào với cha được.

Mẹ và thơ là điểm tựa

Mỹ Dạ xinh đẹp, hát hay, giọng ngâm thơ đẹp và ngay từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu văn chương, nghệ thuật. Chị thừa hưởng từ bên ngoại năng khiếu âm nhạc: "Ông ngoại tôi sinh ra ở An Cựu-Huế, chơi đàn bầu giỏi, thường chơi đàn trong các đám hát. Bà ngoại tôi yêu ông cũng vì tiếng đàn ấy. Bà cũng là người hát ca Huế rất hay. Còn nhớ khi sắp mất, bà hát một câu ca Huế từ điệu Nam Bằng chuyển sang Nam Ai thì không lên nổi và trút hơi thở cuối cùng bằng điệu ca đó".

Chị đã từng hát được điểm 10, trúng tuyển văn công, nhưng không đành lòng xa mẹ nên đành phải ngậm ngùi ước mơ ca hát. Chị theo học cấp 3 sơ tán ở Ngư Hóa (miền tây Quảng Bình). Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ước mơ vào đại học của chị cũng phải đành khép lại...

Kính biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Để hồn trôi êm ái khúc du ca... - Ảnh 1.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (1949-2023)

Sống thiếu vắng cha từ nhỏ, lý lịch "có bố đi Nam" ám ảnh, khốn đốn chị cả một thời thơ ấu. Nỗi buồn giằng bện, bám vào thơ chị:

 Tuổi thơ tôi như sáng chiều đỏ lựng

Hắt máu xuống dòng sông đen

(Dòng sông đen)

Mẹ sinh em ngày này

Mưa dột bầm mái tóc

 Gió tê buốt hai tay

 Mẹ không có cửa nhà

 Em - đứa trẻ vắng cha

 Như mầm cây trên đá

 Biết khi nào nở hoa...

Lúc đó, mẹ chị - người phụ nữ Huế dịu dàng, giỏi giang đã làm điểm tựa, ảnh hưởng đến chị rất lớn. Nỗi niềm ấy chị lặm lụi gửi vào thơ. Thơ đã trở thành người bạn thân, gần gận nhất, hiểu nỗi lòng chị nhất. Thơ dẫn chị đến con đường rộng, chan hòa ánh sáng, chắt gạn từng niềm vui nho nhỏ. Chị gom lại, nhân lên từ những bài đoạt giải ở Báo Quảng Bình.

Chị biết ơn nhà thơ Hải Bằng đã phát hiện, giới thiệu chị đến Hội Văn nghệ Quảng Bình. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình); làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Sông Hương (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế);  Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế...

Kính biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Để hồn trôi êm ái khúc du ca... - Ảnh 2.

Vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ

Từ quê hương miền Trung, thơ đã đưa Lâm Thị Mỹ Dạ bước vào "ngôi đền" văn chương, chị trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; học Trường viết văn Nguyễn Du khóa (1978 - 1983); tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ, 1988); Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam (khóa III).

Như thế, mẹ và thơ ca là nơi vịn bám thiêng liêng cho "người đàn bà thơ" có tuổi thơ buồn nỗ lực vươn lên. Người bạn đời của chị là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã bên cạnh, vun nhen những ủ ấp thơ ca của chị.

"Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài" - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Dâng hiến đời mình cho thơ

Dâng hiến đời mình cho thơ, Mỹ Dạ cảm giác như một lần "Trái tim sinh nở" (tên tập thơ xuất bản năm 1974) để từ đó "sinh" đều đặn những tập thơ Bài thơ không năm tháng (1983), Hái tuổi em đầy tay (1989), Mẹ và con (1994), Đề tặng một giấc mơ (1998), Hồn đầy hoa cúc dại (2007); các tập truyện thiếu nhi: Danh ca của đất (1984), Nai con và dòng suối (1987), Phần thưởng muôn đời (1987).

Tập thơ Cốm non (Green Rice) gồm 56 bài do chị tự tuyển chọn trong những tập thơ đã xuất bản của mình đã được Nhà xuất bản Curbstone dịch sang tiếng Anh và phát hành tại Hoa Kỳ năm 2005.

Với chị, thơ phải bắt đầu từ sự chân thật. Đây chính là quan niệm đã hình thành nên phong cách thơ Lâm Thị Mỹ Dạ gần gũi, chân thật, đam mê. Đọc thơ chị thấy con người của chị.

Không giấu giữ, chị từng chia sẻ rất chân thành rằng "Đó chính là con người thật của tôi. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài. Mà muốn có những bài thơ như thế thì phải sống thật với chính mình. Một khi ta tự lừa dối chính ta thì thơ không còn là thơ nữa...".

Mỗi bài thơ của chị đều có một cuộc đời riêng. Thơ chắt ra từ cuộc đời mỗi người trong cảm nhận hồn hậu của nhà thơ. Minh chứng thuyết phục nhất là bài thơ Khoảng trời và hố bom được chị viết trong cảm xúc tươi tắn của tuổi đôi mươi bắt đầu từ câu chuyện cuộc đời mà chị quan sát được trong một chuyến thực tế ở Đường 10 năm 1970 khi chiến tranh đang rất ác liệt. Gặp đội thanh niên xung phong đang làm đường, trong đó có chuyện một cô đã lớn tuổi được giải ngũ 3 năm trước nhưng cả gia đình đã bị bom Mỹ sát hại. Ngôi nhà ấy chỉ còn lại hố bom sâu hoắm, cùng những mảnh bát vỡ. Sau mấy ngày ở nhờ nhà bà con, cô gái ấy nén đau thương khoác ba lô vào chiến trường. Câu chuyện đã trở thành nỗi ám ảnh triền miên trong lòng nhà thơ. Năm 1972, có dịp trở lại con đường đó, Lâm Thị Mỹ Dạ tìm đến đơn vị của cô gái nhưng không ai biết. Hố bom với những khoảng trời vời vợi thôi thúc tâm can. Trở về nhà, ra sông giặt áo, nhà thơ sững sờ trước khoảng trời trong xanh và một tứ thơ ra đời gợi ý từ hố bom và khoảng trời. Bài thơ "Khoảng trời và hố bom" ra đời trong ám ảnh đó:

Kính biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Để hồn trôi êm ái khúc du ca... - Ảnh 4.

Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương Cho đoàn xe kịp giờ ra trận Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom...

Bài thơ về chiến tranh giàu chất sử thi kết hợp với tính trữ tình, thấm đẫm chất nhân văn: Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ Ðất nước mình nhân hậu Có nước trời xoa dịu vết thương đau Em nằm dưới đất sâu Như khoảng trời đã nằm yên trong đất Ðêm đêm, tâm hồn em toả sáng Những vì sao ngời chói, lung linh Sự hy sinh không mất đi mà gieo mầm cho sự sống: Tên con đường là tên em gửi lại Cái chết em xanh khoảng - trời - con - gái Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em Bài thơ Khoảng trời và hố bom đã đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1971 - 1973. Bài thơ như một sự kiện chính thức ghi dấu cái tên Lâm Thị Mỹ Dạ vào văn đàn thi ca Việt Nam. Bài thơ Truyện cổ nước mình của Lâm Thị Mỹ Dạ đã được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa (SGK) Văn 5, tập 2 (NXB Giáo dục, 1989); SGK Tiếng Việt 5, tập 2 (NXB Giáo dục, 2004) và SGK Tiếng Việt 4 (2019):

Tôi yêu truyện cổ nước tôi Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa Thương người rồi mới thương ta Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm Ở hiền thì lại gặp hiền Người ngay thì gặp người tiên độ trì Mang theo truyện cổ tôi đi Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi Đời cha ông với đời tôi Như con sông với chân trời đã xa Chỉ còn truyện cổ thiết tha Cho tôi nhận mặt ông cha của mình Rất công bằng, rất thông minh Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang. Thị thơm thì giấu người thơm Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà Đẽo cày theo ý người ta Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì Tôi nghe truyện cổ thầm thì Lời cha ông dạy cũng vì đời sau

(Rút từ "Bài thơ không năm tháng", NXB Tác phẩm mới, 1983)

Thơ chị triền miên những nỗi buồn giăng mắc "Nỗi mình biết ngỏ ai hay/ Bao đêm nước mắt vơi đầy, mẹ ơi". Dẫu buồn, thơ chị luôn tự bạch một cách chân thật, nồng nàn, có cả chút dại khờ, không nén giấu của người đàn bà làm thơ: "Em có những ban mai giấu trong hồn như lửa/ Em có nổi buồn như tro/ Hoang lạnh cả một thời thiếu nữ/ Em có những ngọt ngào chưa tan/ Thấm dịu cả tháng ngày lam lũ". Chỉ em biết mình đẹp trong mắt ai nên cảm nhận được "Nhưng em biết trong cái nhìn nhân hậu/ Anh vẫn thấy em tươi mới thuở ban đầu", bởi "Anh nhận ra em với tất cả sắc màu" (Anh đã nhìn thấy em).

Bài thơ "Tự bạch" là nỗi buồn cùng thời gian: "Nghiêng vai đặt gánh qua cầu/ Hạnh phúc thì mỏng, khổ đau thì dày/ Lệch người biết gánh sao đây/ Đường đi chưa hết, kiếp này chưa qua".

Sự khẳng định vẻ đẹp trong em là sự đằm thắm, tinh tế, nữ tính: "Tròn đầy như trăng/ Xanh mền như cỏ/ Dịu hiền như sông/ Hồn nhiên như gió/ Như thác quyết liệt/ Như núi nghĩ suy/ Như đất thầm lặng/ Chứa bao diệu kỳ" (Anh đã nhìn thấy em). Trái tim phụ nữ đầy dự cảm. Trước lời khen của đàn ông vẫn mong muốn sự tỉnh táo để nhận cái thật/giả: Anh ơi, anh có biết không Vì anh em buồn biết mấy Tình yêu khắt khe thế đấy Anh ơi anh đừng khen em... Trái tim đa cảm rộng mở, nhìn nhận mọi vấn đề theo cách nhìn đầy nhân văn, độ lượng với người lính Mỹ chết ở chiến trường Việt Nam. Thơ chị đã hé mở tinh thần hòa giải: "Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã/ Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy/ Xin hãy giở dưới làn da chó sói/ Trái tim nai đỏ thắm thơ ngây"; "Khuôn ngực đã cất giấu/ Một trái tim/ Nặng hơn quả đất... Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Và bức tường đen như một vết thương/... không bao giờ thành sẹo" (Bức tường đen); "Thơ như máu thắm/ Tan vào hư vô/ Đời bao phúc hoạ/ Gieo gặt bất ngờ/ Mỏi không thể nghỉ/ Mệt không thể kêu/ Người im như bóng/ Tôi về với tôi/ May có đứa trẻ/ Còn ở trong hồn/ Cái nhìn xanh biếc/ Lung linh cội nguồn/ Trái tim thơ dại/ Tôi về với tôi"...

PGS-TS Hồ Thế Hà nhận định: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng". Nhà thơ Ngô Văn Phú cùng chung nhận định đó: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính"...

Vào lúc 5h sáng ngày 6/7/2023, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã gửi lại cõi tạm tuổi 74 phiêu du miền mây trắng. Chị đã từng mong "Đi cùng sông Hương":

Nếu được lạc cùng sông

Xin lạc mãi

Để hồn trôi êm ái khúc du ca...

Các giải thưởng của Lâm Thị Mỹ Dạ


Giải Nhất cuộc thi thơ báo văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Bài thơ không năm tháng (1981 - 1983); Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (1999); Giải A thơ Giải thưởng VHNT Cố đô (1998 - 2004); Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho ba tập thơ Đề tặng một giấc mơ (1988), Trái tim sinh nở (1974) và Bài thơ không năm tháng (1983).

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm