Ultras: Chén rượu đắng cho sự hồi sinh của Calcio

01/05/2015 05:58 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Torino đã chơi một trận tuyệt hay và giành chiến thắng lịch sử, chấm dứt 20 năm không thắng trước kình địch Juventus trong trận Derby della Mole. 

Thế nhưng mọi sự chú ý lại không tập trung vào công sức của thày trò Ventura mà đổ dồn vào những diễn biến bên ngoài sân cỏ và trên khán đài với các cổ động viên hai đội là những diễn viên chính. Các cổ động viên Torino đón tiếp xe bus của Juventus bằng gạch, đá, trứng thối khi xe của Juve tiến về Sân Olimpico. Trên khán đài, các Juventini cũng không phải dạng vừa khi họ ném bom giấy về phía khán đài của các cổ động viên Torino khiến 11 người bị thương.

Các cuộc ẩu đả còn diễn ra sau trận đấu, tại thành phố Torino khiến danh hiệu Thủ đô thể thao của Châu Âu mà Torino đang giữ trở thành một trò cười lố bịch. Điều đáng tiếc hơn nữa, những sự việc như thế không phải là những ngoại lệ mà chỉ là một câu chuyện của thế giới bóng đá Italy.

Mới tuần trước, các ultras Cagliari đã đột nhập vào trại tập luyện của đội bóng đang ở khu vực tranh vé xuống hạng này và dạy cho các cầu thủ, BHL Cagliari một bài học. Sự việc khiến giới bóng đá Italy chao đảo và giới chính trị lắc đầu. Hay xa xa hơn nữa là chuyện một cổ động viên Napoli thiệt mạng sau một vụ ẩu đả với nhóm cổ động viên Roma. Năm nay khi Roma đón tiếp Napoli trên sân nhà, các cổ động viên Roma chuẩn bị luôn những bandrole nhục mạ người mẹ của anh bạn xấu số. Sự việc khiến chủ tịch Roma, Pallotta nổi điên, công kích đám cổ động viên ấy là những kẻ ngu ngốc. Ngay ngày hôm sau trên tường phố Roma và trên sân tập của Roma, các ultras đã trả đũa bằng những dòng chữ tục tĩu nhất có thể. 



Các sân vận động vắng khán giả

Một câu chuyện khác nữa có thế khiến người ta cười ra nước mắt. Chuyện là mùa giải năm ngoái, Juventus nhận án phạt vì những cổ động viên hát những bài hát phân biệt vùng miền nhắm vào Napoli. Juve đã chạy đôn, chạy đáo để FIGC cho phép lấp đầy những khán đài trống bằng những đứa trẻ đến từ các trường học trong vùng. Sau trận đấy, Juve lại bị phạt vì có những lời chửi như hát hay nhắm vào thủ môn đội bạn đến từ… những đứa trẻ.

Văn hóa thưởng thức và bạo lực không còn là vấn đề quá mới với Serie A. Nhưng trước kia với những ngôi sao hàng đầu thế giới, sức hút vẫn còn rất mãnh liệt. Các khán đài luôn được lấp kín, cổ động viên cổ vũ nhiệt tình suốt cả trận và tất nhiên và pháo sáng mù mịt. Nhưng khủng hoảng kinh tế, cùng với sự tháo chạy hàng loạt của các ngôi sao, các scandal rúng động… Serie A như bệnh nhân HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Theo một thống kê của Gazzetta della Sport hồi cuối năm 2014, tỉ lệ lấp đầy các sân vận động ở Serie A chỉ đạt 55%, thấp nhất trong 4 giải đấu hàng đầu tại Châu Âu. Điều đó lý giải tại sao doanh thu của các CLB Italy trong ngày có trận đấu lại thấp như thế. 

Theo thống kê của Deloitte Money League 2015, CLB thu nhiều nhất tại Serie A trong những ngày có trận đấu là Juventus (10) là 41M, chiếm 15% tổng thu nhập của CLB, còn AC Milan(12) là 24.9M, chiếm 10%, con số này của Napoli là 20.9M, chiếm 13% thu nhập, Inter Milan là 18.8M, chiếm 11%. Con số này của Dortmund(11) là 56.1M/22%, Schalke 04 (13) là 41.1M/19% hay Liverpool (9)  61M/20%, Spurs (13) là 52.4M/24%. Tất nhiên là không thể bằng một góc của 3 đội dẫn đầu  Real Madrid 113.8M/21%, Manchester 129.3M/25%, Munich 88M/18%. 



Ultra gây nên vụ bạo loạn trận Roma - Napoli mùa trước

Thu nhập trong các ngày thi đấu chỉ là một trong rất nhiều các nguồn thu của các CLB như tài trợ, bản quyền truyền hình, tiền thưởng, kinh doanh đồ lưu niệm … Trong khi rất khó để tăng doanh thu từ 3 nguồn đầu tiên thì doanh thu từ kinh doanh áo đấu và trong các ngày thi đấu hoàn toàn do chiến lược của các CLB. Điều đó có thể lý giải một điều tại sao các CLB có nền tảng tài chính vững chắc như Manchester United có thể thoải mái chi tiêu ngay cả khi họ thất bại trên sân đấu. 

Serie A rất muốn học theo mô hình của Bundesliga hay Premier League nhưng họ hoàn toàn bó tay với sự bất hợp tác của các nhóm ultras. Các sân vận động cũ kỹ cùng muôn vàn những nguy hiểm rình rập khi đến xem một trận đấu có thể khiến một ông bố thoải mái dẫn con mình đi chơi công viên và xem livescore hơn là đưa cả gia đình đên sân vận động. Sau một tuần lao động căng thẳng và mệt mỏi, họ không còn muốn chuốc thêm những rắc rối và nguy hiểm hơn nữa. Rất nhiều những lời kêu gọi từ các CLB như Juve, Torino, Inter Milan, Roma, Napoli… và cả FIGC, nhưng có lẽ đúng như lời Mancini nói : "Nói ít đi, làm nhiều hơn". 

Marco Di Vaio, người đã chinh chiến cả sự nghiệp tại Serie A trong màu áo nhiều CLB, nay trở lại làm Giám đốc tại CLB cũ Bologna, đã chia sẻ về những trải nghiệm tại Canada : "Tôi thực sự hài lòng về quyết định ra nước ngoài thi đấu, cho dù là muộn. Đó là một trải nghiệm hoàn toàn khác với những gì diễn ra tại Serie A. Mỗi trận đấu là một ngày hội, cả gia đình cùng đến sân vận động cổ vũ đội bóng. Bạn sẽ thấy thật tuyệt vời khi ghi bàn trong tiếng hò reo của lũ trẻ".

Minh Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm