Serie A nhìn từ kì chuyển nhượng mùa Hè: Đẩy lùi ngày diệt vong

26/08/2014 14:15 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm 90 thế kỉ trước, Serie A là đỉnh cao bóng đá, nơi hội tụ của những cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh, khác hẳn bây giờ, giải đấu ảm đạm và u ám.

Những cậu nhóc 10 tuổi hiện nghe kể về bóng đá Italy của ngày xưa tựa như lạc vào chuyện cổ tích của người tí hon với quái vật khổng lồ. Nhưng từ năm 1989 đến 1998, 9/10 trận chung kết cúp C1/Champions League có sự tham dự của các CLB Italy, với 4 lần Cúp về nước Ý. Trong số 7 trận chung kết UEFA Cup từ năm 1989 đến 1995 thì 6 CLB Italy chiến thắng, và 14 CLB Serie A hiện diện trong các trận chung kết từ năm 1989 đến 1999.

Đã xa đỉnh cao hơn 20 năm

Những cầu thủ như Diego Maradona, Roberto Baggio, Zinedine Zidane, Marco van Basten, Lothar Matthaus… đều có quãng thời gian thành danh tại Serie A, và cùng nhau tạo nên các giai đoạn vàng son cho giải đấu.

Khác hẳn bây giờ. Tây Ban Nha mới là mảnh đất thu hút các ngôi sao đương đại, và tiền bạc trong thế giới bóng đá đổ về nước Anh. Khán giả lấp kín các SVĐ Premier League mang đến các CLB nguồn thu khổng lồ từ bản quyền truyền hình. Gần đây là Đức, với trận chung kết Champions League nội bộ của Bundesliga năm 2013.

Từ năm 1952 đến 1992, trong 17 kỉ lục chuyển nhượng thế giới bị phá thì có đến 15 lần thuộc về các CLB Serie A! Các cầu thủ như Luis Suarez, Omar Sivori, Paolo Rossi, Maradona, Gullit, Baggio, Papin được nối tiếp bởi Ronaldo, Vieri và Crespo. Khác với bây giờ: Mario Balotelli vừa từ bỏ giải đấu, và trước đó đến một cầu thủ trẻ như Ciro Immobile cũng chọn ra nước ngoài. Vidal, Benatia, Pogba, Destro hay Cuadrado… cũng đang nhấp nhổm đòi đi.

Cố gắng làm lại

Chuyên gia tư vấn của hãng kiểm toán Deloitte, Alex Thorpe, lý giải: “Nếu trở lại mùa 1996-97 thì nước Anh đạt doanh thu 685 triệu euro so với 551 triệu euro của các CLB Ý, nghĩa là khoảng cách không quá lớn. Nhưng bây giờ, khoảng cách giữa hai giải đấu Premier League và Serie A đã là 1,3 tỉ euro!”.

Sự giàu có của Serie A những năm 1990 phần lớn được tạo dựng bởi nhóm “7 chị em”; nhưng tập đoàn Cirio sở hữu phần lớn cổ phần CLB Lazio hay công ty Parmalat chống lưng cho Parma đã sụp đổ nhanh chóng, trong khi Fiorentina dính vào các khoản nợ không thể thanh toán.

Napoli phá sản năm 2004 đúng thời điểm bong bóng Serie A bắt đầu nổ, mở đường cho các bê bối thể thao. Ngày nay các ngân hàng không cho phép bóng đá lãng phí vào những Maradona hay Papin, và trong khi doanh thu từ ngày diễn ra trận đấu của cả châu Âu tăng mạnh trong 20 năm thì chỉ 11% doanh thu của các CLB Serie A mùa 2012-13 đến từ bán vé. “Đấy là chất xúc tác cho một vòng luẩn quẩn”, ông Thorpe nói.

Chỉ đơn giản thế này: “Nếu SVĐ đầy ắp khán giả, các nhà tài trợ sẽ bị thu hút, khán giả giúp việc quảng cáo áo đấu hiệu quả hơn. Tương tự, có nhiều khán giả đến sân thì không khí sẽ tốt cho việc quảng bá trên truyền hình, doanh thu nếu được tái cơ cấu xây dựng cơ sở vật chất sẽ tạo ra bộ mặt mới cho giải đấu”.

Trong số 20 CLB Serie A, chỉ Juventus và Sassuolo có SVĐ riêng. Roma mới đang lên kế hoạch xây còn Udinese mới bắt đầu khởi động.

Serie A đã thêm các trận đấu diễn ra vào giờ ăn trưa (12h30) để thu hút khán giả châu Á. Nhưng các CLB lớn như Milan, Inter hay Juve lại không muốn đá vào khung giờ này. Hiệu quả quảng bá vì thế rất thấp, trong khi Luật công bằng tài chính của UEFA khiến Silvio Berlusconi không dám chi tiền, Massimo Moratti bỏ cuộc chơi và gia đình Agnelli phải nghĩ nhiều hơn đến khối tài sản của Fiat.

“Tất nhiên cũng có những mầm xanh”, Thorpe nói. “SVĐ mới giúp doanh thu từ ngày diễn ra trận đấu của Juventus tăng gấp 3 lần và các CLB khác đang học theo. Các ông chủ nước ngoài đã đầu tư vào Roma và Inter. Roma, Inter, Milan đều đã rục rịch nói về kế hoạch xây sân mới. Ngày diệt vong cho Serie A vì thế chưa thể đến, nếu họ biết nhìn ra sai lầm và sửa chữa sai lầm”.

38,07 Juventus là đội bóng Italy duy nhất lọt vào Top 14 CLB có doanh thu từ ngày diễn ra trận đấu cao nhất, với 38,07 triệu euro vào mùa 2012-13, kém xa đội dẫn đầu Manchester United: 127,3 triệu euro.

15 Từ năm 1952 đến 1992 có 17 kỉ lục chuyển nhượng bị phá thì 15 thuộc về các CLB Serie A. Kỉ lục năm 1992 là Milan mua Gianluigi Lentini từ Torino với giá 19,6 triệu euro.

24 Thương vụ đắt nhất của Serie A Hè này đến giờ là Juan Iturbe, từ Verona đến Roma, giá 24 triệu euro. Vụ đắt nhất của Premier League là Angel Di Maria giá 75 triệu euro; của La Liga là Luis Suarez, giá 81 triệu euro.


Gia Hưng (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm