Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa

16/05/2024 07:13 GMT+7 | Văn hoá

Cuối tuần trước, những kỉ niệm và kí ức đẹp về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân (1906 - 1954) lại hiện hữu trong cuộc trò chuyện về ông trong khuôn khổ triển lãm Đường tới Điện Biên diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ có sự tham gia của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, đại diện gia đình họa sĩ cùng nhiều học sinh cũ.

Đại diện của lớp họa sĩ kháng chiến

Như lời các diễn giả, trong giai đoạn 1930 - 1945, trong trào lưu trung của hội họa, bút pháp Tô Ngọc Vân cũng chịu ảnh hưởng từ các khuynh hướng nghệ thuật cổ điển, ấn tượng và hậu ấn tượng của phương Tây. Tuy nhiên, đó là sự kế thừa hòa hợp với bản sắc Việt Nam.

Dẫn lại các tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Thiếu nữ bên hoa sen, Hai thiếu nữ và em bé (1944), họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định: Dung nhan điển hình nhất cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam thời kì những năm 1930 - 1940  xuất hiện trên tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân, với ngòi bút sắc nét và xúc động đến mức khó ai có thể làm được điều đó lần thứ 2.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa - Ảnh 1.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân

"Ở thế kỉ này, chúng ta đang chứng kiến sự sôi động về thời trang của các cô gái Hà Nội - những người rất trẻ, tài năng, tạo nên được các cuộc cách mạng về thời trang, về thẩm mỹ - nhưng tôi cho rằng, không có mấy họa sĩ đương đại có thể thể hiện được hình ảnh về người phụ nữ trong hội họa thành công như ông" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ - "Điều đó cũng có nghĩa, lớp trẻ đang được thừa hưởng một tài sản lớn từ họa sĩ Tô Ngọc Vân".

Bên cạnh đó, ở vị thế của một người nghệ sĩ kháng chiến, họa sĩ Tô Ngọc Vân cũng có những đóng góp sâu sắc, gắn bó với lịch sử hội họa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung trong giai đoạn 1945 - 1954.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa - Ảnh 2.

Ông Tô Ngọc Thành (đội mũ) đại diện gia đình họa sĩ Tô Ngọc Vân tặng Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam ảnh chụp tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa huệ" và một số tài liệu

Năm 1944, khi trường Mỹ thuật Đông Dương buộc phải đóng cửa, thầy trò của trường chia làm 2 nhóm, rẽ 2 ngả: Một nhóm về Đà Lạt, một nhóm về Đường Lâm, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Họa sĩ Tô Ngọc Vân thuộc nhóm về Sơn Tây rồi sau này lên Việt Bắc. Tại đây, Trường Mỹ thuật Việt Nam ra đời, do ông làm hiệu trưởng. Cùng với sự ra đời của Hội Văn nghệ Việt Bắc do họa sĩ Trần Văn Cẩn làm chủ tịch, mỹ thuật Việt Nam bước sang một thời kì mới.

Lúc này, họa sĩ Tô Ngọc Vân vừa làm thầy, vừa đi vẽ kí họa chiến trường cùng học trò. Ông đã vẽ hàng trăm bức kí họa và truyền lửa tận tình tới thế hệ học trò ưu tú với những Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa, Ngọc Linh.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa - Ảnh 3.

Bức “Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ” - thể loại khắc gỗ

Đáng nói hơn, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, bên cạnh sự nghiệp hội họa, Tô Ngọc Vân còn là một nhà phê bình mỹ thuật xuất sắc với khả năng nhận xét rất chính xác. Đương thời, ông sử dụng các bút danh như Tô Tử, Ái Mỹ, TNV.

"Như họa sĩ Trần Đình Lập nói, Tô Ngọc Vân là một họa sĩ có cái nhìn mà không phải họa sĩ nào cũng có. Ông đã nhìn xuyên trước các dòng chảy hội họa của Việt Nam từ cổ điển sang ấn tượng và sang cả hậu ấn tượng", nhà nghiên cứu này chia sẻ.

"Nhìn lại những các kí họa chiến trường của danh họa Tô Ngọc Vân, tôi nghĩ rằng ông đã vẽ rất nhanh nhưng lại rất kĩ từng đường nét. Chính điều này càng thể hiện tài năng lớn của danh họa " - họa sĩ Lương Xuân Đoàn.

Một người thầy - người cha

Ở tuổi ngoài 90 nhưng họa sĩ Ngọc Linh, học trò của họa sĩ Tô Ngọc Vân, vẫn rất minh mẫn khi nhớ lại những năm tháng trên chiến trường Điện Biên Phủ cùng thầy mình.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa - Ảnh 5.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh (đứng), nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến và họa sĩ Lương Xuân Đoàn tại buổi trò chuyện hoa si Ngoc Linh): họa sĩ Ngọc Linh chia sẻ về thầy Tô Ngọc Vân

Ông kể, ở khóa kháng chiến ấy, thầy trò xưng hô với nhau là anh - em nhưng trong tâm ông luôn tâm niệm 2 chữ "kính thầy". Có lần, đi vẽ cũng họa sĩ, cả hai  vô tình gặp một thung lũng rất đẹp. Lập tức, họa sĩ Ngọc Linh được dịp chứng kiến thầy dừng lại, say sưa vẽ từ sáng đến tận 4h chiều mới dừng bút.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa - Ảnh 6.

Bức "Hai thiếu nữ và em bé" trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Còn với các con của mình, họa sĩ Tô Ngọc Vân là một người cha tài hoa, luôn trân quý và yêu thương các con hết lòng. Ông có 4 con trai và 1 con gái, tất cả đều thành danh ở những vị trí xã hội khác nhau. Họ là GS Tô Ngọc Thanh, PTS Tô Ngọc Thái, họa sĩ Tô Ngọc Thành, TS KTS Tô Thị Toàn và KTS Tô Ngọc Thạch.

Như lời KTS Tô Ngọc Thạch, là con út nên khi nhỏ, anh thường chưa ngủ dậy khi bố đi làm và cũng đã đi ngủ khi bố về khuya. "Nhưng bố vẫn kết nối với tôi bằng một chiếc bánh - món quà sau mỗi lần ông đi làm về. Mỗi khi ngủ dậy, thấy bánh bố để đầu giường dành cho mình ăn sáng, tôi vẫn gọi đó là bánh Cậu. Còn lớn lên, tôi chỉ có những kí ức về bố qua những bức ảnh, những câu chuyện mà mọi người kể về ông, nhưng vẫn luôn tự hào và cảm thấy bố đồng hành với mình trong cuộc đời" - KTS Ngọc Thạch cho biết.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa - Ảnh 8.

Bức “Hai thiếu nữ và em bé” vẽ năm 1944, chất liệu sơn dầu

Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa - Ảnh 9.

Bức “Thiếu nữ bên hoa Ssen”, chất liệu sơn dầu

Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa - Ảnh 10.

Các tác phẩm kí họa chiến trường của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa - Ảnh 11.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân: Người nhìn 'xuyên trước' các dòng chảy hội họa - Ảnh 12.

Clip giới thiệu về danh họa Tô Ngọc Vân tại chương trình

Vài nét về danh họa Tô Ngọc Vân

Là một trong nhóm tứ kiệt của nền hội họa Việt Nam (Trí, Vân, Lân, Cẩn), họa sĩ Tô Ngọc Vân (sinh năm 1906, tại Hà Nội) là sinh viên khóa 2 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Các tác phẩm hội họa của ông nổi tiếng với chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa...Tham gia kháng chiến tại chiến trường Điện Biên Phủ, họa sĩ Tô Ngọc Vân hi sinh tại đèo Lũng Lô tháng 6/1954. Tác phẩm cuối cùng ông để lại là bức tranh Đèo Lũng Lô.

Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và là liệt sĩ đầu tiên của giới nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Trong cuộc tọa đàm, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến nhắc lại 4 câu thơ của Tố Hữu khắc họa chân dung họa sĩ Tô Ngọc Vân: "Tuyệt vời Tô Ngọc Vân ơi! Tài hoa màu sắc cho đời nên tranh/ Mũ vải mềm, mảnh áo xanh/ Nẻo quê, xóm núi bóng anh đi về".

Lam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm